Đại bộ phận công chúng không tán thành, thậm chí nhạo báng kiểu chữ cải cách, trong ảnh là hai dòng chữ có nghĩa là "tiếng Kazakhstan" nhưng được viết bằng hai hệ chữ: Kirin (bên trên) trong bảng mẫu tự cũ và La tinh trong bảng chữ viết cải cách (bên dưới) - Ảnh: AFP
Ngày 9-2 vừa qua, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã ký sắc lệnh về việc cải cách chữ viết trong ngôn ngữ Kazakhstan, sau khi nước này đã một lần chuyển đổi chữ viết sang mẫu tự La tinh vào ngày 27-10-2017.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Kazakhstan Dauren Abayev thông báo với giới truyền thông rằng "phiên bản mới của mẫu tự cải cách đã được các chuyên gia ngôn ngữ học nghiên cứu chỉnh sửa".
Vào tháng 10 năm ngoái, đã có một sắc lệnh được ban hành tuyên bố bãi bỏ việc sử dụng hệ chữ Kirin (vốn được sử dụng nhiều trong các cộng đồng ngữ hệ Slave, chủ yếu là trong tiếng Nga) để chuyển qua hệ chữ La tinh.
Sắc lệnh cũng quy định hệ chữ cải cách sẽ được áp dụng vào năm 2025 và chỉ thị "tất cả các tài liệu, sách báo sẽ phải được in ấn bằng mẫu tự La tinh", với lý do là hệ chữ Kirin không còn phù hợp và không chuyển tải được tất cả những đặc thù về ngôn ngữ trong tiếng Kazakhstan.
Nhưng việc chuyển đổi này đã vấp phải một làn sóng bất bình lớn trong dân chúng và sau đó là những bình luận công khai châm biếm, chế giễu bảng chữ cái được sửa đổi.
Theo ý kiến người dân, việc thêm dấu phẩy trên (’) vào một số chữ cái sẽ làm phức tạp thêm việc đọc và viết theo mẫu tự La tinh, có người còn cho đây là một chỉnh sửa mang tính "gượng ép" đối với một ngôn ngữ.
Bảng mẫu tự chữ viết trước đây của Kazakhstan có 42 chữ cái, trong đó có 33 ký tự tiếng Nga và 9 của chữ Kazakhstan. Khi chuyển qua hệ chữ La tinh, rút xuống chỉ còn 23 chữ cái, và thêm vào đó là 9 chữ (tô màu đỏ) được thêm dấu phẩy trên (’), điều này khiến việc đọc và viết trở nên rối rắm.
Để tách ra khỏi ảnh hưởng của Nga
Lịch sử ngôn ngữ của người Kazakhstan chuyển biến thăng trầm theo thời cuộc chính trị của quốc gia này.
Là một ngôn ngữ thuộc hệ ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Kazakhstan bắt đầu được viết bằng hệ chữ Ả Rập vào thế kỷ 10 sau khi Ả Rập chinh phục vùng Trung Á và chuyển vùng này qua đạo Hồi.
Đến năm 1923, sau khi sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, chữ Kazakhstan được chuyển sang mẫu tự La tinh, nhưng 11 năm sau đó, hệ chữ Kirin được thay thế cho phù hợp với chính sách thống nhất về ngôn ngữ của các dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn lãnh thổ Liên Xô.
Bảng minh họa việc chuyển đổi hệ chữ của tiếng Kazakhstan: cột 1 là tiếng Nga, cột 2 là tiếng Kazakhstan theo hệ chữ Kirin, cột 3 là hệ chữ cải cách theo mẫu tự La tinh.
Mới đây, việc chuyển đổi chữ viết sang mẫu tự La tinh theo sắc lệnh tháng 10-2017 được tính trong khuôn khổ chương trình tổng thể về cải cách toàn diện được đưa ra vào năm 2012 trong mục tiêu hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực thu hút cạnh tranh trên trường quốc tế, và đồng thời cũng là để từng bước tách xa khỏi ảnh hưởng Nga.
Trong một thông cáo báo chí khi đó, văn phòng Tổng thống Kazakhstan đã bày tỏ nguyện vọng sẽ đưa đất nước Kazakhstan "gia nhập khối 30 quốc gia phát triển nhất trên thế giới".
Trong số những nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, chỉ có hai nước là Kyrgyzstan và Tajikistan còn giữ lại hệ chữ Kirin, trong khi Azerbaijan, Uzbekistan và Turkmenistan đã chuyển sang hệ chữ La tinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận