Karoshi có nền tảng từ một cơn nhồi máu cơ tim, dẫn đến đột quỵ và tử vong.
Lai lịch Nhật Bản
Karoshi chính thức vua biết mặt chúa biết tên tại Nhật vào đầu năm 1980, nhưng chục năm trước nó đã sớm "mở tài khoản" với một nhân viên giao nhận 29 tuổi của Đài NHK. Rất nhanh karoshi tiếp tục ra mắt khắp năm châu, với các bản remake nổi tiếng như gwarosa/Hàn Quốc, guolaosi/Trung Quốc, hay death by overwork tại các quốc gia nói tiếng Anh. Karoshi lắm khi bị gọi thẳng mặt là work to death hay death job.
Giết người ngang tai nạn giao thông
Còn kiểm chứng, hằng năm khoảng 10.000 người Nhật bị "giết" bởi karoshi, 1 triệu người Trung Quốc dưới tay guolaosi, và chừng 750.000 nhân mạng toàn cầu bởi death job chung số phận. Không khó hiểu khi karoshi hoành hành tại các quốc gia có tiếng "làm chết bỏ", hay có tỉ lệ mắc nghiện việc cao.
Tự tử vì làm việc quá sức
Người Nhật cũng là cha đẻ của karojisatsu/tự tử do căng thẳng công việc, một karoshi quá khích, với ca nhảy lầu của một nữ nhân viên 24 tuổi từ công ty quảng cáo Dentsu Inc Nhật Bản. Tại nhiều nơi, karojisatsu thay chân đột quỵ, tai biến, trở thành nguyên do tử vong chính của karoshi.
Gục chết tại bàn làm việc
Một karoshi khủng nữa là "gục chết tại bàn làm việc", với bằng cớ chết gục trên đống tài liệu của một kỹ sư Hãng Nanya Technology Corp, chấn động Đài Loan một thời.
Tiền khả thi
Đầu tắt mặt tối là đầu dây mối nhợ, nhưng đến độ đăng xuất ngay tại bàn cạo giấy, thì cần hiểu đây là đòn hội đồng của thời gian làm việc + áp lực công việc + căng thẳng + thiếu nghỉ ngơi + mất cân bằng cuộc sống và việc làm.
Theo đó, một karoshi triển vọng là các vị khoái làm việc quá giờ, áp lực công việc cao, thiếu nghỉ ngơi, kém kỹ năng từ chối, không ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân...
"Nhân viên của tháng"
Dẫu vậy thời gian làm việc dài (tính luôn quá giờ, làm thêm và đi sớm về trễ) vẫn ân oán với karoshi hơn cả. Mắt thấy tai nghe: WHO và tổ chức Lao động Quốc tế cam đoan cày cuốc quá 55 giờ/tuần làm tăng nguy cơ đột quỵ hơn 35% và bệnh mạch vành hơn 17%, so với các vị làm 35 - 40 giờ/tuần. Cùng chuẩn quá 55 giờ/tuần, rủi ro của hội chứng chuyển hóa (huyết áp, đường huyết, cholesterol cao) với các tay tham công tiếc việc rõ như ban ngày. Một công bố khác: công cán quá 11 giờ mỗi ngày "giúp" nhân viên được thưởng "coupon" trầm cảm cao hơn 2,5 lần so với đồng nghiệp sáng vác ô đi tối vác về...
Người được chọn
Thân làm công ăn lương, ai cũng có cơ nguy bị karoshi để bụng. Nói nặng nhọc, tăng ca dễ nghĩ karoshi chỉ tính toán riêng với người đổ mồ hôi sôi nước mắt, trong khi thật ra karoshi không từ cổ cồn xanh hay cổ cồn trắng (văn phòng, ngân hàng, quản lý, công nghệ, bán hàng, nhân sự...). Vụ Matsuri Takahashi của Dentsu Inc kể trên là chứng cứ.
Thứ sáu vui vẻ
Nói đến ngừa phòng karoshi biết ngay cờ trong tay các boss. Việc mà các sếp giúp người lao động của mình nói không với karoshi, là giới hạn mức trần thời gian làm việc, khuyến khích giải lao, cưỡng bách nghỉ phép, phân công hợp lý, văn hóa công sở tốt, hỗ trợ nhân viên, phúc lợi đầy đủ...
Premium friday/thứ sáu vui vẻ, cho phép nhân viên về sớm vào thứ sáu cuối của tháng, tuy cỏn con nhưng đắt xắt ra miếng, được dùng rộng rãi khắp thế giới. Lại ở Nhật, có hẳn luật mức trần thời gian làm việc, và cả luật bồi thường nhân mạng cho các karoshi.
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Chèo chống với karoshi cá nhân không xa lạ gì (quản lý thời gian, hòa hợp công việc và cuộc sống, sẵn lòng tìm hỗ trợ, xây dựng thói quen làm việc lành mạnh, tự bảo vệ bản thân...), ăn thua nghĩ được làm được.
Nên nhớ, karoshi không phải lúc nào cũng là lỗi ngộ sát của các công ty bóc lột, mà lắm khi người lao động cam tâm. Thời buổi sa thải như rươi, việc còn không có, lấy gì lo "gục trên bàn".
Làm chết bỏ sớm chín muồi
Ở Việt Nam, karoshi chưa nghe nói tới nhiều, cũng chưa có danh pháp riêng, nên tạm chọn "làm chết bỏ" để gọi. "Làm chết bỏ" chưa rõ rệt ở ta, hẳn vì điều kiện làm việc chưa bì với gwarosa, guolaosi, nhưng trước sau gì sẽ sớm chín muồi, theo đà thành rồng thành hổ của kinh tế nước nhà.
Bởi vậy, đừng cho rằng việc chúng ta dọa người lao động với death job, karojisatsu là cầm đèn chạy trước ô tô. Phòng từ bây giờ có khi còn muộn.
Microchillers
Microchillers là thiết bị làm mát nhỏ, thú vị thay lại được dùng ví von như một giải pháp làm dịu căng thẳng nơi làm việc, nhỏ mà có võ! Có nhiều cách dùng viên bi lạnh làm mát nơi kiếm cơm: tạo không gian thư giãn nhỏ trong văn phòng, tích hợp thời gian nghỉ ngơi ngắn (micro-breaks), kèm việc làm mát tinh thần (thiền, yoga ngắn), chia nhỏ công việc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận