15/11/2011 14:08 GMT+7

Karik: Tôi châm biếm chứ không nhục mạ

TRUNG UYÊN thực hiện
TRUNG UYÊN thực hiện

TTO - Những tranh luận xung quanh bài rap Rắc rối của rapper Karik vẫn chưa dừng lại, đặc biệt là việc ủng hộ hay phản đối rap có lời thô tục.

Để có tiếng nói nhiều chiều cho diễn đàn, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi ngắn với ca sĩ rap Karik xung quanh bài rap này. Mời bạn đọc theo dõi và tiếp tục chia sẻ quan điểm

4HnKu4BW.jpgPhóng to

Rapper Karik - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Cảm xúc của bạn thế nào khi video Rắc rối giành vị trí cao trong top 10 video được yêu thích của Giải thưởng video âm nhạc Việt trên kênh MTV Việt hóa vào tháng 10-2011?

- Khi nhận được tin MV Rắc rối đứng vị trí thứ 2 trong tuần phát sóng đầu tiên, tôi thật sự rất bất ngờ. Tôi không hề nghĩ mình sẽ đạt thứ hạng cao như vậy, thêm nữa, đây là lần đầu tiên nhạc rap được tranh tài với nhiều ngôi sao Vpop nên cũng không tránh khỏi nhiều lo lắng.

Bản rap Rắc rối được sáng tác khoảng năm 2009, khi showbiz Việt ngập chìm trong scandal và bản thân tôi cũng như bao bạn trẻ khác rất bức xúc về những vấn đề đó. Vì vậy, tôi quyết định viết một bài để bày tỏ quan điểm.

InQUQ94r.jpgPhóng to

Hình ảnh trong clip Rắc rối gợi nhớ ca khúc Da nâu mà Phi Thanh Vân từng biểu diễn - Ảnh: chụp từ clip

Rapper Karik tên thật là Phạm Hoàng Khoa, sinh năm 1989, quê ở Hà Nam, hiện làm việc trong một công ty giải trí tại TP.HCM.

Karik đến với rap hơn ba năm, sáng tác được hơn 40 bài rap, bao gồm cả những bài chưa công bố.

* Bạn nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng ?

- Tôi nghĩ dùng từ “châm biếm” thì có vẻ phù hợp hơn, nói “nhục mạ” thì hơi nặng quá.

Chúng ta hiểu nôm na như vầy cho dễ hình dung: rap là sự thật, là đời thường, là phản ảnh những sự việc diễn ra hằng ngày. Không khó để nghe một tiếng chửi thề ngoài đường, không khó để nghe họ gọi nhau bằng "mày - tao", rất dễ đọc đâu đó những bài báo viết về tệ nạn xã hội…

Bài rap Rắc rối cũng tương tự. Tôi chỉ dùng lời lẽ bình thường nhất để mọi người có thể dễ hiểu, dễ hình dung sự việc đang được nhắc đến. Cứ tưởng tượng, sẽ ra sao nếu trong toàn bài rap Rắc rối tôi chỉ dùng những từ hoa mỹ để châm biếm những nhân vật được nói đến? Tôi nghĩ rằng khi ấy bài rap chắc chắc sẽ còn bị chê nhiều hơn thế này.

Dư luận luôn tồn tại song song hai chiều trái ngược, nên về vấn đề này tôi không có ý kiến gì nhiều ngoài việc giữ im lặng cho đến phút chót.

* Bạn có nghĩ bài Rắc rối sẽ góp phần hạn chế những tiêu cực trong showbiz Việt (nghi vấn đạo nhạc, nghi vấn đạo ý tưởng clip, ảnh nude…)?

- Thực tế mà nói xác suất bài rap này góp phần hạn chế những tiêu cực trong showbiz Việt là rất thấp, gần như bằng 0. Quan trọng là tôi chỉ muốn một số cá nhân trong giới showbiz hiểu rằng đôi khi sự thổi phồng vấn đề và những mẩu chuyện hư cấu, đạo nhạc... có thể sẽ đẩy tên tuổi họ lên nhưng không có nghĩa sau những việc đó, họ sẽ được đồng nghiệp, khán giả kính trọng khi bước lên sân khấu lẫn khi đứng ở hậu trường.

* Có ý kiến cho rằng rap du nhập từ nước ngoài, nhưng khi đến Việt Nam cũng cần , bạn ủng hộ hay phản đối ý kiến này?

- Karik hoàn toàn ủng hộ ý kiến "nhập gia phải tùy tục”, nhưng tôi nghĩ đôi khi chúng ta cần thoáng một chút về ngôn từ để các rapper có thể thể hiện tốt bản chất của vấn đề đang muốn truyền đạt. Không hoàn toàn phá bỏ “luật” đã được đặt ra, mà chỉ là luồn lách theo một lối viết khác nhưng vẫn giữ được ý nghĩa ban đầu.

ToVHoasB.jpgPhóng to

Hình ảnh trong clip Rắc rối gợi nhớ đến ca sĩ Ưng Hoàng Phúc trong clip Chuyện đó đâu ai ngờ từng làm xôn xao cộng đồng - Ảnh: chụp từ clip

* Theo bạn, để sáng tác được rap, người sáng tác cần có những tố chất gì?

- Rap hấp dẫn tôi bởi những lời lẽ đời thường, gần gũi với cộng đồng, dễ dàng mang những suy nghĩ cá nhân đến với mọi người khi bản thân muốn chia sẻ hay phê phán điều gì đó mà không bị ràng buộc bởi ngôn từ quá nhiều.

Tôi cảm thấy viết rap cần phải có điều kiện đầu tiên là năng khiếu, sau đó là chất giọng tốt (ít nhất là phát âm rõ một chút), biết cách gieo vần trong bài rap, biết biến đổi cách đọc mà trong giới rap thường gọi là flow, và quan trọng nhất là cách truyền đạt để người nghe hiểu được vấn đề mình đang nói.

* Có ý kiến cho rằng bài rap Rắc rối góp phần làm xấu đi cái nhìn về rap tại Việt Nam...

- Tôi không nghĩ vậy. Nhạc rap rất đa dạng và Rắc rối chỉ là phần nhỏ trong số những chủ đề tôi muốn thể hiện theo lối châm biếm. Với những ai thật sự thích nhạc rap và có cái nhìn tổng thể hơn, chân thật hơn về cuộc sống, tôi tin rằng họ sẽ hoàn toàn đồng cảm với bài rap này.

Người ta hay nói “xấu che, tốt khoe”, nhưng tôi nghĩ những cái xấu cần được phơi bày để cải thiện còn hơn là cứ giấu rồi phát triển theo hướng tiêu cực.

Sau tất cả những bài báo nói về Rắc rối ở chiều hướng tốt lẫn chiều hướng xấu, tôi chỉ muốn mọi người có cái nhìn khách quan hơn về rap và đón nhận nó như một “người nhà” trong nền âm nhạc Việt Nam.

Tôi cũng hi vọng sẽ sớm có một sân chơi thật sự công bằng cho cộng đồng nhạc rap cũng như các tín đồ hiphoper trong ngày gần nhất.

* Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này!

Hãy nhìn nhận khách quan

Rap bắt đầu du nhập vào Việt Nam trước năm 2000. Trong suốt thời gian đó, hoạt động của các rapper vẫn còn khá non trẻ, chỉ có một số ít quan tâm, bắt tay vào sáng tác để hát. Tuy nhiên, nó vẫn len lỏi âm thầm trong cộng đồng mạng.

Những năm gần đây, rap mới thật sự phát triển mạnh mẽ. Rap đã hát life hoặc gangz thì phải thật. Mà đã là sự thật thì những từ dùng trong đó phải gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Bởi lẽ đó, nó được hoan nghênh trong giới trẻ. Nhưng cũng bởi vì từ ngữ đời thường có tính “đường phố” đến mức trần trụi đó làm người mới nghe lần đầu cảm giác khó tiêu thụ nổi nên đâm ra kỳ thị và lên án.

Ở Mỹ, một nhà văn từng nói về ông hoàng nhạc rap Eminem: "Những gì Eminem hát chính là văn hóa nước Mỹ”. Eminem chửi bậy trong nhạc rất nhiều. Trong khi âm nhạc của Việt Nam “nhập gia tùy tục”, giảm bớt những từ ngữ đường phố đem lên truyền hình thì vẫn bị lên án.

Âm nhạc Việt Nam hiện nay dường như chỉ toàn chia ly, buồn thảm, rên rỉ... Đã vậy, đạo đức của những ca sĩ đó thì như thế nào? Muốn nổi tiếng thì tạo scandal, chụp hình rồi đưa lên mạng.

Tôi bây giờ cũng không còn quan tâm đến nhạc Việt Nam. Muốn nghe nhạc thì nghe nhạc không lời hoặc nghe nhạc nước ngoài cho ý nghĩa và thoải mái hơn. Âm nhạc không chỉ là nuôi dưỡng tâm hồn mà còn là nơi để cho ta được bày tỏ quan điểm, được thể hiện cái “tôi” khao khát.

Những bài hát dùng những từ ngữ đời thường nhất, dễ hiểu, cảm xúc sâu sắc nhưng lại không được công nhận một cách chính thống, bị đối xử như con ghẻ. Hãy nhìn nhận một cách khách quan. Hãy đặt vị trí mình vào giới trẻ…

Nên cảm ơn Karik

Tôi thấy bài rap Rắc rối của rapper Karik tuy có lời hơi thô nhưng không thể phủ nhận là đã phản ánh hết sức thực tế về nền âm nhạc Việt hiện đại. Những gì bài hát nhắc đến hầu hết được báo chí đăng tải và sự thật là những bài hát tình cảm của các ca sĩ "thần tượng" Việt Nam bây giờ hiếm có bài nào tách rời chủ đề yêu đương, chia ly sầu thảm...

Đúng ra nên cảm ơn Karik vì đã dũng cảm nói lên những tồn tại của nhạc Việt lâu nay. Bài rap này khá thú vị đấy chứ!

* Trao đổi của ca sĩ Karik có thuyết phục được bạn? Việc những sản phẩm âm nhạc với những ngôn ngữ mang đậm không khí "đường phố" được chia sẻ rộng rãi và nhận được nhiều sự tán đồng là tín hiệu vui hay buồn? Ngôn ngữ rap nếu chỉ là những mỹ từ thì không thể hiện được chất rap và khó mang thông điệp đến người nghe.

Mời bạn đọc tiếp tục ý kiến.

Video Rắc rối: dùng âm nhạc nhục mạ người khác?

TRUNG UYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên