22/01/2014 10:49 GMT+7

Kandagawa - dòng sông đã đi vào thi ca Nhật Bản

TRẦN VĂN THỌ(Tokyo, đầu Xuân 2014)
TRẦN VĂN THỌ(Tokyo, đầu Xuân 2014)

TTO - Kandagawa là con sông nhỏ chảy giữa thành phố Tokyo. Một khúc sông chảy gần Đại học Waseda, nơi tôi đang dạy học và nghiên cứu, đã trở thành vũ đài của một tình khúc vượt thời gian.

scSGkZQd.jpgPhóng to
Hoa anh đào bên dòng sông Kandagawa khúc chảy gần Đại học Waseda - Ảnh: website Đại học Waseda

Từ phòng nghiên cứu của tôi đi bộ khoảng 7-8 phút là tới sông Kandagawa. Hằng năm vào đầu tháng tư, hoa anh đào nở rộ hai bên bờ sông. Đặc biệt khúc sông gần Đại học Waseda vào dịp này nhiều người vừa đi thưởng hoa vừa làm thơ, loại thơ senryu, viết trên mảnh giấy nhỏ treo trên cành anh đào. Senryu là loại thơ 17 chữ thịnh hành từ giữa thời Edo (giữa thế kỷ 18), có nội dung hoặc tự trào hoặc trào phúng liên quan nhân tình thế thái, phê phán xã hội hoặc diễn tả tâm cảnh của mình.

Kandagawa đi vào thi ca qua nhạc phẩm cùng tên con sông, ra đời năm 1973. Bản nhạc do ban nhạc Kaguyahime của ca sĩ Minami Kosetsu (đồng thời là người soạn nhạc cho tác phẩm này) vừa phát ra trên chương trình ca nhạc ở các đài phát thanh đã được đón nhận nồng nhiệt, thính giả liên tục gửi yêu cầu phát thanh lại. Đĩa nhạc phát hành bán hết ngay, mỗi ngày trung bình bán tới 80.000 đĩa, chỉ vài tuần số bán lên tới cả triệu đĩa. Cho đến bây giờ nhạc phẩm này vẫn được người Nhật ưa thích.

Đặc biệt ca từ gợi cảm và một số câu, một số nội dung trong đó được người đời tiếp tục bàn luận với nhiều cách giải thích khác nhau. Nghe nói trong công viên Suehirobashi gần trung lưu sông Kandagawa có một tấm bia khắc ca từ của nhạc phẩm này. Thật hiếm có một nhạc phẩm có lịch sử mới 40 năm và người viết ca từ hiện nay mới 66 tuổi đã sớm trở thành huyền thoại. Quỳnh Chi đã phỏng dịch ca từ của tác phẩm này thành một bài thơ. Được tác giả đồng ý, tôi chép lại bài thơ đưa vào cuối bài viết này.

Người viết ca từ cho nhạc phẩm này là Kitajo Makoto, sinh năm 1947 - nguyên là sinh viên khoa văn của Đại học Waseda. Trong nhạc phẩm, Kitajo hồi tưởng thời đi học ở Waseda, vào cuối thập niên 1960, cùng với người yêu thuê “một phòng trọ 3 chiếu, từ cửa sổ nhìn xuống là dòng sông Kandagawa”. “Chiếu” là đơn vị đo lường độ lớn của một căn phòng, mỗi chiếu tương đương 1,5m2. Độ lớn tiêu chuẩn một căn phòng thường là 6 chiếu. Phòng nhỏ là 4 chiếu rưỡi. Phòng 3 chiếu thì rất nhỏ.

Thập niên 1960 là giai đoạn kinh tế Nhật phát triển - được thế giới đánh giá là thần kỳ. Kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân của thủ tướng Ikeda Hayato chỉ 7 năm là đạt được mục tiêu, thay vì 10 năm như dự kiến. Năm 1964 Nhật tổ chức Tokyo Olympic và mở đường tàu điện cao tốc (Shinkanesn) Tokyo - Osaka, đánh dấu một bước phát triển. Cuối thập niên 1960 hầu hết nhà nào cũng có tủ lạnh, tivi, quạt máy. Đời sống của người Nhật nói chung đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên phải đợi đến thập niên 1980 mức sống của người Nhật mới theo kịp các nước tiên tiến Âu Mỹ.

Trong bối cảnh đó, sinh viên đại học vào thập niên 1960 nói chung là chật vật, nhất là sinh viên xuất thân ở địa phương đến học tại các đại học ở Tokyo. Thông thường họ phải thuê nhà trọ chập hẹp 4 chiếu rưỡi hoặc 3 chiếu, dùng chung nhà vệ sinh, đôi khi chung bếp nấu ăn với những phòng khác và phải đi tắm ở các nhà tắm cộng cộng. Hai người yêu nhau trong nhạc phẩm Kandagawa ở chung trong căn phòng chỉ có 3 chiếu cho thấy cuộc sống đặc biệt khó khăn so với mức trung bình của sinh viên thời đó. Nhưng qua ca từ ta có thể tưởng tượng đó là đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết.

Ca từ của nhạc phẩm chỉ là sự hồi tưởng về vài sinh hoạt hằng ngày hay vài đối thoại của hai người nhưng viết rất hay, gói ghém được tình cảm mộc mạc, chân thật, gợi cảm. Đặc biệt, hình ảnh sinh hoạt ấy phản ảnh một thời đại của xã hội, thời đại tuổi đôi mươi của những người sinh trong giai đoạn 1947-1949 là giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boom), những người làm nên một thế hệ với tỉ lệ dân số lớn ảnh hưởng đến xã hội Nhật trong nhiều thời kỳ.

Trong ca từ, chỗ hai người cùng đi tắm ở nhà tắm công cộng (tiếng Nhật gọi là sento) được người đời bàn tán nhiều. Sento chia ra hai gian riêng cho nam và nữ. Mỗi gian ngoài những chỗ có vòi nước nóng, lạnh cho từng người ngồi tắm còn có một bồn nước nóng lớn, ngồi ngâm mình trong đó sẽ có được cảm tưởng như đang đi tắm ở suối nước nóng. Người chủ hoặc người quản lý thường là một phụ nữ lớn tuổi ngồi trên cái đài cao có thể thấy cả hai bên. Ngoài công việc thu tiền, người này còn có vai trò mách giúp những cặp vợ chồng trẻ hay người yêu khi người thứ hai đã tắm xong để họ cùng ra về.

Trong nhạc phẩm Kandagawa, cô gái kể lại là “đã hẹn nhau cùng ra về nhưng lúc nào anh cũng bắt em đợi”. Người đời đặt câu hỏi tại sao anh chàng tắm lâu thế và đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích. Nhưng cũng có người cho rằng nhân vật kể chuyện là chàng chứ không phải nàng.

Nhạc phẩm Kandagawa có hai lời nhưng mấy câu cuối là điệp khúc chung cho cả hai và đối với tôi, đây là phần ca từ đạt ý nhất: “Thuở ấy còn trẻ lắm, không có gì để sợ cả. Có điều, sự dịu dàng của anh đã làm em sợ”. Người đời bàn tán nhiều về câu cuối này.

Tại sao lại sợ? Có người giải thích là cô gái sợ hạnh phúc đang có sẽ bay xa, Quỳnh Chi trong bài thơ phỏng dịch cũng hiểu như vậy. Người khác thì cho rằng nhân vật kể chuyện là chàng chứ không phải nàng, và chàng ở ngoài xã hội, tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên trong các năm 1968-1969 (chống Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, đòi hỏi được tự do hơn ở học đường...), chẳng sợ quyền lực hay thế lực nào nhưng về phòng trọ thì mềm lòng vì sự dịu dàng của người yêu.

Tôi thì vẫn thích hiểu nhân vật kể chuyện là nàng - và sự dịu dàng luôn là thứ vũ khí dễ chinh phục lòng người. Nhưng thôi, để ca từ ấy ai hiểu thế nào cũng được, “cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”.

Nghe bài hát Sông Kanda - Nguồn: YouTube

Sông Kanda(Nhạc: Minami Kosetsu, Lời: Kitajo Makoto)

1.

Anh còn nhớ? Hay anh đã quên?Nhớ những ngày mình hay đi tắm đêmChiếc khăn đỏ em làm khăn quàng cổHiệu tắm nghèo nàn cuối ngõ bình dânAnh tắm lâu ra trễ rất nhiều lầnĐể em đợi gió luồn vào tóc ướtChiếc chậu nhỏ trong tay rung từng chậpBánh xà phòng lăn khẽ dưới đáy thauAnh ra sau, thương em lạnh đi mauTay siết chặt ôm nhau truyền hơi ấmThuở mới biết yêu chẳng sợ gì hay ân hậnChỉ sợ tình mình rồi sẽ xa xôi.

2.

Có còn không? Hay anh đã vứt rồiHai mươi bốn chiếc bút màu tập vẽChân dung em anh tô hoài vẫn thếChẳng giống chút nào như em vẫn hằng mongEm lại ngồi yên để anh vẽ nhiều lầnTrên gác nhỏ trong căn phòng ba chiếuBên song cửa dưới gầm cầu lặng lẽ Sông Kanda vẫn xuôi ngược dòng đời“Buồn không em” bàn tay sắp buông trôiAnh khẽ nắm lấy tay em trìu mến Thuở mới biết yêu chẳng sợ gì hay ân hậnChỉ sợ tình mình rồi sẽ xa xôi.

(Quỳnh Chi phỏng dịch, 23-8-2003)

TRẦN VĂN THỌ(Tokyo, đầu Xuân 2014)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên