Thực hiện: MAI VINH - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - NHÃ CHÂN
Ka Thẩm ngồi như tượng trong phòng tư vấn. Lời bác sĩ dù đã có dịu giọng trấn an nhưng cũng không khiến cô thôi nhìn vô định, hoang mang. Ka Thẩm đã bị ung thư (u lympho hodgkin giai đoạn IIIB) khá nặng.
Cô mệt mỏi ra hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Lúc này, Ka Thẩm đã biết điều gì đang xảy ra với mình. Quá sức chịu đựng của một cô gái 18 tuổi.
Tháng 10-2023, Ka Thẩm chỉ mới nhập học được 1 tháng ở ngành luật dân sự (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM).
Từ bỏ bệnh viện vì không có tiền
Bác sĩ chỉ định cô phải hóa trị sớm nhất.
Vừa rời căn nhà nát ở rẫy cà phê xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) nhập học với toàn bộ số tiền ba mẹ đi vay mượn, cô biết chỉ định của bác sĩ là quá sức của cô.
Chuyến xe buýt đưa Ka Thẩm rời Bệnh viện Chợ Rẫy về cư xá của một nhà thờ, nơi cô đang tá túc hôm ấy dài hơn tất cả những con đường cô đã đi qua cộng lại.
"Hai tay mình bám chặt vào thành ghế. Đến lúc này mình mới khóc, hiểu mình sẽ phải đối diện với điều gì. Mình còn tiếp tục được đến giảng đường hay không, đó là mối bận tâm lớn nhất hôm đó. Mình có thể lờ cơn bệnh này đi để học, có thể là hết học kỳ 1. Trong đầu tôi là cầu xin ơn trên: con còn quá trẻ để chết", Ka Thẩm nhớ như in cảm giác cô phải một mình vượt qua vào năm ngoái. Lạc lõng giữa thành phố rộng lớn và một mình đối diện với bạo bệnh.
Nghĩ mọi đường, Ka Thẩm quyết định sẽ lờ cơn bệnh và lờ đi lời khuyến nghị của bác sĩ để tiếp tục đi học. Cô không dám nói rõ với mẹ rằng mọi thứ trầm trọng hơn những gì con đã kể cho mẹ.
"Để đến được Sài Gòn, tôi đã đi làm thuê từ năm 11 tuổi. Hái chè, cuốc cỏ, không việc gì trong rẫy tôi chưa từng. Nhà mẹ nghèo, mẹ ráng lo cho tôi ngày hai bữa. Còn sách vở, áo quần tôi phải tự lo để được ngồi học cùng bạn đồng lứa và dám mơ giấc mơ đại học. Nghĩ tiếc cả một con đường đã qua, nên tôi đánh bạo: thôi thì cứ học, lỡ một mai… thì cũng đã đi được cùng giấc mơ đến chặng cuối của cuộc đời".
Nhưng, ung thư giai đoạn 3 không phải là trận cảm xoàng để cô có thể dễ dàng quên mỗi khi đến giảng đường. Ka Thẩm gục ngã. U hạch nổi khắp người và những cơn đau không cho phép cô có thể tiếp tục.
Cô gói ghém rời cư xá về nhà để chờ phép màu cho cuộc đời mình. Cô vẫn tin mình còn quá sớm… để chết. Trước ngày quay lại căn nhà nát ở xóm rẫy của người Châu Mạ, cô xin nhà trường bảo lưu kết quả học tập 1 năm.
"Cơn đau khủng khiếp khiến tôi không thể ăn uống. Nhưng tôi vẫn mong tôi sẽ khỏe lại và năm 2024 tôi sẽ lên giảng đường cùng tân sinh viên niên khóa 2024-2025. Chậm một năm vẫn là đi học mà", Ka Thẩm nói.
Thấy con trở về nhà, bà Ka Thuyên, mẹ Ka Thẩm, không khỏi bất ngờ. Bà kể: "Nó về tới cửa nhà, tôi mới biết Ka Thẩm đã giấu tôi. Tội Ka Thẩm, nó ham học. Người Châu Mạ ở đây ai cũng kể chuyện nó học giỏi nhất xã Lộc Tân. Bà con không hiểu việc gì, nó mới đi đây đã quay về, người ốm khô".
Bước đầu chiến thắng
Ka Thẩm ở nhà dưỡng bệnh. Cô và gia đình chọn cách chữa trị bằng các loại thuốc Đông y. May thay, sau 3 tháng uống thuốc, các hạch bắt đầu nhỏ lại. Ka Thẩm tươi tỉnh bởi những cơn đau dần đi qua.
Đến qua Tết, cô mới có vẻ khỏe mạnh như người bình thường. Bạn bè đến thăm bảo "khỏe rồi, mừng quá", cô cười rất tươi.
"Mình có cơ hội trở lại trường" - Ka Thẩm bảo suy nghĩ đó kéo cô ra chái sau nhà, cô chuẩn bị một cây cuốc cỏ, mài lại cái liềm. Hành trình trở lại giảng đường của cô bắt lại theo cách mà cô đã rất quen: lên rẫy làm thuê.
Tôi gặp Ka Thẩm khi cô đang làm cỏ cho một vườn chè gần nhà cùng cô em gái đã bước vào lớp 12. Cô nói: "Hạn bảo lưu cũng đến rồi, tôi phải đi học lại".
Tôi hỏi Ka Thẩm, đi học trở lại có phải là lựa chọn tốt nhất cho cô lúc này, dù mong muốn đó rất đẹp.
Ka Thẩm giọng tâm tư: "Đôi lúc mình cảm thấy bản thân thật ích kỷ khi chỉ mong muốn được đi học, lại dù biết gia đình không đủ khả năng.
Mình đã suy nghĩ và khóc rất nhiều vì áp lực tiền bạc cho việc đi học trở lại và có ý định sẽ bỏ học.
Nhưng mình tự nhủ và suy nghĩ tích cực, biết đâu việc cố gắng học hành và chăm chỉ trong quá trình học ấy tôi sẽ có học bổng và đóng học phí sẽ không còn phải nghỉ học nữa".
Ka Thẩm nói vì cô đi học lại, ba mẹ cũng chỉ còn cách vay vốn dành cho sinh viên. Cô cũng suy nghĩ là ba mẹ cố gắng cho học và sau này cô sẽ đi làm, trả lại khoản vay ấy.
"Hy vọng sức khỏe của tôi trong thời gian tới vẫn sẽ ổn định để tôi đi học trở lại, vì hiện tại tôi vẫn phải dùng thuốc mỗi ngày" - Ka Thẩm bộc bạch với Tiếp sức đến trường.
Anh Trần Quốc Tuấn (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) từng nghe qua câu chuyện của Ka Thẩm. Anh đến nhà cô lúc chỉ có mẹ và đứa em 1 tuổi ở nhà. Cận giờ cơm, dưới bếp chỉ có nồi cơm nhỏ và nồi mắm kho để ăn cho lạ miệng, rau dại luộc sơ sài. Bà Ka Thuyên bảo: "Ăn vậy thôi, còn lo thuốc cho Ka Thẩm".
Nhà Ka Thẩm chỉ có ba cô đi làm phụ hồ, lương ít ỏi, nhất là trong lúc công trình nhà ở trong vùng càng lúc càng ít. Bà Ka Thuyên thú thực, cá khô cũng thèm nhưng không dám mua.
Tôi muốn trở thành luật sư
Tôi hỏi Ka Thẩm ngưỡng mộ điều gì nhất. Cô không trả lời. Bất ngờ, cô gửi email: "Các bạn đồng trang lứa thật hạnh phúc khi có cả sức khỏe và không phải lo về tiền bạc để đi học. Nhưng biết đâu nghèo khó và bạo bệnh lại chính là lợi thế của tôi trên con đường trở thành một luật sư như tôi hằng mơ ước.
Khó khăn cho tôi động lực mà những người khác không thể có được. Nó giúp tôi có động lực để cố gắng hơn, trưởng thành, sống có ước mơ và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Cũng nhờ khó khăn ấy mà tôi nhận ra việc được đi học với tôi quan trọng hơn cả những dự báo có thể tính bằng con số tháng, ngày của bác sĩ. Tôi sẽ trở thành một luật sư".
Quay lại nhé, Ka Thẩm!
Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, chủ nhiệm lớp), chia sẻ: "Tháng 3 vừa rồi tôi và sinh viên đến nhà thăm Ka Thẩm mới hay em không hề dưỡng bệnh. Em đi làm đủ thứ để lo cho mình và gia đình 5 người. Nhiều hôm em phải làm việc đến 12h để có đủ tiền trang trải. Tôi xót xa cho số phận của em.
Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc lúc chia tay, em có hứa với tôi là sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ cha mẹ, có tiền để tiếp tục ước mơ học tập cùng bè bạn. Em đã hết sức cố gắng không để nước mắt rơi vào lúc đó.
Tôi tin rằng em sẽ quay lại và viết tiếp giấc mơ trên giảng đường đại học vì tôi nhìn thấy khát vọng và niềm tin trong em". Thầy Huy xúc động nhắn: "Quay lại nhé, Ka Thẩm. Thầy và các bạn chờ đón em!".
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận