Stray Kids trở thành nghệ sĩ K-pop thứ ba đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng album Billboard sau BTS và SuperM - Ảnh: Allkpop
1. Mới đây, với 110.000 đơn vị album bán được trong tuần đầu tiên phát hành tại Mỹ, Oddinary đã giúp Stray Kids trở thành nhóm nhạc Hàn đầu tiên xếp số 1 Billboard 200 kể từ lần cuối cùng BTS đạt được vào khoảng 2 năm trước.
Đó là một album gợi nên khung cảnh những băng nhóm học sinh lang thang trên phố sau giờ học, có chút căm ghét thế giới và muốn quét phăng sự giả tạo của nó bằng những hành động điên rồ nhất.
Stray Kids "ODDINARY" Main Trailer
Nếu như BTS từng ngợi ca thần Dyonisus, vị thần của sự hỗn loạn, thì Stray Kids còn đi xa hơn thế rất nhiều.
Họ phủ nhận cả những nền tảng cơ bản làm nên hình tượng nữ thần, nam thần thanh xuân vĩnh cửu quen thuộc của K-pop, khi hát rằng "nếu bạn nghĩ tôi thuần khiết ngây thơ thì bạn nhầm rồi".
Họ liên tục nói về con quái vật bên trong, về ngọn núi lửa bên trong, về bãi mìn sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào.
2. Đỉnh cao thành công đầu tiên của Stray Kids lại đến vào đúng lúc những gương mặt từng một thời là thanh xuân của rất nhiều người nói lời chia tay với tuổi thanh xuân.
"Tôi nhớ biết bao những chàng trai cô gái đã khóc đã cười. Tôi vẫn nhớ những ngày huy hoàng mến thương ấy", Big Bang hát trong ca khúc Still life ra mắt vào đầu tháng 4, hai năm sau khi Seungri rời khỏi nhóm vì những bê bối đời tư, còn các thành viên khác lần lượt nhập ngũ.
Nhớ về thời tuổi trẻ như nhớ về "một giấc mộng đêm hè", Still life là một ca khúc "coming-of-age" có thể khiến bất cứ ai đã từng lớn lên trong thế hệ Big Bang, dù yêu họ hay không yêu họ, rưng rưng xúc động.
Nếu bỏ qua sự phân loại đẳng cấp âm nhạc bằng màu da hay thể loại, thì thậm chí Still life mang ngôn từ gây rung động chẳng kém chi Summer of ’69 của Bryan Adams về một mùa hè đẹp nhất cuộc đời, khi ông có cây guitar đầu tiên, chơi nó cùng bạn bè đến rướm máu, và những ngày ấy tưởng không bao giờ kết thúc.
Khi ra mắt Still life, Big Bang đã làm nhiều người sửng sốt
3. Từ "những cậu bé chống đạn" (ý nghĩa cái tên BTS) đến "những đứa trẻ đi hoang" (ý nghĩa tên Stray Kids), và Big Bang trước đó cũng khiến ta nghĩ đến vụ nổ lớn đã khởi đầu một vũ trụ non trẻ, nền công nghiệp K-pop luôn là sự khai thác "mỏ vàng" tuổi ngây thơ.
K-pop là nơi những thần tượng luôn xuất hiện với gương mặt trẻ măng, mái tóc liên tục đổi màu sống động, không thể yêu đương công khai bởi tình yêu sẽ đánh dấu họ không còn ngây thơ nữa, tất nhiên là họ phải hoàn toàn trong trắng vô tội.
BIGBANG - '봄여름가을겨울 (Still Life)' M/V
K-pop không phải nền công nghiệp âm nhạc đầu tiên hay duy nhất trên thế giới "vốn hóa" tuổi trẻ, nhưng có lẽ là nền công nghiệp lý tưởng hóa tuổi trẻ ở mức cao nhất, đến mức dường như họ đã tạo nên cả một thời đại thơ ngây (xin bắt chước tựa đề "The Age of Innocence" của nhà văn Edith Wharton).
Nhưng khi nghe một bản nhạc như Still life của Big Bang, ta biết rằng nếu muốn, K-pop cũng không cần chỉ xoay quanh những ngôi sao vĩnh viễn ngây thơ.
Thậm chí, nó còn có thể già đi một cách đầy tao nhã hay kể về những con người đã nếm trải sự cay đắng cuộc đời và sẵn sàng giãi bày về sự cay đắng ấy. Câu hỏi là liệu K-pop có sẵn sàng thử một lần đánh cược vào một điều khác hơn tuổi ngây thơ của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận