Những ngày qua, khán giả vẫn chưa ngưng bàn tán việc CEO ADOR Kim Joo Young của HYBE phủ nhận cáo buộc che giấu cái chết của nhân viên do làm việc quá sức.
Mới đây, Bizhankook vừa công bố cuộc phỏng vấn với một người được mô tả là nhân viên lâu năm của HYBE, nhưng không công khai tên tuổi nhằm bảo vệ danh tính của họ.
Cuộc trò chuyện xoay quanh môi trường làm việc tại HYBE vào thời điểm đó và cung cấp những chi tiết về sự cố gwarosa (trong tiếng Hàn Quốc nghĩa là tử vong do làm việc quá sức) diễn ra trong công ty.
Nhân viên HYBE thức trắng nhiều đêm liên tiếp
Nói về cáo buộc HYBE ép nhân viên làm việc quá sức dẫn đến tử vong, người này xác nhận có những tin đồn này lan truyền trong công ty:
"Cá nhân tôi không quen biết nhân viên đã qua đời, nhưng tôi biết câu chuyện của người đó. Lần đầu tiên tôi nghe tin là khi công ty gửi thông báo về sự ra đi này.
Mọi người bàn tán rằng đó là một trường hợp "gwarosa" và sự việc xảy ra trong phòng giải lao. Tôi nhớ đã đọc bài viết về vụ việc, nhưng sau đó nó đã bị xóa".
Người trong cuộc tin rằng "gwarosa" hoàn toàn có thể xảy ra vì HYBE dành khối lượng công việc cho mọi người tại thời điểm đó rất lớn.
"Vì chính bản thân tôi cũng từng kiệt sức. Đó là vào lúc đại dịch COVID-19 đạt đỉnh, khi tôi đang làm việc tại Bighit Music.
Tôi và đồng nghiệp thường đùa rằng thà mắc COVID còn hơn phải tiếp tục làm việc theo cách này. Công việc thực sự rất căng thẳng và khối lượng công việc thì không hề hợp lý với mức lương" - nhân viên này tâm sự.
Họ thường phải bắt đầu sản xuất ngay trong đêm nhận ý tưởng và không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm xuyên đêm cho đến tận sáng.
Sau khi hoàn thành vào 5-6h sáng, thay vì được về nhà nghỉ ngơi, họ phải ở lại chờ để nghe nhận xét và chỉnh sửa. Vì thế, tất cả mọi người đều phải thức trắng nhiều đêm liên tiếp.
"Một ngày nọ, tôi may mắn về nhà sớm hơn một chút, vào khoảng 6h sáng. Kế hoạch của tôi là ngủ một giấc ngắn và quay lại làm việc vào cuối buổi chiều.
Tuy nhiên, ngay lúc đó tôi nhận cuộc gọi từ văn phòng yêu cầu tôi quay lại ngay lập tức để tiếp tục làm sản phẩm mới. Nếu tôi không trở lại, công việc sẽ đổ lên các đồng nghiệp của tôi. Vì vậy, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay lại ngay lập tức.
Tình hình cứ thế kéo dài, khi chúng tôi không thể về nhà trong suốt 3-4 ngày và chỉ làm việc liên tục tại văn phòng. Tôi sụt 10kg trong tháng đầu tiên tôi bắt đầu làm việc" - nhân viên này kể.
Giới giải trí K-pop đồng loạt đòi tẩy chay
Tờ báo Hàn Quốc Dailian chỉ trích vụ bê bối tài liệu nội bộ của HYBE, khiến các công ty K-pop khác phải xem xét lại việc hợp tác với các nghệ sĩ từ HYBE cũng như các hãng thu âm thuộc sở hữu của công ty này.
Theo Dailian, khó khăn hiện tại của HYBE bắt nguồn từ một tài liệu nội bộ được tiết lộ trong quá trình kiểm toán.
Tài liệu này bao gồm những lời chỉ trích thẳng thắn đối với các nghệ sĩ K-pop, các công ty và thậm chí cả fandom của các đối thủ lớn và nhỏ như SM Entertainment, JYP Entertainment, YG Entertainment và những công ty khác.
Khi các phần bổ sung của tài liệu này bị rò rỉ và lan truyền trên mạng xã hội, phản ứng dữ dội từ công chúng khiến HYBE đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang.
Ngay sau đó, Giám đốc điều hành của HYBE Lee Jae Sang xin lỗi vì tài liệu nội bộ không phù hợp và tuyên bố rằng ông đã liên hệ trực tiếp với từng công ty quản lý của các nghệ sĩ được đề cập và xin lỗi họ.
Tuy nhiên, các công ty K-pop phản hồi với báo Dailian rằng họ không nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào như vậy.
Một nguồn tin cho biết: "Thật đáng thất vọng khi HYBE, với tư cách là tập đoàn dẫn đầu ngành giải trí, lại tạo ra một tài liệu đáng xấu hổ như vậy".
Một nguồn tin khác bày tỏ sự thất vọng với HYBE, cho rằng công ty đã hạ thấp toàn bộ K-pop xuống một nền văn hóa chất lượng thấp qua hành động của mình.
Nguồn tin này cũng cho biết có một làn sóng ngày càng lớn trong ngành muốn tránh tiếp xúc với HYBE, nhằm bảo vệ các nghệ sĩ của họ khỏi bị xúc phạm hoặc bị coi thường trong các tài liệu tương tự lần nữa.
Tính đến ngày 9-11, bản kiến nghị của Nhà Xanh yêu cầu xóa tên HYBE Labels khỏi danh sách "công ty và nơi làm việc hàng đầu" do Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc chỉ định, thu hút hơn 50.000 chữ ký.
Điều này có nghĩa là bản kiến nghị đạt đủ số lượng chữ ký cần thiết để được đưa vào quá trình xem xét và sẽ được Ủy ban Môi trường và Lao động của Quốc hội xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận