Assange, trong khi thách thức cỗ máy chính quyền hùng mạnh nhất thế giới, hoặc đã đánh giá thấp “cánh tay dài” của nước Mỹ, vốn có thể vươn đến gần như mọi ngóc ngách của địa cầu, hoặc dù biết mình khó thoát vẫn đã chiến đấu tới tận cùng Tin tức về vụ bắt giữ Julian Assange - phóng viên tự do chuyên tiết lộ các thông tin tuyệt mật của các chính phủ, người sáng lập WikiLeaks - ở Anh hôm 11-4 gây chấn động ở phương Tây. Sau 7 năm ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở London, ông Assange cuối cùng đã bị “giao nộp” cho cảnh sát Anh, theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Assange cùng cựu quân nhân Mỹ Chelsea Manning bị tố cáo “âm mưu thâm nhập hệ thống máy tính an ninh quốc gia và thực hiện hoạt động tình báo”. Có thể nói đối với chính quyền Mỹ, Assange là nhân vật cực kỳ nguy hiểm, tuyệt đối phải bị bắt và xử theo pháp luật Mỹ. Julian Assange khi bị bắt ở London (Anh) mới đây. (Ảnh: Rolling Stones) Assange và WikiLeaks Assange là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, được cả thế giới biết đến, được nhiều người ngưỡng mộ và ủng hộ, nhưng cũng không ít người căm ghét, chửi bới. Vốn là người Úc sinh ở Townsville, bang Queensland, mới 16 tuổi Assange đã trở thành hacker chuyên nghiệp, từng thâm nhập hàng chục hệ thống máy tính ở Úc. Sau một thời gian theo học môn toán tại Đại học Melbourne (Úc), ông bỏ học và bắt tay vào gầy dựng WikiLeaks, dự án tiết lộ thông tin mật của chính phủ có lẽ là lớn nhất lịch sử nhân loại. Theo WikiLeaks, trang này được Assange sáng lập vào năm 2006 với mục đích và chức năng của một “tổ chức truyền thông đa quốc gia và thư viện liên kết”. Báo Đức Der Spiegel dẫn lời Assange: “WikiLeaks là một thư viện bao gồm các tài liệu tuyệt mật được săn lùng khắp thế giới. Chúng tôi cất giữ những hồ sơ này ở một nơi ẩn náu an toàn, sau khi phân tích, chúng tôi công bố chúng và thu được nhiều thông tin hơn”. Đến nay, tổ chức phi lợi nhuận WikiLeaks đã thu thập và công bố hơn 10 triệu tài liệu cùng với những bài phân tích có liên quan. Trong hơn một thập niên hoạt động, tổ chức này đã được trao hơn một chục giải thưởng quốc tế, thậm chí được đề cử giải Nobel hòa bình 5 năm liên tiếp (2010-2015). WikiLeaks bắt đầu gây sự với Mỹ qua việc công bố các tài liệu quân sự nhạy cảm về trại giam Guantanamo của quân đội Mỹ tại Cuba. Các tội ác bạo hành, tra tấn thể xác và tinh thần trong điều kiện phi nhân đạo với tù nhân không qua xét xử ở đây bị vạch trần. Năm 2010, Assange lại gây tiếng vang khi công bố hàng chục ngàn tài liệu mật của Mỹ về các hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan. “Nhật ký chiến tranh Afghanistan” do WikiLeaks công bố, bao gồm hơn 90.000 tài liệu mật của Mỹ giai đoạn 2004-2009, trong đó có những báo cáo chi tiết về hoạt động quân sự của Mỹ, đáng chú ý nhất là số lượng thương vong dân thường trong các chiến dịch - các tài liệu và phần bình luận thậm chí ngụ ý quân đội Mỹ đã gây ra hàng loạt tội ác chiến tranh. Tương tự là các tài liệu về cuộc chiến Iraq, với gần 400.000 tài liệu mật cũng ở giai đoạn 2004-2009. “Nhật ký chiến tranh Iraq” được báo chí nhận định là đợt công bố thông tin mật quan trọng nhất về quân đội Mỹ, hơn cả vụ Afghanistan và vụ rò rỉ “Hồ sơ Lầu Năm Góc” về chiến tranh Việt Nam của Daniel Ellsberg năm 1971. Đáng chú ý nhất là thống kê số thường dân thiệt mạng. Theo tài liệu, trong 109.000 người thiệt mạng ở Iraq giai đoạn 6 năm đó, 66.000 người là dân thường. Don Quixote thời hiện đại Có thêm một nhân vật quan trọng cần nhắc khi nói đến những tài liệu quân sự được công bố, ngoài Assange, là Bradley Manning (tên gốc của Chelsea Manning trước khi chuyển giới). Bradley Manning Giai đoạn 2009-2010, Manning là chuyên gia công nghệ đóng vai trò người phân tích thông tin tình báo cho quân đội Mỹ ở Iraq. Vị trí đó cho phép Manning truy cập vào các tài liệu mật. Một năm sau, anh (nay đã là cô) chuyển giao những tài liệu đó cho WikiLeaks. Manning bị tố cáo vi phạm đạo luật gián điệp - với hình phạt cao nhất là tử hình - và 21 cáo buộc khác. Ban đầu bị kết án 35 năm tù, cô được cựu tổng thống Barack Obama giảm án còn 7 năm và ra tù năm 2017, nhưng tháng 3 vừa rồi đã bị tống giam trở lại vì từ chối khai báo về WikiLeaks và Assange. Chelsea Manning (sau khi chuyển giới) (Ảnh: Wikipedia) Vào thời kỳ đầu, WikiLeaks đặt trụ sở tại Thụy Điển - quốc gia nổi tiếng bảo vệ tự do cá nhân và ngôn luận. Nhưng ít lâu sau khi tiết lộ tài liệu về Iraq, Assange bị tố cáo hành vi xâm hại tình dục, cấu thành tội cưỡng hiếp. Cần nhắc rằng Thụy Điển có luật về các tội tình dục nghiêm ngặt. Sau một lần bị thẩm vấn tại Thụy Điển và bị từ chối cấp giấy phép làm việc và lưu trú, Assange rời khỏi nước này và sang London. Stockholm có vẻ đã ở thế khó: không dám chọc giận Mỹ, nhưng cũng không đành lòng truy bức Assange. Vì thế, nhà sáng lập WikiLeaks được phép rời khỏi nước này sau khi giấy phép làm việc và lưu trú của ông bị từ chối gia hạn. Nhưng sau đấy cảnh sát Thụy Điển lại phát lệnh truy nã Assange, có hiệu lực khắp châu Âu. Ở Anh, Assange đã ra tòa đối chứng vài chục lần và cuối cùng phán quyết cho phép ông trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Tháng 7-2012, ông đến đại sứ quán Ecuador tại London xin tị nạn. Chính quyền Ecuador của cựu tổng thống Rafael Correa - vốn không ưa gì Mỹ - đã đồng ý cho Assange tá túc, “vì lý do nhân quyền”. Từ trong đại sứ quán, Assange cố gắng tiếp tục hoạt động, với vụ đình đám nhất là việc WikiLeaks công bố những thư điện tử của ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton, điều ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 mà Donald Trump đã đắc cử. Không may cho người tị nạn, tháng 1-2018, Ecuador có một chính phủ mới với tân Tổng thống Lenin Moreno, người hòa hoãn hơn với Mỹ. Điềm xấu đã rõ với Assange khi tháng 6-2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thăm Ecuador, trong chuyến thăm ông Pence tuyên bố đó là “hoạt động ngoại giao chính thức quan trọng nhất trong 30 năm qua” giữa Mỹ và Ecuador. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp Tổng thống Ecuador Lenin Moreno ở Quito tháng 6-2018 (Ảnh:WTOP.com) Lý do ban đầu để Anh bắt Assange là vì lệnh truy nã của Thụy Điển và vì Assange không nộp khoản tiền bảo lãnh, nhưng nay, một khi cá đã vào chậu, chim đã trong lồng, London thấy không cần phải úp mở nữa. “Julian Assange, 47 tuổi, hôm nay đã chính thức bị (nhà chức trách Anh) bắt giam thay mặt cho chính quyền Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, lúc 10h53 sau khi được đưa đến Sở Cảnh sát trung tâm London. Đây là lệnh dẫn độ theo mục 73 của đạo luật dẫn độ”. Dân Anh vốn mê cá độ, và giờ nếu các nhà cái mở cược thì tỉ lệ Assange sẽ bị dẫn độ giao cho Mỹ chắc là cực cao. Ở Mỹ, Assange - giống như Manning và những người tố giác chính quyền nổi tiếng khác như Edward Snowden và Ellsberg - có thể bị xử theo đạo luật gián điệp, một đạo luật có từ năm 1917, mà trong thời hiện đại được “vận dụng” cụ thể nhắm vào các điệp viên, nhà hoạt động, những kẻ tố giác chính quyền…, tóm lại, những ai muốn “làm cách mạng”. Assange, trong khi thách thức cỗ máy chính quyền hùng mạnh nhất thế giới, hoặc đã đánh giá thấp “cánh tay dài” của nước Mỹ, vốn có thể vươn đến gần như mọi ngóc ngách của địa cầu, hoặc dù biết mình khó thoát vẫn đã chiến đấu tới tận cùng.■ (*) Tác giả là người Đức, viết bằng tiếng Việt. Sức mạnh, sự hưởng ứng và tác động của một hành động tố giác và tiết lộ tài liệu nhạy cảm có thể rất lớn, như chúng ta từng thấy khi nhìn về lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Dưới thời tổng thống Mỹ Richard Nixon (1969-1974), biến cố “Hồ sơ Lầu Năm Góc” năm 1971, khi nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ Daniel Ellsberg tiết lộ khối lượng lớn các tài liệu mật về cuộc chiến cho tờ New York Times. Các tài liệu này cho thấy trái với tuyên truyền chính thức của chính quyền Mỹ, cuộc chiến ở Việt Nam đã là một nỗ lực vô vọng. Tác động của hồ sơ này là những người Mỹ còn ủng hộ và tin vào lời chính phủ đã đổi ý, thậm chí tham gia phong trào phản chiến. Tags: WikileaksJulian AssangeChelsea ManningĐạo luật gián điệp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.