07/07/2011 07:21 GMT+7

Judo VN: hiếm muộn tài năng

N.KHÔI - T.PHÚC
N.KHÔI - T.PHÚC

TT - Từng một thời sản sinh hàng loạt tên tuổi lớn, nhưng giờ đây judo VN chỉ có được mỗi Văn Ngọc Tú là đáng nhớ.

TT - Từng một thời sản sinh hàng loạt tên tuổi lớn, nhưng giờ đây judo VN chỉ có được mỗi Văn Ngọc Tú là đáng nhớ.

Về vấn đề này, võ sư Nguyễn Hữu Huy, người từng nhiều năm dẫn dắt đội tuyển judo VN, nói: “Ngày xưa, thế hệ của Phương Trinh, Kim Vui... đến với judo bằng sự đam mê. Họ hầu như chỉ biết ăn - tập - thi đấu và gặt hái thành tích chứ không màng đến những vấn đề khác. Ngày nay, nhiều võ sĩ vừa lên nhưng sau đó lại mất tiếng tăm vì bị chi phối bởi giải trí, học văn hóa và phải lo kinh tế cuộc sống sau này. Đây là sự khác biệt lớn giữa trước đây và hiện tại”.

Tại SEA Games 16 năm 1991, lần đầu tiên judo VN trở lại đấu trường quốc tế sau 15 năm vắng bóng, nữ võ sĩ Phương Trinh (TP.HCM) đem về chiếc HCV ở hạng cân dưới 48kg. SEA Games 17, Phương Trinh và Quốc Trung cùng đoạt HCV. Đây cũng là thời điểm hưng thịnh nhất của judo VN bởi tại SEA Games 18, Phương Trinh lại lần thứ ba đăng quang để trở thành cô gái vàng của judo VN. SEA Games 19, tuy Phương Trinh vắng mặt do chấn thương nhưng đồng đội Nguyễn Thị Kim Vui đã thay thế xứng đáng khi đoạt HCV hạng cân dưới 48kg. Nhưng khi những võ sĩ trên rời sàn đấu, judo TP.HCM cũng chìm hẳn, thậm chí không có võ sĩ nào được gọi lên đội tuyển quốc gia dự SEA Games.

SEA Games 2003 trên sân nhà, judo VN gây tiếng vang khi giành ngôi nhất toàn đoàn với sáu HCV. Đồng thời judo VN cũng giành lại ngôi số 1 khu vực ở hạng cân dưới 48kg nữ nhờ sự xuất sắc của cô gái 16 tuổi đến từ Sóc Trăng: Văn Ngọc Tú. Nhưng tám năm trôi qua, Văn Ngọc Tú cũng là cái tên đáng nhớ duy nhất của judo VN đến thời điểm này khi đã mang về bốn HCV SEA Games liên tiếp để vượt qua đàn chị Cao Ngọc Phương Trinh. Cô cũng là người đi vào lịch sử judo VN khi đoạt HCĐ tại Giải vô địch châu Á 2011 - giải đấu mà các võ sĩ VN nếu không thua nhanh bằng điểm tuyệt đối Ippon cũng được xem là thành công.

Theo nhiều chuyên gia, Văn Ngọc Tú là một tài năng đặc biệt và hoàn toàn có thể vươn tầm châu lục, thậm chí thế giới nếu được đầu tư tốt ngay thời điểm cô gây được tiếng vang năm 16 tuổi. Nhưng bây giờ, Văn Ngọc Tú vẫn đang “leo núi” trong nỗ lực giành vé dự Olympic London 2012. Dù Ngọc Tú có thành công (cơ hội này không thật sự lớn) nhưng câu hỏi “sau Ngọc Tú là ai?” vẫn chưa có lời đáp.

Lão võ sư Hữu Huy nói: “Phong trào tập luyện judo tại VN đang phát triển rất mạnh thời gian qua với nhiều CLB judo ra đời và nhiều giải đấu được tổ chức. Ở đỉnh cao, đội tuyển quốc gia được tập huấn và dự các giải quốc tế nhiều hơn. Đáng tiếc, đến nay tuy đã vươn khỏi tầm khu vực Đông Nam Á nhưng thành tích của Văn Ngọc Tú vẫn chưa được như mong muốn”.

N.KHÔI - T.PHÚC

Bình luận

Tiếc cho một thời vàng son

Hơn một thập niên trước, hằng năm cứ đến tháng 8 người hâm mộ võ thuật lại náo nức chờ đón Giải judo quốc tế TP.HCM mở rộng với sự có mặt của những võ sĩ mạnh của làng judo thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc.

Việc góp mặt của các võ sĩ này đã kéo hàng ngàn khán giả đến nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Ngày ấy, đội tuyển judo VN quy tụ cả một “dải thiên hà” mà tên tuổi lẫn trình độ chuyên môn của họ thừa sức chinh phục những khán giả khó tính bằng những đòn hông, đòn vai thuần thục. Nữ thì có “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh - ba lần liên tiếp vô địch SEA Games, Bùi Thúy Quỳnh, Kim Vui, Hiếu Hạnh. Nam có Lê Duy Hải, Lê Đức Công và đặc biệt là ba anh em nhà họ Nguyễn: Quốc Tuấn, Quốc Trung, Quốc Thắng sát cánh bên cạnh ông bố Nguyễn Hữu Huy - HLV trưởng đội tuyển judo quốc gia.

Năm tháng qua đi, “dải ngân hà” ngày ấy cùng ông thầy Nguyễn Hữu Huy lần lượt nói lời chia tay với sàn đấu cùng đội tuyển. Judo VN dần xuống dốc và trong thập niên trở lại đây chỉ còn đúng mỗi Văn Ngọc Tú (vừa chia tay Sóc Trăng để về chơi cho Gia Lai với mức lương suýt soát 20 triệu đồng/tháng) - truyền nhân của Phương Trinh, Kim Vui ở hạng cân dưới 48kg. Nhưng đã tám năm tính từ ngày Tú lần đầu tiên tham dự SEA Games 22, judo VN cũng chỉ có mỗi Tú. Và vì sao chỉ có mỗi Tú? Một câu hỏi dành cho các quan chức của Liên đoàn Judo VN.

Nhắc câu hỏi này chợt nhớ đến cố võ sư Hoàng Việt Hùng (cựu chủ tịch Liên đoàn Judo Đông Nam Á và TP.HCM, ông mất vì bạo bệnh năm 2007). Ngược xuôi từ trong nước đến ngoài nước, cố võ sư Hùng đã xây được mối quan hệ tốt của judo VN với bè bạn trong khu vực. Ngoài ra, với biệt tài ngoại giao, ông đã mang về cho judo VN nhiều khoản tiền tài trợ rất lớn để tổ chức các giải đấu quốc tế thường niên trên sân Phan Đình Phùng.

Ông Hùng quá cố, mối quan hệ đối ngoại của judo VN dần mất đi, các mạnh thường quân cũng không còn mặn mà với việc tài trợ và đội tuyển judo VN cũng mất dần những tài năng. Từ đây, từ chỗ được làng judo khu vực Đông Nam Á kính nể, các võ sĩ judo VN thường xuyên bị hạ Ippon (knock out) trên thảm đấu ở các kỳ SEA Games, Asiad...

Tiếc cho một thời vàng son đã qua. Tiếc cho công sức của những người đi trước đã không được những người đi sau tiếp nối. Bao giờ cho đến ngày xưa? Hỏi nhưng tôi vẫn không hi vọng sẽ nhận được câu trả lời thỏa đáng khi nhìn về thực trạng của judo VN hiện nay.

M.HÀ

N.KHÔI - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên