09/12/2013 09:13 GMT+7

JPMorgan dùng "con ông cháu cha" kiếm hợp đồng từ Trung Quốc

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Chiến lược dùng “con ông cháu cha” của Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase để kiếm các hợp đồng lớn được hé lộ hơn nữa khi điều tra viên Mỹ kiểm tra thư điện tử và tài liệu nội bộ của tập đoàn này.

hvz5YG4b.jpgPhóng to
Trụ sở JPMorgan Chase tại New York - Ảnh: Reuters

Thông tin, được New York Times đưa đầu tiên, cho thấy JPMorgan đã triệt để tận dụng chiến lược này để kiếm các hợp đồng béo bở từ những tập đoàn nhà nước Trung Quốc.

Các tài liệu mới, trong đó có hẳn bảng liệt kê các tuyển dụng “con ông cháu cha” hiện thực hóa được các hợp đồng, là bằng chứng rõ ràng nhất về chiến lược của JPMorgan, tập đoàn đang bị điều tra về hành vi hối lộ suốt mấy tháng nay. Một điều khá nghịch lý là dù JPMorgan có chương trình nội bộ chống các hành vi tuyển người vì “quan hệ” như thế này, nhưng lại coi chiến lược trên là cách hiệu quả để làm việc với các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc.

Theo các tài liệu của cơ quan điều tra, chương trình tuyển dụng này được coi như là bí mật công khai ở văn phòng của JPMorgan tại Hong Kong. Trong một email, một lãnh đạo ngân hàng còn nói rõ “các cơ hội kinh doanh hiện tại và tương lai” khi nhấn mạnh một ứng viên là con của chủ tịch Tập đoàn tài chính China Everbright. Các hành vi của JPMorgan bị coi là vi phạm đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ.

Tuyển dụng “con ông cháu cha”

Tài liệu và các cuộc phỏng vấn do New York Times thực hiện cho thấy mức độ phổ biến của thông lệ tuyển dụng này tại Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, các ngân hàng Phố Wall luôn tìm kiếm cách biến gia đình và bạn bè của các quan chức Trung Quốc thành nhân viên và cố vấn ngân hàng nhằm chen chân vào thị trường đại lục.

Các bảng biểu do JPMorgan cung cấp đề cập đến 30 nhân viên có liên hệ với các tập đoàn nhà nước hoặc các quan chức, trong đó có cả con gái thứ trưởng bộ tuyên truyền, thân thích của một quan chức thuộc tổ chức giám sát tiền tệ và cháu trai của chủ tịch Sinotruk, thuộc Tập đoàn vận tải nhà nước Trung Quốc. Các ứng viên được ngân hàng này sắp xếp vào một cột, các thỏa thuận kinh doanh có liên hệ trực tiếp với ứng viên được ghi chú ở một cột khác. Tương tự, các nhân viên “có máu mặt” và doanh thu từ các hợp đồng của công ty nhà nước Trung Quốc cũng được JPMorgan ghi chú cẩn thận.

JPMorgan không tiết lộ các ứng viên con ông cháu cha có hội đủ điều kiện để được tuyển dụng hay không, tuy nhiên theo New York Times, thành phần này thường được ưu tiên vượt qua các tiêu chuẩn tuyển dụng nghiêm ngặt hoặc cuộc phỏng vấn gắt gao như những nhân viên cấp cao khác.

Theo tờ báo, JPMorgan không phải là ngân hàng duy nhất áp dụng chính sách tuyển dụng này. Nhu cầu cạnh tranh với các đối thủ Phố Wall khác khiến nhiều ngân hàng phải đưa việc tuyển “con ông cháu cha” vào chính sách nhân sự. Chính quyền liên bang đã mở rộng điều tra đối với chính sách tuyển dụng của ít nhất năm ngân hàng Phố Wall tại Trung Quốc, bao gồm Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Dùng quan hệ đổi hợp đồng

Trong một lá thư đề cập “cơ hội kinh doanh hiện tại và tương lai”, một giám đốc cấp cao của JPMorgan Hong Kong tiết lộ rằng một ứng viên dự tuyển vào JPMorgan là con của chủ tịch Tập đoàn China Everbright, một tập đoàn tài chính nhà nước Trung Quốc. Giám đốc này cũng ca ngợi những lợi ích có được từ chương trình thuê “con ông cháu cha”. “Tất cả các bạn đều biết tôi luôn tin tưởng vào chương trình tuyển dụng các cậu ấm cô chiêu” - lãnh đạo này viết trong một lá thư gửi đến các đồng nghiệp.

Theo tài liệu trên, ông Đường Song Ninh tiếp cận một lãnh đạo của JPMorgan Hong Kong vào năm 2010 nhằm tìm kiếm một vị trí thích hợp cho con trai. Không lâu sau đó, một công ty con của China Everbright thuê JPMorgan tư vấn việc phát hành cổ phiếu có giá trị lên đến 300 triệu USD. Sau khi tuyển dụng con trai ông Đường vào năm 2011, các hợp đồng béo bở dồn dập đổ về JPMorgan. Theo cơ quan nghiên cứu của Capital IQ của Standard & Poor, năm 2012 JPMorgan tiếp tục giành được hợp đồng tư vấn bán 162 triệu USD cổ phiếu từ China Everbright International. Để giữ lợi thế về kinh doanh, JPMorgan không ngần ngại gia hạn hợp đồng làm việc cho cậu ấm Đường Hiểu Ninh. “Vì vị trí của chúng ta ở China Everbright, tôi nghĩ chúng ta cần một hợp đồng khác cho Hiểu Ninh” - giám đốc cấp cao của JPMorgan khẳng định chắc nịch trong một bức thư điện tử.

Trước đó, vào năm 2006, JPMorgan cũng thuê Công ty Fullmark Consultants, được điều hành bởi bà Ôn Như Xuân - con gái duy nhất của cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nhằm củng cố vị thế của ngân hàng này tại Trung Quốc. Không chỉ riêng JPMorgan, công ty của bà Ôn (biệt danh “Lily Chang”) còn thực hiện nhiều hợp đồng với các ngân hàng khác, trong đó có nhiều ngân hàng hiện đang bị chính quyền liên bang điều tra.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên