23/12/2012 10:30 GMT+7

Joan Baez hát dưới mưa bom

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Năm nào cũng thế, kể từ 1972, tôi lại lấy từ hồi ức riêng những tháng ngày B-52 Mỹ ném bom Hà Nội, cách đây đã tròn 40 năm, những kỷ niệm không thể quên. Những kỷ niệm chiến tranh của tuổi 20.

Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, chưa được nhận công tác, tôi cùng vài bạn bè tân cử nhân văn chương, vốn thiết tha lãng mạn, khao khát thành nhà báo chiến tranh, đã quyết “cố thủ” tại Hà Nội hòng tận mắt chứng kiến cảnh B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

27bQP5Ul.jpgPhóng to

Khách sạn Metropole (Hà Nội) vẫn lưu giữ kỷ niệm về Joan Baez dưới căn hầm tránh bom - Ảnh: Hữu Việt

Tôi cũng không ngờ những cảnh tượng bi hùng của Hà Nội B-52 ngày ấy khi trở về ký ức tôi vẫn rực sáng một nỗi nhớ về tiếng hát của nữ ca sĩ Mỹ Joan Baez, người đã đến Hà Nội hát giữa những ngày B-52 khốc liệt ấy với tuyên bố giản dị: “Tôi là người Mỹ đến Hà Nội, vì muốn đứng về phía Hà Nội bằng tiếng hát”...

Tránh bom dưới hầm Metropole

Sau này, kể từ khi khách sạn Metropole làm “sống lại” căn hầm dã chiến, bỏ hoang từ năm 1975, như một bảo tàng hầm, tôi mới biết khi sang hát tại Hà Nội tháng 12-1972 Joan Baez đã ở khách sạn này. Cô đón Giáng sinh ở đây và đã tránh bom B-52 dưới chính tầng hầm này. Bây giờ tầng hầm được bảo tồn khá nguyên vẹn, trong đó gìn giữ kỷ vật, kỷ niệm về những người Mỹ phản đối chiến tranh Mỹ tại Việt Nam. Họ đã đến ở với Hà Nội, trái tim Việt Nam, ngay những ngày B-52 ấy. Hai gương mặt Mỹ nổi bật nhất đã ẩn náu bom Mỹ ở căn hầm này lại là hai nữ nghệ sĩ Mỹ: Joan Baez và Jane Fonda.

Và tôi nhớ một chiều trong chuỗi ngày hội thảo “Chiến tranh và hòa bình” ấy, với đại biểu hơn 20 quốc gia tham dự, từ ngày 24 đến 31-10-2010 ở Ohio (Mỹ). Trong phòng hội thảo quốc tế của Trường Case Western Reserve, khi nghe chủ tọa đọc tên mình, tôi xúc động đứng bật dậy khỏi ghế ngồi. Tôi có hai phút “nói thật về chiến tranh” theo yêu cầu hội thảo, để kể về ký ức chiến tranh Mỹ tại Việt Nam. Rất nhanh, tôi dùng hai phút ấy nói về sự kiện ca sĩ Mỹ Joan Baez đến hát tại Hà Nội của tôi, ngay trong những ngày B-52 tháng 12-1972. Tôi nhớ chuỗi 12 ngày đêm ấy rơi đúng vào mùa Hà Nội rét ngọt thấu xương. Trời Hà Nội bị xé nát bởi tiếng gầm rú máy bay B-52 của không quân Mỹ, với những đợt oanh kích dữ dội và những bắn trả dữ dội của pháo mặt đất và không quân Việt Nam. Cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội cũng bị xé nát bởi đạn bom Mỹ.

Đứng về phía Hà Nội bằng tiếng hát!

Gần ngày Giáng sinh thì phải, một tối muộn rét căm căm, bố tôi, một ca sĩ Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN, chở tôi bằng chiếc xe đạp Liên Xô cũ lên trụ sở Đài 58 Quán Sứ, để “cho con nghe một nữ danh ca Mỹ phản chiến vừa từ Mỹ bay sang Hà Nội, hát cho người của đài nghe. Sau đó sẽ sang hát mừng Giáng sinh và năm mới cho tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi tại Hà Nội, đang bị giam giữ ở Hỏa Lò”.

Đêm ấy, bất ngờ Joan Baez xuất hiện lộng lẫy trên sân khấu. Tiếng vỗ tay vang dội hội trường. Joan Baez quá đẹp và rất thu hút. Một cái đẹp thật trong trẻo, đằm thắm và quyến rũ. Dáng thanh mảnh trong váy áo thướt tha sẫm màu, Joan cúi đầu chào, giọng Mỹ trầm ấm, chúc mừng Hà Nội vào mùa Giáng sinh và năm mới 1972-1973. Rồi Joan cúi thấp mình nói lời xin lỗi nghẹn ngào, sẻ chia tận đáy lòng về những cuộc không kích B-52 của Mỹ đang đổ xuống Hà Nội khiến nhiều người chết, phố xá hoang tàn, ngói tan gạch nát. Joan thành thực bày tỏ sự phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam và kết thúc diễn từ: “Tôi xin được đứng về phía Hà Nội bằng tiếng hát”.

Và Joan bắt đầu dọn mình để vào cuộc hát, khoác lên vai dây đàn guitar gỗ, tự mình gảy đàn đệm và cất tiếng hát, đúng đẳng cấp nữ hoàng nhạc đồng quê của Mỹ. Một giọng nữ cao, ngân rung trong vắt và run rẩy, muốn nát lòng người nghe. Và điều lạ nhất là tiếng hát của Joan vừa hừng hực lửa phản chiến, vừa chất chứa dưới đáy thẳm sự nồng nàn ấm áp của những giai điệu trữ tình đồng quê, đã đi thẳng vào lòng người Hà Nội đêm ấy và ở lại mãi với trái tim tuổi 20 của tôi.

3H8NqXUy.jpgPhóng to
Ca sĩ Joan Baez - Ảnh: HEINRICH KLAFFS

Tiếng khóc Khâm Thiên và giọt nước mắt ở New York

Ngay sau hôm nghe Joan hát, tôi đã biết chắc rằng còn một nước Mỹ khác, với những người như Joan. Cũng ngay sau đêm đó, phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, ngôi nhà tôi trong khu tập thể Đài Tiếng nói VN phố Đại La - Ngã Tư Vọng, liên tiếp bị giội bom B-52. Hà Nội ngập trời khói lửa đạn bom, lệnh sơ tán ban bố khẩn cấp.

Bố tôi buộc tôi phải sơ tán khỏi Hà Nội, song các ngả đường đều bị bom. Tôi khoác balô, mặc bộ đồ nhuộm màu lá cây, lần theo lưng bố, đi bộ vất vả leo trèo qua phố Khâm Thiên đổ nát tan hoang, ra đầu ô Cầu Dền, lên xe của Đài Tiếng nói VN đưa đi sơ tán. Hình ảnh Khâm Thiên tang thương ấy đeo đẳng suốt dọc đường xe đưa tôi lên ngôi làng Rổng Vòng, tỉnh Hòa Bình sơ tán.

Váng vất trong tôi còn nguyên tiếng guitar gỗ chập chờn giọng hát say đắm tình yêu Hà Nội của Joan Baez và tiếng Đài Tiếng nói VN phát sóng tác phẩm ký sự hào hùng của Nguyễn Tuân Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi...

Sau này, cũng nhờ việc bảo tồn dấu tích của Joan bằng hình ảnh trong căn hầm khách sạn Metropole mà tôi được biết ngay sau hôm phố Khâm Thiên bị B-52 ném bom hủy diệt, Joan đã đến hiện trường tang thương ấy cùng một phóng viên ảnh người Mỹ. Và Joan đích thân ghi âm những tiếng khóc than thảm khốc của mẹ cha, ông bà đi tìm con, tìm cháu... dưới đống hoang tàn đổ nát.

Joan quay về khách sạn, xuống hầm tránh bom và tự ghi âm mình hát một ca khúc đau đớn: Con trai ơi, con ở đâu?

Mang về Mỹ cả một tấm lòng bi thương vì B-52 Hà Nội ấy, ngay sau đó chưa đầy năm, Joan ra một đĩa đơn. Tôi đã được nghe đĩa nhạc ấy chuyển thành đĩa CD ở Albany, bang New York trong nhà vợ chồng bạn tôi là Ed và Kate, sau khi họ xúc động nghe “phút nói thật” của tôi kể về kỷ niệm nghe Joan Baez hát ở Hà Nội.

Thắp một nén hương trầm lên bàn thờ cha mẹ nội ngoại hai bên (Ed học cách thờ phụng từ người Việt) và nhấn nút, thật bất ngờ, cả một trời-âm-thanh-đặc-sệt-B-52-Hà-Nội trở về: tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi đạn nổ ầm ầm, tiếng loa phát thanh kêu gọi mau xuống hầm, tiếng thất thanh kêu cứu, tiếng gào gọi tên ai đó, tiếng ngâm thơ trầm trầm, tiếng một người mẹ sợ hãi đau đớn, tuyệt vọng: Con tôi đâu? Và giọng Joan cũng vút cao đau nhói tim người, khi hát trên chính cái nền âm thanh bi tráng hỗn loạn chết chóc ấy, bài hát: Con trai ơi, con ở đâu? Cả ba chúng tôi, tôi và vợ chồng người bạn Mỹ, đều cúi đầu nghe hát, lệ rưng rưng trên mắt.

Chúng tôi ngồi như thế rất lâu trong ngập tràn tiếng hát của Joan Baez về Hà Nội một thời đạn bom, một thời hào hùng... Nước mắt lưng tròng, Kate ôm lấy tôi, xin lỗi mãi về những trận bom B-52 đã “ném xuống Hà Nội của bạn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: " Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

___________________

Kỳ tới:Đêm ác liệt nhất

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên