17/10/2024 13:56 GMT+7

JICA đang chờ chủ trương của Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao

Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết những quan tâm cụ thể về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được JICA đưa ra sau khi có kết quả thảo luận của Quốc hội Việt Nam.

JICA đang chờ chủ trương của Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao - Ảnh 1.

Ông Sugano Yuichi - trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - phát biểu tại họp báo - Ảnh: JICA

Ông Sugano Yuichi - trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - cho biết như vậy khi trả lời báo chí về một số nội dung liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong buổi họp báo giữa kỳ năm tài khóa 2024 vào sáng 17-10.

Về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Chính phủ dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2024, trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: "Chúng tôi được biết Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch cụ thể để trình Quốc hội. Các cuộc làm việc của chúng tôi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thời gian qua cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan. Chúng tôi đang mong chờ kết quả thảo luận tại Quốc hội về dự án. Dựa trên kết quả đó, JICA sẽ có những quan tâm cụ thể với dự án này".

Trả lời Tuổi Trẻ Online về kinh nghiệm của Nhật Bản về chở khách và hàng hóa bằng đường sắt trong tương quan các phương thức vận tải khác, ông Sugano Yuichi cho biết trước khi xây dựng đường sắt cao tốc Shinkansen, Nhật Bản đã có đường sắt thông thường. Hiện nay chủ yếu sử dụng đường sắt truyền thống để chở hàng.

Trước đó, khi chưa có đường sắt cao tốc, Nhật Bản tập trung đầu tư đường bộ thì hàng hóa dịch chuyển từ đường sắt thông thường sang đường bộ. Bởi vì đường bộ có sự lưu thông hàng hóa nhanh và tiện hơn.

Hiện nay Nhật Bản đang cắt giảm khí thải carbon nên có xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt vì đường sắt phát thải ít hơn. Thực tế ở Nhật Bản nếu hàng hóa cần vận chuyển nhanh thì dùng đường bộ, nếu khối lượng lớn thì kết hợp cả đường sắt, đường biển.

Theo ông Sugano Yuichi, Việt Nam hiện có nhiều sự lựa chọn khi vẫn phát triển đường sắt cao tốc chở khách, còn hàng hóa thì tận dụng đường sắt thông thường. Điều này phụ thuộc các mục tiêu của Chính phủ đưa ra. 

"Nhật Bản kết hợp nhiều loại hình vận tải tùy theo mục đích. Việt Nam có thể kết hợp vận tải giữa đường sắt, đường bộ, đường biển nếu đảm bảo các mục tiêu, lợi ích đặt ra" - ông Sugano Yuichi cho biết.

Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo, trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết: trong năm tài khóa của Nhật Bản từ tháng 4 -2023 đến tháng 3-2024 JICA đã nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Qua đó đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỉ yen (tương đương 678 triệu USD). Đây là mức cao nhất trong 6 năm qua kể từ năm 2017 (chưa bao gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân).

Bên cạnh đó, các hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỉ yen (tương đương 35 triệu USD), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khóa. Viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỉ yen (tương đương 7,5 triệu USD) vốn cam kết.

Các dự án của JICA tại Việt Nam tập trung vào ba trụ cột trọng điểm gồm: tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương và phát triển nguồn nhân lực.

Những chương trình và dự án trên đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

JICA đang chờ chủ trương của Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao để có quan tâm cụ thể - Ảnh 1.Chủ tịch JICA mong sớm hoàn thiện dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên

Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko mong sớm hoàn thiện dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên theo hiệp định vay vốn lần thứ 4 vừa ký kết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên