Jay Thiện Nguyễn vai King Basilius trong nhạc kịch Head Over Heels tại Mỹ - Ảnh: NVCC
Vậy là ngay khi kết thúc kỳ nghỉ hè "trong mơ" khi được cùng các nghệ sĩ trẻ cháy hết mình trong 2 đêm nhạc kịch "cháy vé" tại Việt Nam, JAY THIỆN NGUYỄN (Nguyễn Hoàng Thiện) trở về Mỹ và tiếp tục hành trình tất bật.
Sau vai chính Snoopy, Jay lại vừa được chọn tham gia đêm carabet với những tác phẩm Broadway kinh điển ở City Winery Philadelphia. "Năm 2022 đối xử với mình hơi tốt!" - Jay hạnh phúc chia sẻ trên Facebook, bởi đó là những quả ngọt đền đáp sau cả một hành trình nỗ lực miệt mài.
Gặp Jay lần đầu chỉ vài phút giải lao ngắn ngủi giữa đêm diễn tại TP.HCM, trong phục trang mặt nạ áo choàng đúng điệu "bóng ma nhà hát kịch", Jay vén cổ tay trái khoe ngay ký hiệu "impact" để chia sẻ "kim chỉ nam" của đời mình: hết lòng với đam mê, và luôn nghĩ đến "tác động" trong mọi việc mình làm, dù là nhỏ nhất.
Jay Thiện Nguyễn trong vai The Phantom tại concert IMAGI-NATION tháng 6-2022 - Ảnh: HUỲNH VY
Lần gặp thứ hai trước khi Jay sang Mỹ để hoàn thành học bổng thạc sĩ về nghiên cứu nhạc kịch ở Đại học Temple, mắt thâm đen vì thức khuya, Jay trở lại là một bạn trẻ đang vắt hết sức với lịch học, tập luyện và biểu diễn kín mít ở Mỹ, chưa kể còn đồng sáng lập dự án xã hội R House Healthy Diner & Lounge (nhà hàng chay kết hợp nuôi dưỡng và tìm chủ mới cho các em chó cứu hộ ở Việt Nam).
Luôn tranh thủ thời gian và làm việc liên tục vì từ bé đến lớn, Jay đã quen nỗ lực hết mình để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.
* Jay có thể chia sẻ về hành trình theo đuổi giấc mơ nhạc kịch của mình?
- Hành trình thì quá dài! Jay chia sẻ một số mốc đáng nhớ nhất. Jay thích hát từ bé. 9 tuổi, khi đứng hàng đầu hát chào đón SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, dù mặt cúi gằm vì... nhát, Jay đã biết ước mơ của mình là gì. Lớp 10, Jay tình cờ nghe ca khúc I dreamed a dream trong vở Les Misérables và tìm thấy mình trong tình yêu nhạc kịch.
Năm 2013, Lãnh sự quán Mỹ tổ chức chương trình Broadway in Vietnam, Jay đăng ký ngay và lần đầu trong đời được trải nghiệm tập luyện chuyên nghiệp với thầy dạy nhạc kịch đến từ Mỹ, được học hát, nhảy, diễn xuất cùng những bạn trẻ đầy đam mê. Dù chỉ ngắn ngủi 10 ngày, cơ hội đó giúp Jay xác định muốn làm gì với cuộc đời mình.
Đó cũng là năm bố Jay mất. Gia đình lao động phổ thông, hai chị phải nghỉ học từ sớm, ước mơ nhạc kịch là quá xa xỉ nên Jay chọn học đại học ngành quan hệ quốc tế. Jay vừa học vừa làm thêm, để dành tiền học luyện thanh cho thỏa đam mê, hết tiền thì nỗ lực tự học, và có bao nhiêu chương trình liên quan đến nhạc kịch Jay đều đăng ký tham gia.
2015, Jay được chọn đi Thái Lan. 2016, đi Indonesia. 2017, Jay được đi Mỹ và lén tách đoàn đi xem kịch Broadway.
Khoảnh khắc đến New York lúc 1h sáng, Jay rất hạnh phúc vì "mình đã làm được", và quyết tâm sẽ trở lại Mỹ du học. 2019, Jay đến Ai Cập tập luyện 1 tháng cùng các nghệ sĩ trên khắp thế giới để diễn vở The Trial trong khuôn khổ Diễn đàn thanh niên thế giới.
Động lực được chọn là một trong những diễn viên chính và sự động viên của bạn bè quốc tế giúp Jay nhận ra: đã đến lúc thực hiện ước mơ. Thế là Jay về nước, nộp đơn xin nghỉ công ty truyền thông và nộp hồ sơ xin học bổng Fulbright.
2021, giữa đại dịch, Jay đến Mỹ du học và được thầy trưởng khoa hỗ trợ xin thêm học bổng, được thầy cô giới thiệu tham gia một số vở nhạc kịch ở các sân khấu lớn tại Mỹ...
Jay Thiện Nguyễn (giữa) cùng các nghệ sĩ trẻ trong 2 đêm concert “cháy vé” tại TP.HCM - Ảnh: HUỲNH VY
* Liên tục nắm bắt nhiều cơ hội đáng nể như vậy, hiển nhiên không chỉ dựa vào may mắn. "Bí quyết" của Jay là gì?
- Jay nghĩ phần lớn nhờ sự bền gan theo đuổi đam mê. Có thể khả năng hay số năm học của mình không bằng các bạn, mình chưa có cơ hội được học chuyên nghiệp, nhưng Jay tự hào mình có tình yêu rất lớn dành cho bộ môn này.
Jay luôn nghĩ về nó. Mọi việc Jay làm đều xoay quanh nó. Từ làm truyền thông cho các sự kiện nghệ thuật, lăn lộn mọi khâu bán vé, viết nội dung tới hỗ trợ hậu trường... tất cả cho Jay môi trường cọ xát và chuẩn bị thật tốt để luôn sẵn sàng khi cơ hội đến.
Jay Thiện Nguyễn (giữa, vai Snoopy) trong vở The World According to Snoopy - Ảnh: NVCC
* Jay đã đến Mỹ du học, đã có 9 năm kinh nghiệm trình diễn nhạc kịch tại Việt Nam, Mỹ, Ai Cập, Indonesia, Thái Lan, được đứng trên các sân khấu nhạc kịch lớn và cơ hội nghề nghiệp đang rộng mở, sao lại chọn về Việt Nam dù biết đó là hướng đi rất kén cơ hội "nổi tiếng"?
- Bạn bè cũng đùa sao Jay không ở lại mà cứ chọn đi "đường khó"? Nhưng ngay từ đầu, mình đã xác định du học là để trở về. Jay muốn trở thành người có thể hỗ trợ cho những bạn trẻ khao khát cơ hội như Jay ngày trước.
Có thể tạo ra môi trường cho các bạn trải nghiệm nhạc kịch thực thụ như cách người thầy từ Mỹ đã sang dạy Jay năm 18 tuổi, hoặc chia sẻ cho các bạn thấy việc kiên định với đam mê có thể đưa các bạn đi xa đến đâu...
Jay nhận ra với một nghệ sĩ trẻ, việc được học tập và rèn luyện trong một cộng đồng "nâng nhau lên" là rất quan trọng.
Jay may mắn được trải nghiệm nhiều cộng đồng như thế, từ Việt Nam đến quốc tế, nơi mọi người đều có cùng đam mê, tập luyện nghiêm túc, công nhận nỗ lực, chia sẻ cơ hội và sẵn sàng cổ vũ nhau phát triển.
Một tháng tập luyện cho concert Imagi-nation vừa rồi, tụi mình đã tạo được một cộng đồng "nâng nhau lên" như thế. Tất nhiên vẫn còn thiếu sót, nhưng sau chương trình, nhiều bạn tâm sự đã có những thay đổi về tư duy nghề. Đó là "tác động" thành công nhất mà Jay nghĩ mình tạo được sau lần thử nghiệm vừa rồi.
Yêu nhạc kịch vì những câu chuyện "có sức nặng"
* Điều mà Jay muốn chia sẻ cùng những bạn trẻ chung đam mê ở Việt Nam?
- Nhiều bạn tâm sự rằng có quá nhiều áp lực khi theo con đường này, nhưng từ đâu mà việc bạn yêu thích lại trở thành áp lực nặng nề?
Hãy nhớ lý do vì sao mình bắt đầu. Được làm nghề mình thích là một điều "xa xỉ", nên đừng thi vị hóa nghề này, cũng đừng dễ dàng từ bỏ. Khi chưa làm được nghề, cứ tạm làm việc khác và tìm mọi cơ hội đột phá cho sự nghiệp của mình.
Jay luôn tin vào sức mạnh của nghệ thuật, và yêu nhạc kịch vì nó chứa đựng những câu chuyện "có sức nặng". Nhạc kịch là bộ môn chuyển tải hiệu quả những thông điệp về đời sống đương đại chứ không quá xa vời như nhiều người vẫn tưởng.
Ở Mỹ, người ta làm nhạc kịch về các vấn đề sát sườn giới trẻ như sức khỏe tinh thần, về sự tự nhận thức cá nhân... Jay hy vọng mình và các bạn cùng đam mê sẽ làm được tương tự ở Việt Nam, để công chúng tiếp cận nhạc kịch gần gũi, lôi cuốn và "2022" hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận