02/08/2016 16:13 GMT+7

Jason Bourne giúp tạm quên đi Hollywood phù phiếm

ĐỨC TRẦN
ĐỨC TRẦN

TTO - Không nhiều flycam, không đại cảnh hoành tráng, không vũ khí tối tân trong bom tấn 120 triệu USD… Điều gì khiến Bourne tồn tại suốt năm phần và luôn hấp dẫn khán giả yêu thích dòng phim điệp viên - sát thủ?

Tài tử Matt Damon vẫn giữ được phong độ - Ảnh Universal
Tài tử Matt Damon vẫn giữ được phong độ trong tập phim Jason Bourne mới nhất - Ảnh Universal

Kịch tính và cao trào

Giữ mạch truyện từ phần trước, sau khi phanh phui các chương trình bí mật Treatstone, Blackbriar của CIA, Jason Bourne hoàn toàn biến mất. Hàng ngày, ngoài kiếm sống bằng nghề chiến đấu bất hợp pháp, anh dần khôi phục trí nhớ bằng cách nghĩ về quá khứ.

Lúc này, nhân vật nữ Nicky Parsons xâm nhập hệ thống dữ liệu của CIA và phát hiện ra hồ sơ về chiến dịch Treatstone lưu thông tin Jason Bourne với tên thật David Webb cùng manh mối khác về nguồn gốc của anh.

Ngay khi Nicky tìm cách đến Hy Lạp nơi Bourne sinh sống để thông báo với anh thì cô bị Heather Lee (Alicia Vikander), một chuyên gia máy tính tài ba và tham vọng của CIA phát giác và ngăn chặn. Một cuộc rượt đuổi gay gắt diễn ra. Những bí mật từ đó dần lộ diện…

Nhìn chung, thân thế của các điệp viên luôn là đích bám quan trọng mà hầu hết các đạo diễn dù giỏi hay dở đều nương theo giữa lúc những câu chuyện giữa cái thiện và cái ác đã trở nên quá cũ mòn.

Về mặt này, Jason Bourne tái hiện khá thành công dù thực chất không có gì mới mẻ. Vẫn là chàng điệp viên có gốc gác dính líu ít nhiều tới CIA (cha của Bourne là nhà phân tích chương trình Treatstone), vẫn là trò che giấu sự thật từ các tổ chức lớn nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro nhân sự hoặc cộng sự.

Vai diễn Heather Lee của Alicia Vikander là điểm cộng cho phim - Ảnh Universal
Vai diễn Heather Lee của Alicia Vikander là điểm cộng cho phim - Ảnh Universal

Điểm cộng ở đây là mạch phim, Jason Bourne dài gần hai giờ nhưng phần dựng và chuyển cảnh xuất sắc cộng với các tình tiết được đẩy liên tục, đã giúp phim ít nhiều tăng kịch tính, dù công bằng mà nói, cả phim chỉ có vài đoạn rượt đuổi, đấu súng…

Những khán giả quen với kiểu xa hoa phù phiếm như chàng James Bond hẳn sẽ tìm thấy những điều thú vị rất riêng chỉ có ở Jason Bourne. Có thể thích hoặc chưa thích, nhưng không phủ nhận với một tác phẩm dù hàn lâm hay giải trí thì kịch bản hấp dẫn (chưa cần nói đến hay), là yếu tố quan trọng.

Điểm sáng của mùa phim Hè 2016

Sau ba ngày công chiếu (từ 29-7), doanh thu của Jason Bourne đang là 110 triệu USD toàn cầu. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, phim đang dẫn đầu bảng xếp hạng với gần 60 triệu USD và tiếp tục tăng trong vài ngày tới. 

>> Xem trailer (nguồn: Youtube)

Phản ứng khán giả tương đối tốt, tuy nhiên các nhà phê bình lại… chia rẽ nhiều luồng ý kiến. New York Times đánh giá Bourne khá hiền so với những phần trước, và phim hơi tham vọng khi mang vào câu chuyện các vấn đề thời đại số như quyền riêng tư, an ninh mạng… nhưng chưa tới.

Trong khi Variety, The Hollywood Reporter đánh giá phần phim này khá kết hợp các kiểu quay của Barry Ackroyd, kiểu dựng của Christopher Rouse, nhạc nền bắt tai… đáng lẽ phải cho khán giả nhiều cảm xúc hơn nữa.

Riêng Chicago Sun-Times cho rằng đây là phim hành động hay nhất từ đầu năm đến nay bất chấp nguồn ý kiến cho rằng phim đang “gây hấn” khi vay mượn ý tưởng từ sự kiện “kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden - cựu điệp viên tiết lộ chương trình do thám của Mỹ làm dậy sóng truyền thông năm 2013.

Pha rượt đuổi gay cấn đầu phim - Ảnh Universal
Pha rượt đuổi gay cấn đầu phim - Ảnh Universal

Với dàn diễn viên rất tròn vai (đặc biệt là Alicia Vikander) cùng những ưu điểm nêu trên, Jason Bourne đáng để thưởng thức vào những ngày cuối của mùa phim Hè.

Đặc biệt hơn, với quan điểm mà chàng điệp viên hé lộ ở đoạn kết, bạn cũng học thêm được một bài học cảnh giác cho bản thân.

ĐỨC TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên