Tuyến xe buýt nhanh ở trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia - Ảnh: Gunawan Kartapranata |
Nếu đi xe buýt mà nhanh hơn taxi và xe máy thì người ta sẽ dần dần chọn việc đi xe buýt, đây là thực tế đang diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Thành phố này bị xếp vào hàng có vấn nạn giao thông trầm trọng nhất thế giới và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp giải quyết.
Xe buýt ở Jakarta có luồng đường ưu tiên riêng. Bến xe buýt được xây cao hơn mặt đất 80cm, người chờ xe chỉ cần bước qua là vào ngang tầm sàn xe.
Bến xe xây cao, lối vào xe cao như thế tránh được nạn xe buýt tùy tiện dừng đón khách giữa đường. Hàng nghìn xe buýt mới sạch sẽ thoáng mát được đưa vào lưu thông. Hàng trăm điểm đỗ được bổ sung.
Luồng đường ưu tiên của xe buýt được cách ly bằng dải phân cách cứng, hạn chế các phương tiện khác tràn vào lấn đường.
Đấy là lý do xe buýt có thể chạy thông suốt, trong khi luồng xe bên ngoài đang kẹt cứng. Dạo chưa có dải phân cách, các con đường vốn đã ùn tắc, không một phương tiện nào nhích lên nổi, trong đó có cả xe buýt.
Cho nên người Jakarta không có phản ứng tiêu cực với dải phân cách cứng, ít nhất thì nó cũng giúp cho xe buýt không bị kẹt lại cùng các phương tiện khác, mà có thể một mình vượt thoát.
Đấy cũng là sự ưu việt của xe buýt, khiến cho nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, từ bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang phương tiện giao thông công cộng.
Đây rõ ràng là chủ ý của chính quyền, dành ưu tiên cao nhất cho xe buýt, tạo ra sự hấp dẫn cho riêng cho phương tiện công cộng này.
Tiếp đoàn đại biểu thủ đô Hà Nội tháng 12-2016, ông chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam nói chính quyền Jakarta không hỏi ý kiến người dân mà tự quyết biện pháp cải thiện tình trạng giao thông.
Xin lưu ý, Indonesia là nền dân chủ lớn nhất Đông Nam Á, nhưng chính quyền vẫn phân biệt đâu là vấn đề chỉ cần sự quyết đoán.
Mới hồi tháng 12-2016 xảy ra một vụ việc trong làn xe buýt ở Jakarta. Một bà lái xe riêng đi vào làn xe buýt bị cảnh sát chặn lại, bà ta hùng hổ ra khỏi xe tự xưng là người của tòa án, quát mắng viên cảnh sát, thậm chí khi cảnh sát dùng điện thoại quay lại cảnh vi phạm, bà ta còn giật điện thoại ném xuống đường.
Viên cảnh sát ôn hòa nhưng không khoan nhượng và cuối cùng bà ta vẫn bị phạt. Kết cục có hậu cho viên cảnh sát: ngay sáng hôm sau, cảnh sát trưởng thủ đô Jakarta trực tiếp đến trao cho anh bằng khen người chiến sĩ công an bình tĩnh nhất khi làm công vụ.
Dư luận đồng tình, đồng thời ta cũng thấy một khía cạnh khác của hệ thống giấy tờ khổng lồ ở thành phố hơn 10 triệu dân này: ở nơi khác chắc còn phải làm tờ trình đề nghị khen thưởng mất nhiều ngày, không nóng hổi lập tức như vậy được.
Phát sinh một nghề đủ sống Nạn tắc đường ở Jakarta đưa đến nghề dẫn đường cho xe ở các giao lộ hoặc trước các tòa nhà lớn. Một chiếc xe đi từ trong trung tâm thương mại ra, hoặc từ trong ngõ ra, không thể nhập vào dòng xe bên ngoài được. Không lo, đã có ngay một người tình nguyện dắt xe ra, vẫy tay cho dòng xe bên ngoài tạm dừng để nhường đường. Người lái xe được dắt nhanh chóng chìa tay ra đưa cho người dẹp đường một số tiền nhỏ, tương đương 5.000 đồng tiền Việt. Tình nguyện đưa đã thành nếp. Với tình trạng tắc đường như ở Jakarta thì đây là một nghề không giàu sang gì nhưng thu nhập cũng đủ sống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận