Tài công Ngô Văn Sinh qua đời bỏ lại vợ và 2 con đang đi học chưa biết nương tựa vào đâu - Ảnh K.Nam |
Làm việc với Công an huyện Châu Thành ngày 13-9, ông Chao Văn Sáng (41 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nói ông là ngư dân đi trên con tàu có tài công bị bắn chết.
Nạn nhân tử vong tên Ngô Văn Sinh (38 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Kiên Giang), là cậu ruột của ông Sáng.
Bắn thẳng vào buồng lái
Ông Sáng cho hay khoảng 15g ngày 11-9, trong lúc đang bủa cào trên biển (chưa rõ tọa độ) thì phát hiện có một tàu nhỏ sơn màu xám xuất hiện. Ban đầu mọi người tưởng là tàu của dân làm ăn nên không chú ý.
Khi con tàu nhỏ tới gần, mọi người mới hốt hoảng nhận thấy đây là loại tàu cao tốc vũ trang mang cờ hiệu nước ngoài, lắp súng máy trước mũi, trên tàu có năm người mặc đồ rằn ri, một người mặc thường phục lăm lăm súng tiểu liên.
Khi cách tàu cá ông Sáng chừng 15m, tàu cao tốc bất thần nã đạn xối xả.
Lúc này, tài công Ngô Văn Sinh chỉ kịp gọi mọi người tháo bình gas sau đuôi tàu rồi trốn xuống hầm, còn mình ở lại cầm lái.
Hé cửa hầm nhìn ra bên ngoài, ông Sáng kinh hoàng nhìn thấy đạn tiểu liên, trung liên và cả mảnh đạn đại liên găm nát thân tàu.
“Lỗ tai tui ù đi không còn nghe được gì, chỉ nhìn thấy đạn rơi như mưa xuống boong. Khoảng 15 phút sau, khi vừa rời hầm lên buồng lái tui tá hỏa nhìn cậu Sinh gục chết cạnh vôlăng, mặt bị bắn nát, một tay bị đứt gần lìa...” - ông Sáng bàng hoàng kể lại.
TVO thực hiện |
Sau khi bắn chết tài công Ngô Văn Sinh, chiếc tàu cao tốc rời đi tiếp tục tấn công các tàu đánh cá gần đó.
Trong đó có tàu do nạn nhân Nguyễn Hùng Cường cầm lái, khiến ông Cường bị bắn gãy nát xương đùi phải.
Ông Sáng khẳng định với Công an huyện Châu Thành rằng cách đây gần hai tháng, chính mình cũng từng bị chiếc tàu cao tốc nói trên bắn dọa xuống nước, sau đó khống chế kéo đi lòng vòng ngoài biển để đòi tiền chuộc tàu lên tới 3,2 tỉ đồng.
“Trên tàu cao tốc có một người mặc thường phục nói tiếng Việt rất rành. Mấy lần trước họ chỉ bắn dọa đòi tiền chuộc, lần này không ngờ họ ra tay bắn thẳng vào buồng lái” - ông Sáng nói.
Hiểm nguy rình rập trên biển
Chị Nguyễn Thị Kim Phương, vợ của nạn nhân Ngô Văn Sinh, cho biết: “Hai tháng trước tàu của ảnh bị bắt, tui nói thôi thì anh khoan đi, ở lại lo sửa chữa nhà cửa, lo học hành đầu năm cho hai đứa nhỏ rồi hãy đi. Ảnh ở nhà hơn một tháng thì nói thôi để anh ráng đi chuyến nữa rồi về sửa nhà. Đâu ngờ ảnh đi chuyến này là chuyến đi cuối cùng...”.
Một sĩ quan biên phòng Kiên Giang cũng thừa nhận chuyện ngư dân bị tấn công trên biển không phải ít.
Mới tháng 8 vừa rồi, có một ngư dân bị bắn thủng bụng, trên đường chở vào tới đất liền người này tử vong do mất nhiều máu.
Ngư dân Chao Văn Sáng cho rằng các tàu đánh cá của Kiên Giang phải đi ra khơi xa là đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy hiểm rình rập, có thể bị bắt giữ, phạt tiền, giờ đây là bị bắn chết bất cứ lúc nào. Nhưng nếu không đi biển thì không biết làm gì để nuôi sống gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận