Phóng to |
Cầu Bung sập nhiều nhịp đến nay chưa khắc phục được |
Ngày 20-6-2011, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sập cầu Bung. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo duy nhất là Phan Anh Tuấn (trú tại phường 16, quận 8, TP.HCM), nguyên cán bộ kỹ thuật Công ty Xây dựng công trình giao thông 134 - Bộ Giao thông vận tải, với mức án 3 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhắm mắt... cắt trụ cầu!
Lúc 12g ngày 5-11-2007, trụ số 8 cầu Bung bị đổ xuống dòng sông. Hai năm sau, ngày 3-11-2009, cầu Bung tiếp tục ngã ba trụ T6, T7, T9. Kết luận giám định kỹ thuật của Viện Khoa học và công nghệ (thuộc Bộ GTVT) cho thấy cầu Bung bị sập là do chiều dài đóng cọc trụ T8 không đúng như thiết kế. Tổng giá trị thiệt hại cầu Bung ở giai đoạn 1 hơn 6,8 tỉ đồng. Để khắc phục sự cố này phải mất gần 10 tỉ đồng...
Công trình cầu Bung có chiều dài 243,3m (kể từ đuôi mố) gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 21,4m, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có kinh phí hơn 7,5 tỉ đồng, do Công ty Xây dựng công trình giao thông 134 thi công. Giai đoạn 2 do Công ty Xây dựng công trình 508 thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Bộ GTVT) thi công nâng cấp thành cầu vĩnh cửu, với mức đầu tư gần 6 tỉ đồng... |
Theo kết quả khảo sát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sập cầu của Sở GTVT tỉnh Gia Lai: về nguyên tắc, trước khi đúc cọc theo đúng thiết kế phải đóng thử độ sâu ở tất cả các trụ. Thế nhưng khi thử ở một trụ thấy đảm bảo độ sâu như thiết kế, Phan Anh Tuấn đã cho đúc hàng loạt trụ có chiều dài 12,45m.
Khi thi công, một số cọc đóng xuống được vài mét gặp tầng đất sét, đá thì không đóng được nữa. Tuy vậy, Tuấn và nhà thầu đã không có khảo sát, đánh giá nguyên nhân, cách khắc phục và báo cáo sự cố lên trên... mà tự ý cắt ngắn cọc khiến không đảm bảo khả năng chịu lực bề ngang của kết cấu.
Trong các báo cáo nghiệm thu, hoàn công, từ chủ đầu tư đến tư vấn, giám sát đều báo cáo đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như thiết kế...
Phan Anh Tuấn đã chỉ đạo công nhân cắt ngắn đầu của 115/123 cọc bêtông, trong đó có cọc cắt hơn 5m. Vì vậy, khi đóng cọc xuống sông không đảm bảo chiều dài 12,45m là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả sập trụ T8 của cầu Bung.
Trong vụ án này còn có ông N.N.D. - cán bộ tư vấn giám sát và ông B.V.L. - giám sát chủ đầu tư. Hai ông này đã thống nhất với Phan Anh Tuấn việc cắt đầu các cọc... nhưng cả hai ông đều đã chết, nên cơ quan điều tra không đề cập trách nhiệm nữa.
Ông Lê Văn Hạnh, giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng công trình giao thông Gia Lai (hiện là phó giám đốc Sở GTVT Gia Lai), viện lý do không thường xuyên giám sát công trường nên không biết việc cắt cọc. Ông D. và ông L. cũng không báo cáo sự việc tại công trình cho ông; khi thi công không có nhật ký đóng cọc, chỉ có nhật ký công trình do cán bộ phụ trách thực hiện nghiệm thu từng phần.
Đại diện viện kiểm sát đã bác bỏ các lý giải này vì cho rằng trách nhiệm của ông Hạnh là phải theo dõi toàn bộ quá trình đóng thử cọc chứ không thể đổ lỗi cho nhân viên.
Ông Phan Xuân Đức, nguyên phó chủ nhiệm ban quản lý dự án (nay đã nghỉ hưu) - người trực tiếp quản lý công trình, có trách nhiệm trực tiếp theo dõi việc đóng thử toàn bộ cọc ở các trụ. Thế nhưng khi đơn vị thi công chỉ đóng thử ở một vị trí, ông cũng không biết. Ông lý giải “vì được giao nhiều việc quá nên không kiểm soát hết!”.
Ông Lương Minh Tuấn, phó giám đốc Công ty Xây dựng công trình giao thông 134, là lãnh đạo trực tiếp của bị cáo Phan Anh Tuấn, có biết việc bị cáo đã cho cắt ngắn đầu các cọc bêtông nhưng không báo lại cho chủ đầu tư. Trong biên bản hoàn công, ông Tuấn vẫn xác nhận đã làm đúng kỹ thuật!
Hội đồng xét xử cũng đã chất vấn nhiều cán bộ có liên quan nhưng tất cả đều cho rằng họ không giám sát thi công trực tiếp mà giao hết cho ông D. và ông L..
Phóng to |
Thiếu tiền giám định?!
Tuy nhiên, các ông Lê Văn Hạnh, Phan Xuân Đức và Lương Minh Tuấn đã được cơ quan chức năng “để lại xem xét, xử lý sau” vì hiện cơ quan chức năng chưa có tiền để trục vớt, giám định phần bêtông cốt thép bị sập, chìm dưới sông...
Trước đó, để làm rõ nguyên nhân sự cố sập trụ T8, UBND tỉnh Gia Lai đã “tạm ứng” 500 triệu đồng để cơ quan cảnh sát điều tra thuê đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá nguyên nhân cầu sập. Tuy nhiên theo Viện Khoa học và công nghệ, nếu giám định thiệt hại toàn bộ cầu Bung dự kiến phải cần khoảng 4 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Gia Lai không muốn nêu tên cho biết: “Nếu có tiền giám định sẽ có thể mở rộng thêm nhiều chứng cứ, nhiều đối tượng sẽ bị truy cứu. Nhưng vụ án này đã kéo dài ba năm, qua nhiều lần gia hạn, buộc phải đưa ra xét xử.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng khác đã trong “tầm ngắm” phải có căn cứ để buộc tội, mức độ phạm tội... Muốn vậy phải trục vớt, giám định phần cầu bị chìm để có chứng cứ buộc tội. Cơ quan công an tỉnh Gia Lai cũng đã có công văn ra Bộ Công an để xin kinh phí nhưng bộ hướng dẫn xin địa phương. UBND tỉnh Gia Lai không đồng ý nên vụ án đành... dừng lại.
Theo quy định của pháp luật, cơ quan nào trưng cầu giám định thì cơ quan đó phải trả tiền và hằng năm phải có dự toán để cấp trên chi tiền. Chúng tôi cũng đã nhiều lần trưng cầu giám định tương tự vụ án này nhưng lần này số tiền quá lớn nên gặp khó khăn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận