Nhiều chất dinh dưỡng quý phòng ngừa bệnh tim mạch, ung thư
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho rằng người ta thích xoài bởi hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng lớn hơn so với nhiều thứ trái cây khác. Nhưng ít ai biết rằng trái xoài, cây xoài còn đem lại nhiều vị thuốc dân gian hết sức độc đáo.
Theo dinh dưỡng học hiện đại, cứ mỗi 100g xoài chín chứa 82,6g nước; 0,6g protid; 0,3g lipid; 15,9g gluxit; 10mg canxi; 13mg photpho; 0,4mg sắt; 960 mcrg betacarote; 30mg vitamin C; 0,05mg vitamin B1; 0,05mg vitamin B2, 1mg vitamin E (10%); 0,3mg vitamin PP...
Bên cạnh đó là nhiều dưỡng chất quý như: mangiferonic axit; isomangiferonic axit, ambonic axit, ambolic axit, m-Digallic axit, quercitin, isoquercitin, mangiferin, ellagic axit, carotenoids, violanthin.
Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy chất mangiferin trong xoài có tác dụng trừ đờm, giảm ho và phòng chống ung thư. Trái xoài chưa chín và vỏ thân cây xoài có khả năng ức chế tụ cầu khuẩn và trực khuẩn coli.
Với hàm lượng vitamin C rất cao, xoài còn có công dụng làm giảm cholesterol và triglycerid máu, rất có lợi cho việc dự phòng các bệnh lý tim mạch.
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mùa nắng nóng là mùa trái xoài chín cung cấp món ăn ngon, bổ dưỡng... và thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khá tốt.
- Kiểm soát cholesterol: Hàm lượng pectin và vitamin C cao có trong xoài giúp làm giảm mức cholesterol trong cơ thể, đặc biệt là LDL cholesterol xấu. Xoài vừa giải quyết được táo bón, vừa giảm được cholesterol, rất đáng cho người cholesterol cao và táo bón quan tâm.
- Ngăn ngừa bệnh tim: Trái xoài cung cấp vitamin A, E và selen cho cơ thể, giúp chống lại bệnh tim. Xoài cũng rất giàu vitamin B6, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm mức độ homocysteine (một axit amin trong máu gây tổn thương mạch máu).
- Làm giảm huyết áp: Xoài có hàm lượng kali cao, vì vậy có thể điều chỉnh huyết áp.
- Tốt cho gan: Xoài giàu chất sắt giúp gan duy trì sự khỏe mạnh, góp phần ngăn cản rối loạn gan, vì tăng tốc tiết axit mật và làm sạch nhiễm khuẩn ruột.
- Bổ sung chất sắt: Xoài chứa lượng chất sắt gấp ba lần so với những trái cây khác, là giải pháp tự nhiên cho những người bị thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có trong xoài giúp tăng cường hấp thụ sắt.
- Cải thiện trí nhớ: Xoài có chứa axit glutamine - chất có tác dụng cải thiện trí nhớ và giữ cho các tế bào não hoạt động. Ăn xoài thường xuyên sẽ tốt cho sĩ tử ôn thi và người có tuổi chiến đấu với căn bệnh giảm trí nhớ.
- Chăm sóc mắt: Xoài có nhiều nhiều vitamin A. Một chén xoài xắt lát cung cấp 25% nhu cầu vitamin A hằng ngày. Vitamin A là chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp tăng cường sức khỏe của đôi mắt và bảo vệ mắt chống lại sự thoái hóa điểm vàng, cải thiện thị lực, chống khô mắt và ngăn ngừa bệnh quáng gà.
- Tăng cường miễn dịch: Xoài có những tác dụng tốt đối với hệ miễn dịch do có chứa nhiều muối khoáng, đặc biệt là canxi và sắt. Sự kết hợp giữa vitamin C, vitamin A và 25 loại carotenoid khác trong quả xoài giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Làm đẹp da: Xoài là loại trái cây tốt cho làn da vì có hàm lượng vitamin A cao, giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu ở màng nhầy và da, từ đó làm giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, một hiện tượng khiến làn da bị tổn hại.
Bài thuốc Đông y dùng xoài chữa bệnh
Thạc sĩ Toàn phân tích trong y học cổ truyền, quả xoài vị chua ngọt, tính mát có công dụng ích vị, chỉ ấu (làm hết nôn), giải khát, lợi niệu, thường dùng để chữa những chứng bệnh như: miệng khát họng khô, vị khí hư nhược, chóng mặt, buồn nôn.
Hạt xoài vị chua sáp, tính bình, tác dụng hành khí giảm đau, dùng trị các chứng như: thoát vị bẹn, thoát vị bìu và thức ăn bị ngưng trệ không tiêu hóa hóa được.
Lá xoài vị chua ngọt, tính mát, có công dụng hành khí thông trệ dùng để chữa đau bụng do nhiệt trệ.
Vỏ thân cây xoài có tác dụng trị các chứng chảy máu mũi, ung thũng, mụn nhọt, lở loét...
Các y thư cổ như Bản thảo thập di; Thực tính bản thảo; Khai bảo bản thảo; Lĩnh Nam thái dược lục... đều đã ghi lại những kinh nghiệm dùng các bộ phận của cây xoài để trị bệnh khá độc đáo.
- Cảm mạo: Lá xoài tươi 1 nắm rửa sạch, sắc uống thay trà. Hoặc hạt xoài và lá sơn tra lượng vừa đủ, sắc uống.
- Ho khạc nhiều đờm, khó thở: Xoài xanh tươi ăn cả vỏ mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 trái.
- Áp xe phổi: Quả xoài chưa chín 2-3 quả, thái mỏng sấy hoặc phơi khô, trần bì 10g, thịt lợn nạc 150g. Tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn nhiều lần trong ngày.
- Viêm hầu họng mạn tính, khàn giọng: Quả xoài xanh rửa sạch, thái phiến sắc uống thay trà.
- Ăn kém, chậm tiêu: Mỗi ngày nên ăn 1 quả xoài, có thể kết hợp dùng hạt xoài sắc uống thay trà.
- Đầy bụng chậm tiêu, nôn nấc: Nên ăn xoài tươi hằng ngày với lượng thích hợp.
- Khái huyết, xuất huyết tiêu hóa và tử cung: Vỏ quả xoài chín nấu thành cao lỏng, cách 1-2 giờ uống 1 thìa cà phê.
- Thanh nhiệt, chống say nắng: Khi trời nắng gắt, chỉ cần cắt vài lát xoài cho vào trong máy ép trái cây, thêm một ít nước và một muỗng canh mật ong. Loại nước ép này sẽ ngay lập tức làm mát cơ thể và ngừa say nắng.
- Chống say tàu xe, buồn nôn: Nên ăn xoài tươi hoặc sắc uống thay trà.
- Chảy máu chân răng: Nên ăn xoài tươi cả vỏ mỗi ngày 1 quả.
- Đau răng: Vỏ trái xoài phơi khô 3 phần, quả bồ kết 1 phần, quả me 3 phần. Tất cả sấy khô, tán bột, mỗi lần lấy 1 ít chấm vào chỗ răng sâu và răng đau.
- Trị eczema, lở ngứa ngoài da: Lá xoài tươi hoặc vỏ xoài xanh 150g sắc lấy nước ngâm rửa nơi bị bệnh.
- Viêm loét niêm mạc miệng: Dùng lá xoài sắc uống thay trà.
- Miệng khô, lưỡi nhiệt, tiểu tiện không thông: Quả xoài xanh, thái phiến phơi khô, mỗi ngày dùng 20g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà hàng ngày.
- Phụ nữ kinh nguyệt không thông: xoài khô 60g, sắc kỹ lấy nước, chế thêm 1 chút đường, chia uống 2 lần trong ngày.
Lưu ý: Không nên ăn xoài lúc đói quá và sau bữa ăn no, đang có các bệnh nhiệt sốt. Ăn xoài xanh quá mức có thể gây ra axit và khó chịu về tiêu hóa. Ăn nhiều xoài có hại cho thận, do đó người bị viêm thận cấp và mãn tính, bị suy thận tốt nhất nên tránh xa.
Xoài có hàm lượng đường tự nhiên khá cao, vì vậy người có tiểu đường nên kiểm soát lượng xoài mình ăn để tránh tăng đường huyết đột ngột. Người bị phản ứng dị ứng với xoài cũng không nên ăn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận