07/04/2016 21:13 GMT+7

ISSF 2016: “Khởi nghiệp như cô bé Lọ Lem đi tìm hoàng tử”

CÔNG NHẬT - CẨM TIẾN
CÔNG NHẬT - CẨM TIẾN

TTO - Chiều 7-4, tại hội trường Nhà điều hành (ĐHQG TP.HCM) đồng loạt diễn ra 4 phiên báo cáo tham luận với sự tham gia của 100 đại biểu sinh viên cùng nhiều chuyên gia đầu ngành.

Các đại biểu trao đổi với nhau trong phiên thảo luận diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế chiều 7-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các đại biểu trao đổi với nhau trong phiên thảo luận Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế chiều 7-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là một trong những hoạt động chính của Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế (ISSF) 2016, và được thực hiện hoàn toàn với ngôn ngữ tiếng Anh với 65 đại biểu đến từ VN, 35 đại biểu đến từ Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhiều gợi ý, trăn trở với nghiên cứu khoa học 

Các phiên thảo luận xoay quanh 4 nhóm chủ đề: Sáng tạo và công trình nghiên cứu khoa học (NCKH), Hoạt động tình nguyện, Khởi nghiệp và việc làm của sinh viên, Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường với các hội đồng khoa học gồm các giáo sư, tiến sĩ uy tín trong và ngoài nước.

“Các hoạt động như ISSF 2016 giúp sinh viên trong nước được cọ xát, biết được NCKH đang diễn ra ở nước ngoài như thế nào và buộc các bạn phải nỗ lực hơn nữa. Đây là hoạt động cần được khuyến khích, mở rộng” - GS.TS Võ Văn Tới (trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh, ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM).​

Phiên thảo luận chủ đề “Sáng tạo và công trình NCKH của sinh viên” diễn ra sôi nổi.

Tham gia trình bày với chủ đề "Những khó khăn của sinh viên khi tham gia NCKH là gì?”, bạn Nguyễn Quỳnh Phương (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) chỉ ra một số điểm chính: sinh viên rất khó xác định chủ đề nào là thiết thực và khả thi, dễ bị rối giữa rừng thông tin trên Internet, vấn đề chi phí cũng là điều khiến nhiều bạn trẻ băn khoăn...

Đại biểu Supphachok Chanmungkalakul (ĐH Mahidol, Thái Lan) chia sẻ về chủ đề “Chúng ta đang đối mặt với những điều gì?” cho biết không chỉ ở VN mà ở Thái Lan sinh viên cũng thường rất bận rộn và không có thời gian cho những hoạt động giải trí, sáng tạo, NCKH... Chưa kể rất nhiều trường áp dụng những luật lệ rất cũ ảnh hưởng đáng kể đến việc NCKH của giới trẻ.

GS.TS Võ Văn Tới nhắn nhủ: “Để thành công khi NCKH, hai yếu tố sau đây rất quan trọng. Đầu tiên là chính mình luôn tò mò và đam mê tìm hiểu. Bên cạnh đó người hướng dẫn có vai trò quan trọng”.

Khởi nghiệp ở đâu cũng khó khăn

Phiên thảo luận về chủ đề “Khởi nghiệp và việc làm của sinh viên” cũng rất sôi nổi, hào hứng đến phút cuối sau khi các đại biểu biết thông tin lãnh đạo TP.HCM phát động TP.HCM là thành phố khởi nghiệp.

“Cô bé Lọ Lem đi tìm chàng hoàng tử của mình” là cách ví von của bạn Nguyễn Hữu Gia Bảo (ĐH Cần Thơ) về khởi nghiệp. Bạn cho rằng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua khó khăn chồng chất thì “Lọ Lem cũng được đền đáp xứng đáng”.

Trong bài tham luận của mình, bạn Tạ Hoàng Thảo Vy (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) khẳng định: “Tìm một công việc làm thêm từ lúc còn trẻ có thể giúp các bạn quý trọng đồng tiền, tự hào về những kinh nghiệm cá nhân mà mình thu thập được, đồng thời có thể chia sẻ trách nhiệm với gia đình”.

Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Dương Nguyên Vũ (giám đốc Viện John von Neumann, ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Khi làm việc các bạn không nên quan trọng việc kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là thông qua đó, mọi người có thể học được rất nhiều kinh nghiệm từ thực tế”.

Thất bại khi khởi nghiệp là nỗi lo chung của nhiều bạn trẻ. “Học sinh sinh viên có những hạn chế về thời gian, kinh nghiệm, tiền bạc nên dễ thất bại từ sớm. Nhưng quan trọng là qua những thất bại đó, bạn gặt hái được điều gì, bạn có thêm kinh nghiệm gì”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (CEO Alpha Book) chia sẻ.

Con đường khởi nghiệp của sinh viên bắt đầu từ việc suy nghĩ không ngừng về những điều bạn mong muốn làm và đạt được, viết ra giấy và đem cho 100 người khác xem để chúng thành những bản kế hoạch ổn định. Sau đó, tìm một người bạn đồng nghiệp cùng đi tìm kiếm nguồn quỹ. Đó là con đường khởi nghiệp mà bạn Jenny Alermboubpha (ĐH Quốc gia Lào) chia sẻ trong tham luận của mình.

Nhiều hoạt động với ISSF 2016

ISSF 2016 có chủ đề chính “Sinh viên hội nhập” và do Hội Sinh viên TP.HCM phối hợp ĐHQG lên ý tưởng và đăng cai tổ chức. Đây là lần đầu tiên Hội Sinh viên TP tổ chức sự kiện học thuật quy mô quốc tế.

ISSF 2016 diễn ra từ ngày 7 đến 10-4 với nhiều hoạt động thú vị như: thảo luận dưới sự dẫn dắt của các hội đồng khoa học, tham quan những công trình trọng điểm, các trung tâm khoa học công nghệ và di tích lịch sử tại TP.HCM, giao lưu với sinh viên các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM…

CÔNG NHẬT - CẨM TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên