Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giơ cao mảnh vỡ máy bay Iran tại hội nghị về an ninh ở Munich ngày 18-2 - Ảnh: REUTERS
Cuộc đấu khẩu giữa Israel và Iran xảy ra ngày 18-2 tại Hội nghị thường niên về an ninh lần thứ 54 ở Munich (Đức), ngày cuối trong ba ngày làm việc.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu giơ cao một mảnh vỡ kim loại từ máy bay không người lái Iran bị bắn hạ trên không phận Israel hôm 10-2 và tuyên bố, dù Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif không có mặt trong khán phòng: "Đây là bằng chứng. Ông Zarif, ông nhận ra cái này không, đây là của ông".
Israel sẽ không để chế độ Iran siết cổ với nút thắt khủng bố. Chúng tôi sẽ quyết tâm hành động để tự vệ. Nếu điều đó cần thiết, chúng tôi không chỉ hành động chống những kẻ Iran ủy nhiệm chống lại chúng tôi mà chúng tôi sẽ tấn công trực tiếp Iran"
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Phát biểu sau đó tại hội nghị, đầu tiên Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif chỉ trích phát biểu của thủ tướng Israel là "trò xiếc" và "không đáng trả lời nghiêm túc". Sau đó ông trả đũa: "Tôi có thể bảo đảm nếu lợi ích của Iran không được bảo đảm, Iran sẽ phải phản ứng. Và câu trả lời sẽ nghiêm túc".
Các mảnh vỡ máy bay không người lái Iran bị Israel bắn rơi ngày 10-2. Máy bay cất cánh từ Syria và phía Iran cho rằng có nhiệm vụ săn lùng dấu vết khủng bố trên lãnh thổ Syria - Ảnh: Quân đội Israel
Chiến dịch tấn công sẽ rất phức tạp
Thực sự Israel có đủ tiềm lực quân sự và chiến thuật để đơn phương tấn công Iran hay không? Các nhà phân tích quân sự và Lầu Năm góc đánh giá tấn công Iran là một chiến dịch quy mô và rất phức tạp.
Muốn tấn công Iran, các phi đội Israel phải vượt qua đoạn đường dài hơn 1.500 km đầy chông gai, phải được tiếp liệu trên không, phải chống trả mạng lưới phòng không Iran và phải tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu.
Từ lâu ai cũng biết Israel đã vấp phải nhiều giới hạn về chiến thuật khi thực hiện một chiến dịch quân sự như thế.
Máy bay Israel phải bay chặng đường dài hơn 1.500 km qua không phận nhiều nước mới đến được Iran - Ảnh: ambear.me
- Làm sao bay đến Iran?
Đây là vấn đề khó khăn đầu tiên. Có ba đường bay đến Iran. Đường thứ nhất bay qua miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đường thứ hai bay về hướng nam qua không phận Saudi Arabia. Đường cuối cùng là bay qua Jordan và Iraq.
Các chuyên gia ghi nhận bay qua Jordan và Iraq có thể là giải pháp được chọn vì đây là con đường ngắn nhất.
- Phi đội Israel đủ tầm bay không?
Nếu Jordan chấp thuận cho máy bay Israel bay ngang không phận, vấn đề đặt ra là khoảng cách từ Israel đến Iran. Các phi đội Israel phải sử dụng loại máy bay chở bom đủ khả năng bay đi và bay về trên chặng khứ hồi 3.000 km.
- Khả năng tiếp liệu đến đâu?
Chắc chắn trên chặng đường bay xa như thế Israel phải sử dụng lực lượng máy bay tiếp liệu. Các chuyên gia Mỹ nghi ngờ Israel có đủ máy bay tiếp liệu phục vụ cho chiến dịch tấn công Iran.
Thông thường mỗi máy bay tiếp liệu có thể nạp nhiên liệu cho 8 máy bay F-16 hoặc 4 máy bay F-15. Nếu số máy bay tiếp liệu không đủ, không thể huy động số lượng lớn máy bay tham gia chiến dịch đánh Iran.
- Lực lượng máy bay yểm trợ
Ngoài ra, các máy bay tiếp liệu còn phải được máy bay chiến đấu bay theo bảo vệ. Như vậy số lượng máy bay sẽ phải tăng lên tương ứng.
Tóm lại, để đạt được mục đích tấn công Iran, Israel phải huy động tối thiểu 100 máy bay. Nếu huy động không đủ số máy bay, Israel không thể tấn công hàng loạt các mục tiêu như căn cứ tên lửa tầm xa, các dàn phóng tên lửa phòng không và radar, các trung tâm nghiên cứu, nhà máy…
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) thị sát hệ thống phòng không Bavar-373 hồi năm 2016 - Ảnh: REUTERS
Bavar-373 và S-300 của Iran
Vấn đề quan trọng không kém là làm thế nào máy bay Israel chống trả tên lửa phòng không và máy bay Iran trên không phận Iran?
Loại vũ khí có thể khiến các phi đội Israel phải run sợ là hệ thống phòng không đất đối không Bavar-373 do Iran sản xuất từ A đến Z. Năm 2017, Iran đã tiến hành bắn thử nghiệm thành công loại tên lửa mới này.
Tôi nghĩ rằng những ai sẽ có hành động sai lầm chống chúng tôi phải hối tiếc. Chúng tôi sẽ không phải là những người đầu tiên vi phạm một thỏa thuận mà tất cả chúng ta thiết lập bất chấp mọi âm mưu cản trở của Netanyahu"
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Baranets nhận định: "Thiết kế của tên lửa Bavar-373 có 95% dựa trên hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga. Iran đã mua tên lửa S-300 của Nga và các chuyên gia Iran đã nắm rõ chức năng của S-300. Đối với tôi, Bavar-373 và S-300 giống nhau như hai giọt nước".
Chuyên gia Viktor Baranets nhấn mạnh một khi quân đội Iran đã trang bị hoàn chỉnh hệ thống phòng không Bavar-373, sẽ không có máy bay Israel nào dám bay đến gần không phận Iran.
Tướng Farzad Esmaili tư lệnh căn cứ không quân Khatam al-Anbiya của Iran cho biết lực lượng phòng không Iran sẽ đưa vào sử dụng tên lửa đất đối không Bavar-373 trong năm 2018.
Theo trang web của Mỹ chuyên về quốc phòng Global Fire Power, trong bảng xếp hạng tiềm lực quân sự các nước trên thế giới năm 2017, Israel đứng ở vị trí thứ 15 trong khi Iran được xếp thứ 21.
Bảng xếp hạng được lập dựa theo hơn 50 tiêu chuẩn bao gồm số lượng và chủng loại vũ khí và thiết bị, quân số quân đội thường trực và quân dự bị, ngân sách quốc phòng, cơ sở hạ tầng vận tải, mức sản xuất xăng dầu và nhiều yếu tố khác tác động đến khả năng quốc phòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận