Phát biểu của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trước Hội đồng Bảo an vào ngày 24-10 có sự thay đổi đáng kể so với những gì ông đã nói về xung đột Israel - Hamas trước đó.
Vai trò của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Trong số những trách nhiệm của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có việc giám sát các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và hòa giải xung đột. Điều 99 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc nêu: "Tổng thư ký có thể lưu ý Hội đồng Bảo an bất kỳ vấn đề nào mà theo quan điểm của mình có thể đe dọa đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".
Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), ông Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hiện tại, đang tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và cải cách việc quản lý Liên Hiệp Quốc.
Các phát biểu của ông Guterres
* Khi phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine tổ chức cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều năm nhằm vào Israel hôm 7-10 và bắt cóc con tin: Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lúc đó "lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất cuộc tấn công sáng nay của Hamas nhằm vào các thành phố của Israel gần Dải Gaza và miền trung Israel". Ông "kêu gọi mọi nỗ lực ngoại giao để tránh một cuộc xung đột rộng hơn".
* Sau khi Israel phong tỏa toàn diện Dải Gaza, không kích liên tục vào dải đất này và sau vụ nổ khiến hàng trăm người chết tại Bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Dải Gaza vào hôm 17-10, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 18-10:
"Đối với Hamas, yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các con tin. Đối với Israel, ngay lập tức hãy cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo không hạn chế để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân ở Gaza, với đại đa số trong số này là phụ nữ và trẻ em.
Tôi hoàn toàn nhận thức được những bất bình sâu sắc của người dân Palestine sau 56 năm bị chiếm đóng. Tuy nhiên, dù những bất bình này nghiêm trọng đến mức nào, chúng cũng không thể biện minh cho hành động khủng bố chống lại dân thường do Hamas gây ra vào ngày 7-10 - vụ việc mà tôi đã ngay lập tức lên án.
Nhưng những cuộc tấn công đó cũng không thể bào chữa cho sự trừng phạt tập thể đối với người Palestine".
* Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 24-10, ông Guterres kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Ông nói: "Tôi quan ngại sâu sắc về những hành vi vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế mà chúng ta đang chứng kiến ở Gaza. Hãy để tôi nói rõ: Không bên nào trong một cuộc xung đột vũ trang đứng trên luật nhân đạo quốc tế".
Ông tiếp tục lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel vào hôm 7-10. Tuy nhiên, lần này ông có phát ngôn đáng chú ý: "Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng các cuộc tấn công của Hamas đã không tự nhiên nổ ra.
Người Palestine đã phải chịu 56 năm bị chiếm đóng ngột ngạt. Họ đã chứng kiến đất đai của mình liên tục bị tàn phá bởi các khu định cư và bởi bạo lực; nền kinh tế của họ bị bóp nghẹt; người dân phải di dời và nhà cửa của họ bị phá hủy. Niềm hy vọng của họ về một giải pháp chính trị cho cảnh ngộ của mình đang tiêu tan".
Áp lực ngàn cân từ cả Israel lẫn Palestine
Hai tuần qua, ông Guterres phải chịu áp lực đưa ra cách tiếp cận cân bằng trong cuộc xung đột Israel - Hamas.
Tuy nhiên, phát ngôn "các cuộc tấn công của Hamas đã không tự nhiên nổ ra" của ông Guterres vào ngày 24-10 đã khiến Israel giận dữ. Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan cho rằng những bình luận mới nhất của Tổng thư ký Guterres "gây sốc" và cho thấy ông "không phù hợp để lãnh đạo Liên Hiệp Quốc".
"Tôi kêu gọi ông từ chức ngay lập tức. Không có lời biện minh nào và cũng vô ích khi nói chuyện với những người thể hiện lòng trắc ẩn đối với những hành động tàn bạo khủng khiếp nhất nhằm vào công dân Israel và người Do Thái" - ông Erdan viết trên mạng xã hội X ngày 24-10.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen tuyên bố ông sẽ không gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres như đã lên kế hoạch. Ông Cohen viết trên X: "Không còn chỗ cho cách tiếp cận cân bằng".
Ông Guterres cũng đối diện với áp lực từ Palestine và quốc tế do tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza. Trong tuyên bố ngày 23-10, Bộ Ngoại giao và Kiều dân Palestine nhấn mạnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần chịu trách nhiệm về hậu quả của việc không ngăn chặn chiến tranh và mở các hành lang nhân đạo khẩn cấp.
"Chúng tôi tin rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang chìm đắm trong những tiêu chuẩn kép tồi tệ và thiếu sự đồng thuận tối thiểu về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với thảm họa nhân đạo đã xảy ra với người dân chúng tôi và dẫn đến thảm họa (Nakba thứ hai)" - bộ này nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận