Ngày 30-10, Israel xác nhận đã không kích vào cơ sở hạ tầng quân sự bên trong Syria, vị trí mà Tel Aviv cáo buộc là đã bắn phá vào lãnh thổ Israel, theo Hãng tin AFP. Trong khi đó, truyền thông Syria đưa tin Israel không kích 2 đồn quân sự gần thành phố Daraa.
Từ khi cuộc giao tranh bắt đầu, một loạt cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã xảy ra, các cuộc đọ súng dọc biên giới Israel - Lebanon giữa lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn và lực lượng Israel cũng gia tăng.
Theo giới quan sát, các cuộc tấn công được coi là biện pháp phủ đầu nhằm làm suy yếu khả năng tham chiến ở Gaza của các nhóm này. Đến nay, mục tiêu chủ yếu của Israel ở Syria là hai sân bay quốc tế chính ở Damascus và Aleppo, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp đất nước.
Sau cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Syria vào năm 2019, Damascus ngày càng phụ thuộc vào các nhóm dân quân đồng minh, nhiều nhóm trong đó được Iran vũ trang, huấn luyện và liên kết chặt chẽ với Hezbollah để duy trì an ninh. Sự phụ thuộc giúp các nhóm này có vị trí ngày càng lớn ở Syria và xây dựng lực lượng ngày càng mạnh gần biên giới Israel.
Song song với các cuộc tấn công của Israel, hai thành viên NATO có sự hiện diện quân sự lớn nhất ở Trung Đông là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường các cuộc tấn công vào Syria 3 tuần qua.
Các lực lượng Mỹ thường xuyên đụng độ với Lực lượng Vũ trang Syria và các lực lượng dân quân liên kết với chính phủ kể từ năm 2016.
Với việc Mỹ tỏ rõ sự ủng hộ mạnh mẽ với Israel trong cuộc xung đột với Hamas, các cơ sở quân sự của Washington cũng trở thành mục tiêu của các nhóm dân quân ở Syria và Iraq.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo 2 cuộc không kích vào miền bắc Syria nhắm vào lực lượng dân quân có liên quan đến không chỉ chính quyền Dasmascus mà còn với Iran, Hezbollah và Hamas.
Theo tạp chí Time, các máy bay chiến đấu F-16 của Washington đã vô hiệu hóa các kho vũ khí và đạn dược ở Abu Kamal gần biên giới giữa Syria và Iraq. Các lực lượng của Chính phủ Mỹ khẳng định Iran đứng đằng sau Hamas và các nhóm tấn công vào căn cứ của Mỹ ở Syria, Iraq.
Song song với các cuộc tấn công của Israel và Mỹ, các nhóm chiến binh thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ và vũ trang mạnh tay cũng bắt đầu leo thang các cuộc tấn công vào Syria ngay sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.
Giữa tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các chiến binh thánh chiến này đang "âm mưu tấn công dân thường, các khu vực lực lượng Nga và Syria được triển khai, cũng như các cơ sở hạ tầng dân sự bằng máy bay không người lái và tên lửa phóng loạt tầm trung đã được điều chỉnh".
Lực lượng dân quân thánh chiến ở Đông Bắc Syria không chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ, trang bị vũ khí và huấn luyện mà còn phối hợp với các đơn vị quân đội của Ankara trong một thập kỷ qua. Do đó, các hoạt động của nhóm này luôn phù hợp với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và rộng hơn của NATO.
Việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm giúp Ankara tránh những rủi ro liên quan đến việc tấn công trực tiếp vào lực lượng Syria và Nga.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo điểm nóng Syria
Liên Hiệp Quốc ngày 30-10 cảnh báo Syria đang ở thời điểm "nguy hiểm nhất" khi bạo lực gia tăng và cuộc chiến Israel - Hamas "lan rộng".
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Syria Geir Pedersen nói Syria đã "chứng kiến sự bất ổn và bạo lực ngày càng gia tăng, càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu một tiến trình chính trị có ý nghĩa".
Theo ông Pederson, ngoài tình trạng bạo lực từ chính cuộc xung đột trong nước, người dân Syria hiện phải đối mặt với một viễn cảnh về chiến sự Israel - Hamas lan rộng.
"Chiến sự lan sang Syria không chỉ là nguy cơ mà nó đã bắt đầu", Hãng tin AFP dẫn lời đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc nói.
Trong khi đó, thủ tướng tạm quyền của Lebanon Najib Mikati cũng tuyên bố sẽ tìm cách để nước này không dính vào cuộc chiến với Israel.
"Đang có một cuộc chạy đua nhằm đạt được lệnh ngừng bắn trước khi (cuộc chiến) leo thang lan rộng ra toàn khu vực", ông Mikati nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận