Theo Hãng tin Reuters, ngày 17-9, Israel tuyên bố việc đưa người dân trở lại sinh sống tại khu vực biên giới phía bắc của nước này với Lebanon là một phần mục tiêu chiến tranh tại Gaza.
Ngay sau khi cuộc chiến tại Gaza bùng nổ hồi tháng 10-2023 đến nay, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới, nhằm "thể hiện tình đoàn kết với người Palestine".
Các giao tranh qua lại giữa lực lượng này và quân đội Israel buộc hàng chục ngàn người dân tại khu vực này phải sơ tán.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp xuyên đêm 16-9 của nội các an ninh Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu.
Như vậy, các mục tiêu chiến tranh của Tel Aviv tại Dải Gaza bao gồm: diệt trừ năng lực quân sự và khả năng nắm quyền của Hamas;
Sự hồi hương của toàn bộ con tin Israel; đảm bảo Gaza không còn có thể đe dọa Israel và việc người dân Israel có thể an toàn quay về sinh sống tại khu vực biên giới phía bắc.
Vì quan hệ gắn bó giữa Hezbollah và Hamas, Israel xem cuộc xung đột tại biên giới phía bắc là một phần của cuộc xung đột tại Dải Gaza, bất chấp việc khu vực này không liên quan đến Gaza về mặt địa lý. Với Tel Aviv, giải quyết vấn đề ở Gaza phải bao gồm cuộc xung đột quân sự với Hezbollah.
Do đó, bằng việc đưa ra quyết định như trên, Tel Aviv cho thấy khả năng tình hình chiến sự giữa Israel và lực lượng Hezbollah có thể leo thang trong thời gian tới.
Ngày 16-9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant - tuyên bố: "Khả năng đạt thỏa thuận (ngừng bắn) đang cạn dần do Hezbollah tiếp tục "gắn chặt bản thân" với Hamas và từ chối chấm dứt xung đột.
Do đó, cách duy nhất để đảm bảo các cộng đồng phía bắc của Israel có thể về nhà là thông qua hành động quân sự".
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza vẫn tiếp tục
Ngày 17-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du Ai Cập nhằm trao đổi thêm về thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.
Đến nay, các nhà đàm phán từ Mỹ, Ai Cập và Qatar đã trao đổi liên tục trong gần ba tháng để tìm kiếm phương án ngừng bắn cho Israel và Hamas, tiến tới kết thúc chiến tranh và trao trả tù nhân - con tin giữa hai bên.
Hai trở ngại lớn cuối cùng là bất đồng trong việc có duy trì sự hiện diện quân sự của Israel tại Hành lang Philadelphi - dải đất hẹp nằm gần ranh giới giữa Gaza và Ai Cập - hay không và chi tiết về việc trả tự do cho tù nhân người Palestine do Tel Aviv giam giữ.
Thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Israel trước thềm chuyến công tác Ai Cập khẳng định ông Blinken sẽ thảo luận nhằm hướng đến thỏa thuận "đảm bảo việc tất cả các con tin (người Israel) được thả, giảm bớt sự thống khổ cho người Palestine và thiết lập an ninh vùng rộng lớn hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận