Lực lượng IS diễu hành ở “thủ đô” Raqqa tại Syria - Ảnh: RMC |
Hồi tháng 10-2014, trong bài phát biểu tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Cohen thừa nhận: “IS vơ vét tài sản với tốc độ chưa từng thấy và nguồn thu của chúng hoàn toàn khác các tổ chức khủng bố khác”.
Dầu thô, cổ vật và thu thuế kiểu mafia
IS hiện đang quản lý các vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq có diện tích tổng cộng tương đương nước Áo với dân số 8 triệu người.
Số lượng tay súng của IS lên đến 35.000 tên. Bị chia cắt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài bởi các biện pháp cấm vận thương mại và tài chính của phương Tây, IS nuôi cỗ máy chiến tranh này như thế nào?
Theo nguồn tin tình báo Iraq và Mỹ, trong năm 2014 IS kiếm được 100 triệu USD từ tiền bán dầu thô.
Trên thực tế trước khi giá dầu giảm và khi các cơ sở dầu khí của IS ở Syria và Iraq chưa bị bom đạn Mỹ phá hủy, nhóm này kiếm được tới 50 - 90 triệu USD mỗi tháng từ buôn bán dầu thô.
Điều tra của AP cho thấy IS khai thác khoảng 30.000 thùng dầu/ngày tại các mỏ dầu ở Syria và 10.000 - 20.000 thùng/ngày từ Iraq. IS vận chuyển dầu thô bằng xe tải lớn tới biên giới Syria và Iraq.
Hành lang phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, hành lang tây bắc Iraq và hành lang đông bắc Syria đều là những cửa ngõ bọn buôn lậu hoạt động mạnh.
Từ các nhóm buôn lậu, dầu thô của IS bán đi khắp khu vực từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Libăng cho đến Jordan. Thậm chí những kẻ thù như quân đội Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay lực lượng người Kurd ở Iraq cũng trở thành khách hàng mua dầu của IS.
Tuy nhiên IS không còn quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu. Do giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh thời gian qua, IS tăng cường hoạt động bảo kê theo kiểu mafia để bù đắp nguồn thu. Và 8 triệu dân dưới chế độ của IS trở thành mồi ngon của bọn khủng bố.
Tại thành phố lớn như Mosul có 660.000 dân ở Iraq hay Raqqa với 220.000 dân ở Syria, IS đã thành lập một hệ thống bảo kê để buộc cư dân phải chi tiền “thuế” và tiền bảo kê hằng tháng.
Các nông dân và người chăn nuôi chi tiền bảo kê bằng vàng, bạc hay kim loại quý để đảm bảo được thu hoạch vụ mùa.
Các chủ doanh nghiệp phải trả khoảng 20% doanh số. Người Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số không muốn rời bỏ quê hương xứ sở, chấp nhận sống dưới chế độ IS phải đóng một phần đáng kể thu nhập để không bị hành hạ. Công nhân viên chức phải đóng 5 - 20% tiền lương.
“IS moi tiền bảo kê từ mọi thứ, từ nhiên liệu, xe cộ cho đến học phí học sinh” - Bloomberg dẫn lời bà Jennifer Fowler, phó trợ lý bộ trưởng tài chính Mỹ.
Ước tính IS kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi ngày từ bảo kê và thuế. Có nghĩa là trong năm 2014 IS kiếm được tới ít nhất 300 triệu USD từ nguồn thu này. Bloomberg mô tả hệ thống thuế và bảo kê của IS là “sự kết hợp giữa mafia và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS)”.
Buôn bán cổ vật cũng là một nguồn thu lớn của IS. Hơn 30% trong tổng số 12.000 địa điểm khảo cổ quan trọng của Iraq nằm dưới quyền kiểm soát của IS.
Chuyên gia khảo cổ Iraq Abdulamir al-Hamdani cho biết các tay súng IS cướp phá các điểm khảo cổ và di tích, lấy đi những đồ vật có giá trị nhất rồi phá hủy toàn bộ phần còn lại.
Hồi tháng 8, giới sử gia và khảo cổ quốc tế phẫn nộ khi IS nổ mìn phá hủy đền Baalshamin trong thành phố cổ Palmyra ở Syria. Nhưng thực tế các tay súng IS đã vơ vét những cổ vật quý giá trong đền để đem bán.
Ông Aymen Jawad, giám đốc tổ chức Iraq Heritage, cho biết IS bán cổ vật trên thị trường chợ đen qua đường Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Một món cổ vật Mesopotamia từ Iraq có giá lên đến hàng trăm nghìn USD.
Hồi tháng 4, một cổ vật của vua Babylon Nebuchadnezzar II niên đại 604 - 562 trước Công nguyên có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng được một người ẩn danh mua với giá 605.000 USD. Tình báo Mỹ và Iraq ước tính trong năm 2014 IS bỏ túi 100 triệu USD từ buôn bán cổ vật.
Một góc thành phố cổ Palmyra tại Syria, nơi bị IS cướp phá - Ảnh: AFP |
Vũ khí, ngân hàng và những nguồn tài trợ bí mật
Báo cáo hồi tháng 10 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết năm 2014 IS kiếm được 25 - 45 triệu USD từ hoạt động bắt cóc tống tiền. Một nguồn khoảng 40 triệu USD đến từ các nhà tài trợ nước ngoài ở vịnh Ba Tư, bao gồm Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và thậm chí cả châu Âu.
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định IS nhận tiền tài trợ từ các cá nhân cực đoan giàu có ở 40 nước. Điều tra của Newsweek cho thấy rất nhiều nhà tài trợ của IS là doanh nhân, gia đình giàu có và thành viên hoàng gia một số nước ở vịnh Ba Tư.
Chuyên gia Lori Plotkin Boghardt thuộc Viện Chính sách Cận Đông cho biết Qatar và Kuwait là hai “điểm nóng” tài trợ cho IS.
Ông cho biết IS tận dụng rất hiệu quả hệ thống ngân hàng cởi mở của hai nước này. Và chính quyền Qatar cùng Kuwait ngại đụng chạm đến các gia đình giàu có, đầy thế lực từng chuyển tiền cho IS qua các tổ chức từ thiện giả hiệu.
Một trong số đó là nghị sĩ Kuwait Mohammed Hayef al-Mutairi, người bị phát hiện chuyển tiền cho một số tổ chức có quan hệ trực tiếp với IS.
“Trấn áp các nhà tài trợ cho IS là vấn đề nhạy cảm chính trị của chính quyền các nước này” - chuyên gia Boghardt nhấn mạnh.
Một nguồn tiền khổng lồ khác của IS là từ việc chiếm các ngân hàng nhà nước ở Syria và Iraq. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính trong năm 2014 IS kiếm được tới 500 - 800 triệu USD từ phương thức này.
Tháng 6-2014, quân đội Iraq thu giữ được hơn 160 ổ cứng máy vi tính từ nhà một thành viên của ISIL gần thành phố Mosul. Thông tin từ đây cho biết khi chiếm thành phố Mosul ở Iraq, IS cướp đi 425 triệu USD từ Ngân hàng trung ương Mosul.
Nhưng nguy hiểm nhất là theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, IS sau khi đánh đổ nhiều thành phố ở Syria và Iraq đã thu giữ được vô số vũ khí của quân đội hai nước này.
Tổng giá trị số vũ khí này có thể lên đến 20 - 50 tỉ USD. Chỉ riêng số vũ khí IS lấy được ở Mosul đã bao gồm nhiều xe tăng T-55 do Nga sản xuất, xe tăng M-1 Abram, xe bọc thép, pháo cối, xe tải quân sự...
Cộng tất cả đất đai, tài nguyên, di sản, các ngành công nghiệp... Hãng Thompson Reuters cho rằng tổng tài sản của IS vượt trên 2.000 tỉ USD.
Theo báo cáo của Tổ chức RAND Corporation, IS chi 3 - 10 triệu USD mỗi tháng cho lương thưởng dành cho các tay súng của chúng. Ước tính mỗi tay súng IS nhận mức lương 300 - 600 USD/tháng. IS còn đầu tư vào các tổ chức cảnh sát, tòa án, truyền thông... trong vùng lãnh thổ chúng chiếm đóng. Tuy nhiên IS tránh đầu tư vào hạ tầng vì hạ tầng có thể bị bom đạn phương Tây dễ dàng phá hủy. Nhờ trả mức lương thấp, lại cướp được thiết bị quân sự, đất đai, hạ tầng nên chi phí của IS không lớn. Và kể cả khi bị mất một số vùng lãnh thổ như thành phố Tikrit hay Sinjar ở Iraq thì IS vẫn thừa sức mở các cuộc tấn công lớn ở nhiều vùng tại Iraq và Syria. |
__________
Các kỳ trước
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
__________
Kỳ tới: Tiêu diệt IS: chẳng đi đến đâu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận