Quân đội chính phủ tấn công vào một trong những thành trì cuối cùng của IS tại TP Sert, Libya - Ảnh: Reuters |
Quân đội đang giải quyết một vài ổ kháng cự cuối cùng còn lại tại đường phố Giza ở ven biển thành phố này.
Chiến dịch đánh chiếm thành trì lớn nhất của IS tại Sert đã bắt đầu từ giữa tháng 5 năm nay. Chiến dịch này được phát động sau khi ra đời “chính phủ hòa hợp Libya” do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ.
Sự phức tạp đa chiều
Lực lượng quân sự thực hiện chiến dịch này được gọi là “quân đội của chính phủ hòa hợp” chỉ mới “ra đời”, nhưng được sự hỗ trợ hỏa lực không quân của Mỹ và sự trợ giúp tại chỗ của một số quân nhân đặc nhiệm đến từ Mỹ, Anh, Ý. Chỉ trong tháng đầu tiên của chiến dịch, quân chính phủ đã hầu như chiếm gần hết thành phố.
Thực tế chiến trường cho thấy lực lượng IS tại Sert chỉ khoảng 2.000 tay súng, không đông đảo như đánh giá ban đầu của Mỹ và đồng minh phương Tây. Nhưng những tháng sau đó chiến dịch tiến triển rất chậm chạp.
Nguyên nhân chủ yếu không phải từ sự chống trả theo kiểu “tử thủ” của IS, mà do sự phức tạp đa chiều của môi trường chính trị Libya cản trở rất nhiều các nỗ lực tập trung lực lượng đánh IS.
Nhờ thời gian chiến dịch kéo dài quá mức nên IS đã có điều kiện thuận lợi để phân tán lực lượng về phía nam Libya.
Chính phủ hòa hợp là thành quả của những nỗ lực cấp tập do LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với cuộc khủng hoảng chính trị rất phức tạp tại Libya. Chính phủ này ra đời từ đầu năm 2016, nhưng phải lưu vong đến cuối tháng 4 mới được LHQ áp đặt cho trở về thủ đô Tripoli.
Nhằm tập trung lực lượng đánh IS, LHQ, Mỹ và EU đã hợp pháp hóa cho chính phủ hòa hợp bằng cả nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó tuyên bố đây là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Libya.
Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện của chính phủ hòa hợp, tại Libya vẫn tồn tại hai chính quyền khác, có thực quyền tại chỗ ở miền đông và miền tây Libya. Hai chính quyền “bất hợp pháp” này đã tồn tại từ tháng 8-2014 đến nay.
Họ đối đầu nhau căng thẳng, bất chấp mọi nỗ lực dung hòa từ các phía bên ngoài. Chính quyền miền tây, là tập hợp các nhóm dân binh có khuynh hướng Hồi giáo nguyên gốc, đã kiểm soát thủ đô Tripoli và các thành phố lớn khác ở miền tây Libya sau khi chế độ của lãnh tụ Muammar Gaddafi bị xóa sổ.
Còn chính quyền miền đông là đại diện cho các nhóm chính trị - vũ trang có khuynh hướng thế tục và Hồi giáo ôn hòa. Miền đông lại có lực lượng vũ trang riêng, xưng danh là “quân đội quốc gia Libya”.
Đây là tập hợp của nhiều cựu quân nhân quân đội Libya thời Gaddafi, do tướng Khalifa Haftar đứng đầu. Chính quyền miền đông được hậu thuẫn của Ai Cập, UAE và Saudi Arabia. Còn chính quyền miền tây thì có Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar trợ giúp.
Trong khi chính phủ hòa hợp đánh IS ở Sert theo kế hoạch của Mỹ và phương Tây, thì “quân đội quốc gia” của tướng Hafta’r tập trung đánh các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al-Qaeda ở thành phố Bengazi - thủ phủ miền đông.
Còn các nhóm vũ trang Hồi giáo chia nhau cát cứ Tripoli thì lại vừa xung đột chí tử suốt mấy ngày qua vì tranh giành quyền “bá chủ” thủ đô!
Gian nan thời “hậu IS”
Đánh bại IS và kiểm soát hoàn toàn thành phố Sert là một thắng lợi của LHQ, Mỹ, EU và chính phủ hòa hợp do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu. Nhưng giai đoạn “hậu IS” ở Sert không hề đơn giản đối với cả Libya và các bên liên quan.
“Quân đội của chính phủ hòa hợp” thực chất là nhóm vũ trang Hồi giáo nguyên gốc đang kiểm soát thành phố Misrata - thành phố lớn ven biển nằm trên đường nối thủ đô Tripoli với Sert. Lực lượng Misrata này đã tình nguyện trở thành “quân đội” của chính phủ Sarraj để được sự trợ giúp quân sự của Mỹ và phương Tây.
Đánh bại IS ở Sert đồng nghĩa với việc nhóm Misrata mở rộng “lãnh địa” của họ sang phía đông và trở thành một thế lực tranh chấp mạnh mẽ với cả hai “chính quyền” đang tồn tại ở miền tây và miền đông.
Mỹ và phương Tây đã ủng hộ và hỗ trợ chính phủ hòa hợp đánh IS ở Sert, nhưng tới đây sẽ ứng xử ra sao với lực lượng Misrata khi Mỹ và phương Tây không hề muốn bảo trợ cho một thế lực Hồi giáo ở Libya?...
Libya thời “hậu IS” có thể là một điển hình để theo dõi diễn biến của các kế hoạch mà Mỹ và phương Tây chủ trương đánh IS ở Mosul (Iraq) hiện nay và Raqqa (Syria) sắp tới.
IS có thể sắp bị xóa sổ tại tất cả các thành trì mà chúng đã dựng lên từ tháng 7-2014 đến nay, nhưng như thế không có nghĩa là IS bị tiêu diệt tại các quốc gia mà tổ chức khủng bố này đã tồn tại.
Nghiêm trọng hơn nữa, khi IS không còn là tâm điểm nữa, thì những tranh chấp khôn lường giữa các thế lực đối nghịch lẫn nhau rất đa chiều tại các quốc gia này sẽ nổi lên trên bình diện.
Thậm chí, kịch bản chia cắt theo những mức độ khác nhau là khó tránh khỏi ở cả Libya, Syria và Iraq.
Vẫn còn nhiều việc để làm Căn cứ của IS ở Sert đã bị xóa sổ, nhưng IS thì không hề bị tiêu diệt tại Libya mà còn tồn tại không thể xem thường tại đất nước này, cùng nhiều khu vực khác ở các quốc gia lân cận. Mặt khác, thành trì của IS bị xóa sổ ở Libya, nhưng đất nước này vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng hỗn tạp như “một quốc gia thất bại” kể từ khi chế độ Gaddafi bị xóa sổ từ tháng 10-2011. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận