25/09/2014 15:08 GMT+7

IS buôn bán và cưỡng hiếp hàng nghìn phụ nữ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Theo  BBC ngày 24-9, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang giam giữ ít nhất 3.000 phụ nữ và trẻ em người thiểu số Yazidi ở Iraq. Họ trở thành mặt hàng buôn bán và đồ chơi tình dục của các tay súng cực đoan.

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang giam giữ ít nhất 3.000 phụ nữ và trẻ em - Ảnh: BBC

BBC cho biết kể từ tháng 8, hàng chục nghìn người Yazidi đã phải trốn chạy khi lực lượng IS tấn công khu vực núi Sinjar. Rất nhiều người đã phải đến sống tạm trong các trại tị nạn, những tòa nhà đang xây dở hay thậm chí dưới chân cầu ở khu vực của người Kurd ở phía bắc Iraq.

Tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn người khác bị mắc kẹt tại núi Sinjar. Các tổ chức nhân quyền ở Iraq cho biết phiến quân IS đang giam giữ ít nhất 4.500 người Yazidi. Trong số đó có 3.000 phụ nữ và trẻ em. Các cô gái trở thành “chiến lợi phẩm” của phiến quân IS.

Bị tra tấn và cưỡng hiếp

Chỉ một số ít người trốn thoát. Cô Adla hội ngộ với chồng tại một trại tị nạn ở thị trấn Zakho. Cô và những người khác bị bắt ở làng mình và bị IS giam giữ trong 38 ngày. “Đầu tiên tôi bị đưa đến một tòa nhà lớn ở thành phố Mosul. Ở đó đầy phụ nữ” - cô Adla buồn bã kể.

"Các cô gái bị bọn chúng nắm tóc kéo ra ngoài. Nhiều cô gái bị đánh đập và bị cưỡng hiếp tàn bạo. Thậm chí có những phụ nữ đi cùng con nhỏ, bị dí súng vào đầu và buộc phải xa rời con"

“Mọi cửa sổ và cửa ra vào đều bị khóa chặt. Lính gác đứng bên ngoài 24/24. Hàng ngày bọn chúng đến chọn lựa từng người trong số chúng tôi. Các cô gái bị bọn chúng nắm tóc kéo ra ngoài”. Chính mắt Adla chứng kiến nhiều cô gái bị đánh đập và bị cưỡng hiếp tàn bạo.

Thậm chí có những phụ nữ đi cùng con nhỏ, bị dí súng vào đầu và buộc phải xa rời con. Adla không bị cưỡng hiếp do cô có thai.

“Một ngày chúng tôi quyết định phải bỏ trốn. Kể cả nếu chúng có bắt lại và giết chúng tôi thì chúng tôi thà chết còn hơn” - Adla kể.

Nhà hoạt động vì người thiểu số Iraq Khidher Domle đang mở chiến dịch thu thập thông tin về các địa điểm phiến quân IS giam giữ phụ nữ Yazidi. “Tình hình hiện tại là vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt ở Mosul và Tal Afar - ông bức xúc - Đáng buồn là cộng đồng quốc tế không điều tra thảm họa này. Họ không tin rằng IS bắt cóc nhiều phụ nữ đến thế”.

Chuyên gia Domle cho biết phiến quân IS tập trung tấn công người Yazidi không chỉ vì muốn kiểm soát những vùng đất họ sinh sống mà bởi những kẻ cực đoan Hồi giáo Sunni này tin rằng người Yazidi là những kẻ vô đạo và báng bổ.

“Chúng cho rằng người Yazidi không có quyền gì cả và không có chỗ trong một nhà nước Hồi giáo do chúng tạo dựng. Phụ nữ Yazidi không chịu cải sang đạo Hồi trở thành nô lệ tình dục và thành những món hàng trao qua đổi lại” - chuyên gia Domle giải thích.

Mua bán cả bé gái chín tuổi

Cô Adla - người may mắn trốn thoát - kể lại thảm kịch - ẢNh: BBC

Một cô gái trẻ người Yazidi, mới ngoài 20 tuổi, kể lại cho phóng viên BBC nghe về quãng thời gian khủng khiếp khi bị phiến quân IS giam giữ và tra tấn. “Chúng đánh đập chúng tôi bằng dây thép, bỏ đói chúng tôi và bắt chúng tôi lau mặt bằng xăng” - cô gái này đau đớn nói.

“Chúng cưỡng hiếp một người bạn của tôi và cô ấy cắt gân tay tự sát. Hai người khác treo cổ trên quạt trần”. Cô gái này trốn thoát khi căn cứ của IS ở Iraq bị không kích và lang thang suốt ba ngày trước khi tìm được một nơi trú ẩn an toàn.

Dù đã tự do, cô luôn khắc khoải lo lắng cho những người còn bị giam giữ. “Chúng bán các cô gái cho tất cả những ai muốn mua, thậm chí cả những bé gái mới chín tuổi. Có những gã đàn ông mua một lúc hai, ba, thậm chí năm cô gái”. Dì của cô gái này có hai con gái nhỏ đang mất tích. “Đó là một thảm họa - bà khóc - Chúng cướp đi con gái của chúng tôi:.

Bà Vian Dakheel là nghị sĩ Iraq người gốc Yazidi duy nhất trong Quốc hội Iraq. Hiện căn nhà của bà ở Irbil đang chở che cho 30 người họ hàng mất nhà cửa. Bà Dakheel cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây có thể sẽ giúp giải phóng người Yazidi.

“Chúng tôi là người thiểu số nên không có sự hỗ trợ mạnh mẽ. Chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ các nước quan tâm đến nhân quyền và nhân đạo” - bà Dakheel kêu gọi. Nhưng với gia đình của các cô gái mất tích, thời gian dành cho họ không còn nhiều.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên