Thống kê sơ bộ của Ủy ban chính phủ về quyền con người Iraq công bố ngày 5-10 đã khiến nhiều người rùng mình: gần 100 người thiệt mạng (trong đó có 6 cảnh sát) và 4.000 người bị thương chỉ qua 5 ngày biểu tình từ đầu tháng 10. Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô Baghdad vào tối 2-10 trong bối cảnh xảy ra các cuộc biểu tình ở thủ đô cũng như nhiều thành phố khác của nước này dẫn tới đụng độ gây thương vong - Ảnh: REUTERS
Các cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố của Iraq từ ngày 1-10 phản đối tình trạng tham nhũng và những khó khăn kinh tế. Tình hình diễn biến căng thẳng khi bùng phát bạo lực trong các cuộc biểu tình. Iraq tạm ra khỏi các rối loạn mới được chưa đầy hai năm sau gần bốn thập kỷ chiến tranh liên miên. Tình trạng thiếu điện và nước xảy ra thường xuyên - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình gây cháy ở một điểm gác của lực lượng an ninh gần quảng trường Tahrir (Tự do) ở trung tâm thủ đô Baghdad. Ngay từ ngày đầu tiên biểu tình, các hành động bạo lực đã xảy ra. Bộ Quốc phòng Iraq xác nhận hiện toàn bộ các đơn vị quân đội đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Các lực lượng an ninh đã phong tỏa một số con đường tại thủ đô Baghdad, trong đó có cây cầu dẫn tới Vùng Xanh - nơi có nhiều tòa nhà chính phủ và đại sứ quán nước ngoài - Ảnh: REUTERS
Trước diễn biến căng thẳng, Thủ tướng Mahdi đã triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp. Sau cuộc họp, hội đồng an ninh đã ra tuyên bố, trong đó khẳng định người dân có quyền biểu tình và tự do bày tỏ ý kiến, song lên án các hành vi phá hoại. Lực lượng an ninh đã thực hiện những biện pháp chống bạo động mạnh mẽ như xịt vòi rồng, ném lựu đạn khói... - Ảnh: REUTERS
Đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Baghdad, Iraq ngày 2-10-2019. Những cuộc biểu tình đang diễn ra là chưa từng có tiền lệ tại Iraq. Bà Marta Hurtado - phát ngôn viên Cơ quan nhân quyền LHQ - cho biết: "Bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện hành". Bà nhấn mạnh chỉ có thể sử dụng súng như là "biện pháp cuối cùng để bảo vệ chống lại mối đe dọa có thể dẫn đến cái chết hoặc bị thương nghiêm trọng" - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-10, Đại giáo chủ Ali al-Sistan của dòng Hồi giáo Shiite ở Iraq đã kêu các lực lượng an ninh và người biểu tình không sử dụng bạo lực, đồng thời chỉ trích giới lãnh đạo Iraq đã không xóa sổ được nạn tham nhũng. Tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng đã kêu gọi Chính phủ Iraq điều tra "kịp thời, độc lập và minh bạch" về việc hàng chục người đã thiệt mạng khi cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-10, giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Muqtada al-Sadr - một lãnh đạo tôn giáo nhiều ảnh hưởng ở Iraq, đã lên tiếng kêu gọi liên minh chính trị Sairoon do ông lãnh đạo tạm ngừng các hoạt động của nhóm này ở Quốc hội Iraq cho đến khi chính phủ nước này đáp ứng các yêu sách của người biểu tình. Liên minh Sairoon hiện đang chiếm đa số ghế tại Quốc hội Iraq. Giáo sĩ Sadr cho rằng cần phải đình chỉ hoạt động ở Quốc hội một cách nhanh chóng và không thể chậm trễ. Giáo sĩ Sadr đã yêu cầu các nghị sĩ thuộc liên minh do ông đứng đầu không tham dự bất kỳ phiên họp Quốc hội nào cho đến khi chính phủ công bố chương trình cải cách mà được nhân dân chấp nhận - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình đưa ra những vỏ đạn được cho là của cảnh sát bắn đi ở thủ đô Baghdad. Nhưng trong số 100 người thiệt mạng có ít nhất 6 cảnh sát. Lực lượng an ninh Iraq cho rằng nhiều tay súng đã trà trộn vào dòng người biểu tình để bắn cảnh sát - Ảnh: REUTERS
Truyền thông Trung Đông đưa tin Liên đoàn Ả Rập (AL) đã lên tiếng kêu gọi đối thoại để giải quyết những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ở Iraq trong suốt mấy ngày vừa qua khiến nhiều người thương vong. Trong một tuyên bố ngày 5-10, AL nêu rõ: “Chúng tôi mong muốn chứng kiến Chính phủ Iraq tiến hành tất cả các biện pháp để làm dịu tình hình và khởi xướng cuộc đối thoại nghiêm túc và thực chất nhăm giải quyết những nguyên nhân dẫn đến biểu tình” - Ảnh: REUTERS
Trước thực tế khó khăn ở Iraq, người biểu tình, đa số là thanh niên, đã xuống đường từ hôm 1-10 để yêu cầu chính quyền cải cách kinh tế, giải quyết việc làm và cải thiện dịch vụ công cơ bản như điện, nước và chấm dứt tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực gây nhiều thương vong. Chính quyền Iraq đã ban hành lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad và ngừng cung cấp dịch vụ Internet ở hầu hết các địa phương - Ảnh: REUTERS
Hai người biểu tình vẫn ra đường ngày 3-10 khi lệnh giới nghiêm còn hiệu lực. Ngày 5-10, Chính phủ Iraq đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào ban ngày ở thủ đô Baghdad, song vẫn phong tỏa những tuyến đường dẫn tới các quảng trường lớn do lo ngại xảy ra thêm các cuộc biểu tình bạo lực. Cảnh sát chống bạo loạn đã phong tỏa hoạt động đi lại từ quảng trường Tahrir (Tự do) tới các điểm tụ tập khác ở thủ đô - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình xuống đường tận đêm. Trước những diễn biến biểu tình phức tạp ở Iraq, Kuwait và Bahrain cùng ngày cũng đã khuyến cáo các công dân của mình nên tránh đến Iraq vào thời điểm này và những người đang ở Iraq thì cần rời khỏi nước này ngay lập tức - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận