26/09/2014 09:47 GMT+7

Iraq cảnh báo IS sắp tấn công Mỹ và Pháp

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 26-9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tiết lộ tình báo nước này nắm được thông tin phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) có kế hoạch tấn công hệ thống tàu điện ngầm ở Mỹ và Pháp.

Cảnh sát New York tuần tra tại nhà ga tàu điện ngầm quảng trường Thời Đại - Ảnh: Reuters
Cảnh sát New York tuần tra tại nhà ga tàu điện ngầm quảng trường Thời Đại - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Thủ tướng al-Abadi cho biết một số tay súng IS bị bắt giữ tại Iraq khai nhóm khủng bố này đang lập kế hoạch đánh bom tại các nhà ga tàu điện ngầm ở Paris và một số thành phố tại Mỹ. Một nhóm tay súng IS ở Iraq đang theo đuổi việc thực hiện mưu đồ này.

“Tôi đã hỏi thêm nhiều thông tin và chi tiết, về các thành phố có thể bị tấn công, về thời gian xảy ra. Từ đó có thể thấy mối đe dọa này là có thực” - ông al-Abadi nói bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ).

Ông al-Abadi nhấn mạnh bọn khủng bố IS “có một mạng lưới quốc tế khổng lồ”. “Đừng đánh giá thấp chúng” - ông nhắc nhở.

Ông al-Abadi không tiết lộ gì thêm, nhưng một quan chức cấp cao Iraq cho biết các cơ quan tình báo nước này đã chia sẻ thông tin về kế hoạch tấn công trên cho các nước liên minh chống IS. Phản ứng lại, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết Washington chưa xác định một mối đe dọa khủng bố nào.

“Chúng tôi rất coi trọng bất kỳ thông tin nào phía Iraq chia sẻ” - ông Rhodes khẳng định. Một số cơ quan an ninh Pháp cũng cho biết chưa nhận được thông tin mà chính quyền Baghdad công bố.

Trong khi đó, Thị trưởng New York Bill de Blasio và Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đều tuyên bố thành phố này sẽ không sợ hãi trước mối đe dọa khủng bố. “Chúng tôi tin rằng người dân New York hoàn toàn an toàn” - ông Blasio nhấn mạnh.

Ông Bill Bratton, lãnh đạo Sở Cảnh sát New York, cho biết nhà chức trách đã triển khai thêm an ninh giám sát các ga tàu điện ngầm và nhiều con đường trong thành phố. Cảnh sát New York cũng đã ở trong tình trạng báo động cao vì cuộc họp của LHQ.

Tại Los Angeles, nhà chức trách thông báo đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền liên bang để giám sát tình hình và kêu gọi người dân cảnh giác.

Hôm qua, chính phủ Pháp cũng đã ra lệnh tăng cường tuần tra tại các trung tâm giao thông và địa điểm công cộng do lo ngại nguy cơ khủng bố IS, đặc biệt sau vụ một du khách Pháp bị phiến quân Hồi giáo ở Algeria sát hại.

IS hành quyết một nhà hoạt động nhân quyền

Theo báo Huffington Post, hôm qua 25-9 phái đoàn Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Iraq thông báo phiến quân IS đã hành quyết công khai một luật sư nhân quyền ở thành phố Mosul với tội “từ bỏ đạo Hồi”. 

Bà Samira Salih al-Nuaimi bị bắt giữ hồi tuần trước ngay tại nhà. Bà bị tra tấn liên tục trong năm ngày trước khi bị hành quyết. “IS tiếp tục thể hiện bản chất thù hận, thú tính và vô chính phủ” - Đại sứ LHQ tại Iraq Nickolay Mladenov mô tả. 

 

 

IS kích động chủ nghĩa cực đoan ở Đông Nam Á

Vụ tổ chức khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines đe dọa giết hai con tin Đức để thể hiện sự ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) cho thấy chủ nghĩa cực đoan Trung Đông đang bùng lên tại Đông Nam Á và trở thành một nguy cơ lớn.

Giáo sĩ cực đoan Abu Bakar Bashir, kẻ kêu gọi khủng bố Indonesia trung thành với IS - Ảnh: Zuma Press

Theo Viện Chính sách phân tích xung đột (IPAC) ở Indonesia, một số nguồn tin an ninh tiết lộ thậm chí các tay súng Indonesia và Malaysia đã thảo luận kế hoạch lập đơn vị nói tiếng Malay trong hàng ngũ IS. 

Theo Reuters, đơn vị này gồm 100 tay súng và mục tiêu tối hậu của chúng là lập chi nhánh của IS ở Đông Nam Á. Trên các trang mạng xã hội, hàng nghìn người từ Đông Nam Á đã thề trung thành với IS.

Giới chuyên gia nhận định đây sẽ là mối đe dọa lớn đối với khu vực, đặc biệt khi các tay súng Đông Nam Á rời Trung Đông trở về quê nhà với đôi bàn tay đẫm máu và tư duy ngày càng cực đoan.

Mới đây nhóm Abu Sayyaf lên tiếng đe dọa sát hại hai con tin người Đức nếu chính quyền Berlin không ngừng việc ủng hộ chiến dịch chống IS do Mỹ phát động. Abu Sayyaf đã suy yếu trong 10 năm qua. Chính quyền Philippines ước tính hiện nhóm này chỉ còn 300 tay súng hoạt động ở các đảo phía nam nước này.

Manila đánh giá Abu Sayyaf không có mối liên hệ trực tiếp nào với IS ngoài việc thề trung thành với tổ chức khủng bố này trong một video tung lên trang chia sẻ video Youtube. Trên thực tế, đây chỉ là một động thái của Abu Sayyaf nhằm quảng bá “thương hiệu”.

“Đây là cách để Abu Sayyaf lấy lại uy tín, bởi hiện tại nhóm này đang tụt dốc” - ông Ramon Zagala, người phát ngôn quân đội Philippines, cho biết. Nhiều khả năng hai con tin Đức đang bị giam giữ ở đảo Jojo. Băng nhóm của ông trùm cụt tay Radullah Sahiron còn bắt giam một người Thụy Sĩ, một người Hà Lan và một người Nhật.

Ở Indonesia, Viện Chính sách phân tích xung đột (IPAC) cảnh báo các tay súng Hồi giáo bày tỏ lòng trung thành với IS có thể trở thành mối đe dọa với người nước ngoài tại đây. Trong thời gian qua, hàng loạt giáo sĩ và tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Indonesia đã thề ủng hộ IS.

Hồi tháng 7, giáo sĩ Indonesia Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh tinh thần của tổ chức Jemaah Islamiyah đã thực hiện các vụ đánh bom tại Bali năm 2002 và 2004, đã kêu gọi người Hồi giáo Indonesia ủng hộ IS. Trong vài tháng qua, trên Youtube liên tục xuất hiện các đoạn video kêu gọi người Indonesia sang Trung Đông gia nhập IS.

Tại Malaysia, tháng trước chính quyền đã ngăn chặn một kế hoạch tấn công nhà máy hãng bia Carlsberg gần thủ đô Kuala Lumpur. Ít nhất 19 kẻ tham gia thực hiện vụ tấn công đã thề trung thành với IS. Trước đó nhà chức trách cũng đã điều tra thông tin 15 công dân Malaysia thiệt mạng khi chiến đấu cho IS ở Syria.

IPAC kêu gọi các nước khu vực hợp tác với phương Tây để chia sẻ thông tin tình báo và ngăn chặn những vụ tấn công tương tự như vụ đánh bom ở Bali.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên