10/08/2009 07:39 GMT+7

Iran xử nhân viên đại sứ quán Anh, Pháp

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Chính phủ hai nước Anh và Pháp đã tỏ ra giận dữ khi tòa án Iran xét xử một nữ giáo viên Pháp và hai nhân viên Iran làm việc trong Đại sứ quán Anh và Pháp tại Tehran về tội tham gia bạo động sau bầu cử. Hãng tin nhà nước IRNA của Iran cho biết ngày 8-8 tại Tòa án cách mạng Tehran, ba bị cáo này đều đã “nhận tội”.

418L1rqe.jpgPhóng to
Giáo viên người Pháp Clotilde Reiss thừa nhận “sai lầm” trước tòa - Ảnh: Reuters

Theo IRNA, cô Nazak Afshar, nhân viên Đại sứ quán Pháp, đã khóc thảm thiết khi nhận tội và cho biết “những người anh em tại Bộ Tình báo đã giúp tôi nhận ra sai lầm của mình”. Ông Hossein Rassam, chuyên gia phân tích chính trị Đại sứ quán Anh, khai Chính phủ Anh đã kích động bạo lực và cho biết phía Anh đã cấp ngân sách 500.000 USD để ông lập quan hệ với các tổ chức chính trị ở Iran, trong đó có tổ chức của nhà lãnh đạo đối lập Mir Hossein Mousavi. “Nhiệm vụ của tôi là thu thập tin tức từ Tehran và các thành phố khác rồi gửi báo cáo cho London” - IRNA dẫn lời ông Rassam khai.

Còn cô giáo người Pháp Clotilde Reiss, 24 tuổi, làm việc tại một trường đại học ở Tehran, thừa nhận đã “sai lầm” khi tham gia biểu tình. “Tôi có động cơ cá nhân khi tham gia cuộc biểu tình... Tôi đã sai lầm và lẽ ra không nên làm như vậy” - IRNA dẫn lời cô Reiss khai. Ông Rassam bị buộc tội “do thám cho nước ngoài”, còn cô Reiss bị buộc tội “hành động chống lại an ninh quốc gia Iran”. Trong phiên tòa, công tố viên cũng đọc bản cáo trạng tố cáo Anh và Mỹ kích động bạo loạn nhằm mục tiêu lật đổ chế độ Hồi giáo Iran thông qua một “cuộc lật đổ mềm”. Theo cáo trạng này, Anh và Mỹ thường xuyên cung cấp tài chính cho phe đối lập Iran để chống lại lực lượng cầm quyền.

Liên minh châu Âu (EU), Pháp, và Anh - như AP cho biết - đã gọi phiên tòa này là một “vở kịch” mà chính quyền Tehran dựng lên bằng thủ đoạn bức cung các bị cáo. Chủ tịch EU tuyên bố phiên tòa này là hành động chống lại toàn thể EU. London và Paris yêu cầu Tehran thả các bị cáo ngay lập tức. Giới quan sát cho rằng đây tiếp tục là chiêu mà Tehran sử dụng để chứng minh với người dân rằng nguyên nhân bạo động là do can thiệp của phương Tây chứ không phải do những bất ổn, chia rẽ bên trong xã hội.

Trong khi đó, Qorbanali Dori-Najafabadi - người đứng đầu Tòa án hành chính tối cao Iran - thừa nhận nhiều người biểu tình Iran đã bị tra tấn trong các nhà tù. IRNA dẫn lời ông cho biết đã có “một số trường hợp đau lòng không thể biện minh xảy ra và những kẻ có liên quan cần phải bị trừng trị”. Ông nhắc đến “trường hợp Kahrizak” - vụ vài người biểu tình bị tra tấn đến chết ở nhà tù Kahrizak phía tây nam Tehran.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên