TTCT - Trong cuộc chiến với Israel, Iran cần tiền. Không chỉ để mua vũ khí và duy trì kinh tế, mà còn để trang bị cho các nhóm vũ trang như Hamas và Hezbollah. Rất nhiều người nghĩ sau nhiều năm cấm vận, Iran sẽ rất khó khăn. Ảnh: jissNhưng điều tra của Economist cho thấy hằng năm Iran vẫn bán được hàng chục tỉ USD tiền dầu thô và chuyển đi các tài khoản trên khắp thế giới. Tờ báo Anh cho rằng nguồn lực này được Hamas dùng để tấn công Israel năm ngoái, tài trợ cho drone Nga sử dụng ở Ukraine và chương trình hạt nhân của Tehran.Hệ thống tài chính ngầm hiệu quảSáu năm trước, khi chính quyền Trump tái áp lệnh cấm vận, xuất khẩu dầu thô của Iran sụp đổ. Nhưng từ đó tới nay, xuất khẩu dầu thô của nước này đã tăng khoảng 12 lần, lên 1,8 triệu thùng/ngày vào tháng 9. Năm ngoái, doanh thu dầu mỏ đem lại khoảng 35-50 tỉ USD, xuất khẩu mảng hàng hóa dầu khác thu thêm được khoảng 15-20 tỉ USD cho Iran. Buôn lậu dầu với hàng trăm tàu chở dầu vốn đã rất khó. Rửa tiền và chuyển được hàng chục tỉ USD qua hệ thống ngân hàng toàn cầu còn khó hơn. Vậy mà Iran vẫn làm được.Tờ Economist đã tiếp cận một loạt nhân vật hiểu rõ hệ thống dầu mỏ của Iran và kiểm tra thông tin qua các nguồn chuyên gia và kênh nội bộ. Điều tra cho thấy Iran xây dựng được hệ thống kênh tài chính ngầm hiệu quả, đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ chuyển được tới các tài khoản của nước này trên toàn cầu.Trung Quốc, khách hàng chính của Iran, được cho là đã hỗ trợ nhiều cho nỗ lực này. Các ngân hàng toàn cầu và trung tâm tài chính khác được dùng làm điểm trung gian. Một nguồn tin có hiểu biết về ngân sách Iran nói tính tới tháng 7, nước này có các tài khoản gồm 53 tỉ USD, 17 tỉ euro và các tài khoản nhỏ hơn bằng các ngoại tệ khác nằm rải rác ở nhiều nước.Dù việc áp lệnh cấm vận suy yếu trong mấy năm gần đây, Iran hiện chịu lệnh cấm vận sâu rộng nhất mà Mỹ từng áp dụng với một quốc gia. Nhằm ép Iran dừng chương trình làm giàu hạt nhân và tài trợ phiến quân, lệnh cấm vận nhắm vào một loạt hoạt động kinh tế cũng như chính phủ.Về lý thuyết, các nước khác không tuân thủ lệnh cấm vận này vẫn có thể giao thương với Tehran. Nhưng trên thực tế ít nước công khai làm như vậy, vì Mỹ không chỉ cấm công ty nước họ giao thương với Iran, mà còn cấm những pháp nhân giao thương với Tehran làm ăn ở Mỹ. Điều này khiến trên lý thuyết, Iran rất khó nhận hay chuyển đồng USD, vì mỗi giao dịch như vậy trên toàn cầu đều cần các ngân hàng Mỹ xét duyệt.Ảnh: Reuters"Các lãnh chúa được chia bánh"Nhưng điều tra cho thấy nhờ việc triển khai lệnh cấm vận lỏng lẻo, cộng với quyết tâm và hỗ trợ từ các đối tác đủ lòng tham, một nước dù bị cấm vận toàn cầu vẫn có thể lách được, ở quy mô rất lớn. Nhiều chiến thuật của Iran bán hàng và rửa tiền qua các doanh nghiệp bình phong, nhiều khi là qua hoạt động có vẻ hợp pháp.Hầu hết các nước dầu mỏ lớn sẽ xuất khẩu qua tập đoàn dầu khí quốc gia, nhưng Iran thì khác. Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) độc quyền về sản xuất, còn công ty con của NIOC ở Thụy Sĩ, công ty giao thương Naftiran (NICO) lại đóng vai trò bán dầu ra bên ngoài. Phần lớn dầu mỏ còn lại được phân bổ về các bộ, cơ sở tôn giáo và thậm chí là các quỹ lương hưu. "Rất giống thời Trung cổ - một cựu quan chức Mỹ nói - Các lãnh chúa được chia bánh từng phần của vương quốc".Ở đất nước thiếu ngoại tệ, dầu thô là một dạng tiền. Ngân sách Iran năm ngoái cho phép lực lượng vũ trang bán lượng dầu trị giá 4,9 tỉ USD. Phân bổ cũng chia cho các nhóm trung thành: năm 2022, các cá nhân được chính quyền "quan tâm" được chia tổng lượng dầu trị giá 3,6 tỉ USD. Lực lượng Vệ binh cộng hòa (IRGC) cũng nhận lượng dầu lớn. Cựu quan chức Iran nói lực lượng Quds, nhánh quân sự quốc tế của IRGC, kiếm được 12 tỉ USD từ bán dầu năm 2022.Mỗi tổ chức lại có kênh bán hàng riêng, dù NICO và IRGC cũng thường cho các bên khác mượn dịch vụ của mình. Đôi khi, một công ty bình phong sẽ sắp xếp tất cả. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Công ty Sahara Thunder ở Iran chủ yếu bán dầu cho lực lượng vũ trang, dù bình phong bên ngoài là công ty thương mại tư nhân. Iran còn thường xuyên thuê bên thứ ba ở nước ngoài bán cho mình, ví dụ như qua Công ty ASB ở Thổ Nhĩ Kỳ.Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 9-10-2024. Ảnh: ReutersĐường đi của dầuĐể làm vậy, Iran luôn đòi hỏi các biện pháp bảo đảm. Ví dụ như Baslam, công ty con của ASB, phải chuyển 51% cổ phần cho lực lượng Quds. Nhiệm vụ của người bán trước hết là kiếm người mua. Dù Trung Quốc mua khoảng 95% dầu thô của Iran, các tập đoàn nhà nước của đại lục không muốn đụng vào dầu do sợ cấm vận. Nên 3-4 công ty bình phong của Iran phải khảo sát thị trường. Tài liệu từ một nguồn cho thấy Litamos và Haosi từng làm nhiệm vụ này cho tới năm 2021 (khi bị giải thể). Trung Quốc cũng có các môi giới của mình, những người giúp kiếm các nhà máy lọc dầu xử lý dầu thô của Iran. Hầu hết là các nhà máy nhỏ, độc lập, còn được gọi là "bình trà".Khi kiếm được người mua, các bên sẽ ký thỏa thuận chính thức, thường là giữa hai công ty bình phong. Do số tiền lớn, mỗi chuyến tàu có thể lên tới 50-100 triệu USD, giấy tờ phải thông tin rất chi tiết từ việc vận hành thử, thời gian giám sát lẫn quy mô các chuyến tàu tương lai. Giá thường sẽ lấy theo giá biển Brent giảm đi khoảng 10-30 USD/thùng. Các đồng tiền được chấp nhận là USD, hoặc một số trường hợp là euro, dirham của UAE, hay yen Nhật. Hợp đồng dù vậy thường không nêu rõ nguồn dầu, hoặc thường sẽ ghi đại là từ Iraq, Malaysia hoặc Oman. Nguồn gốc thật của dầu được ghi trong thư mật gửi riêng, với các chữ viết hoa: dầu IRAN.Một nguồn tin nói có hơn 100 công ty bình phong làm việc mua dầu này, gồm rất nhiều công ty quốc tịch Panama, nơi có cảng và đội tàu vận tải rất thoáng trong quy định pháp lý. Các tàu vận tải sẽ nhận dầu từ cảng ở Iran, rồi đi loanh quanh để gây lạc hướng, hoặc dùng phần mềm để ngụy trang như đang ở khu vực khác. Sau đó, tàu sẽ tới Iraq hoặc Oman, nơi hàng được chuyển sang các tàu mới. Việc chuyển tàu có thể diễn ra tiếp ở Malaysia hoặc Singapore để xóa vết kỹ hơn nữa, trước khi chuyển tới Trung Quốc.Các đại diện và quan chức giám sát của Iran được thông báo chi tiết ở từng khâu. Họ thường dùng mật danh (như "Roger" là tên một tư lệnh IRGC) trên các ứng dụng tin nhắn, như WhatsApp. Giấy tờ giả được cung cấp cho toàn bộ quá trình. Ngay cả những chặng bí mật nhất của chuyến tàu cũng được theo dõi sát sao. Ví dụ một đợt chuyển hàng ở Malaysia sẽ có bộ 24 câu hỏi để giám sát.Nếu có vấn đề trong giao dịch như thương vụ đổ bể khi tàu đã lên đường hoặc đôi khi hàng biến mất thì IRGC sẽ đe dọa dùng vũ lực. Dù vậy, phần lớn hàng đều được chuyển giao suôn sẻ, và trong vòng 45 ngày, tiền sẽ được chi trả. Lúc này hệ thống ngân hàng ngầm của Iran sẽ vào cuộc - đây mới là phần ấn tượng nhất của mạng lưới.Nhà máy lọc dầu Abadan ở tây nam Iran. Ảnh: REUTERSĐường đi của tiềnHệ thống ngân hàng ngầm của Iran được sắp xếp hết sức tài tình. Các công ty dầu lớn nhất nước như NIOC và PCC (công ty xuất khẩu hóa dầu thuộc Bộ Quốc phòng) có bộ phận tài chính rất lớn, đóng vai trò như ngân hàng. Các bộ phận này lại có các công ty nhỏ ở Iran với hoạt động bình phong là để "đổi tiền", không chỉ cho nhà xuất khẩu dầu, mà cho cả nền kinh tế. Các công ty đổi tiền này có mặt khắp thế giới, với tên gọi ngẫu nhiên như Rainbow International hay Glorious Global. Vai trò công khai của người đại diện chủ yếu là tương tác với chính quyền địa phương, trong khi pháp nhân sở hữu thực sự là người của Iran, hoặc là điệp viên. Một quan chức cấp cao Iran nói có khoảng 200 người Iran có hai hộ chiếu để quản lý các công ty này ở châu Âu.Khi công ty xuất khẩu muốn được trả tiền, họ sẽ gửi tiền tới công ty đổi tiền, báo số tiền cần nhận và từ ai. Công ty đổi tiền sau đó sẽ coi hệ thống tổng để xác định tiền nên chuyển từ đâu. Một số khoản chi trả là bằng nhân dân tệ mà Iran có thể xử lý ngay ở Trung Quốc. Nhưng do nhân dân tệ không thể chuyển đổi số lượng lớn, Iran thường đòi nhận ngoại tệ. Cơ chế chi trả này cũng được dùng với các công ty Iran cần nhập hàng.Các ngân hàng mà những công ty bình phong có tài khoản và thực hiện chuyển tiền giúp Iran tiếp cận dịch vụ của hệ thống tài chính quốc tế. Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng các công ty Iran chủ yếu có tài khoản ở ngân hàng cấp tỉnh của Trung Quốc, vốn không có tương tác với phương Tây, nên không sợ bị Mỹ trừng phạt. Ví dụ Ngân hàng Kunlun, đã bị cấm vận vì giao thương với Iran, có trụ sở ở Tân Cương. Nhưng một số chuyên gia nói một số ngân hàng lớn cũng bị sử dụng.Dựa trên thông tin rò rỉ về một hãng dầu của Iran, WikiIran năm ngoái công bố chi tiết 218 tài khoản ngân hàng liên quan 71 công ty chuyển tiền bình phong được kiểm soát bởi Amin, công ty chuyển tiền lớn nhất Iran. Dữ liệu cho thấy 67/218 tài khoản là ở một ngân hàng nhỏ Trung Quốc, 99 là ở một ngân hàng tốp đầu của Trung Quốc, 30 ở UAE, 10 ở các ngân hàng châu Âu...Theo Economist, không có bằng chứng cho thấy các ngân hàng biết là họ đang giao dịch với công ty bình phong nhận tiền dầu cho Iran. Ví dụ, ngân hàng Hà Lan ING nói họ đã điều tra từ năm ngoái và đóng các tài khoản tại một chi nhánh ở Bỉ. Ngân hàng OTP (Hungary) thì nói các tài khoản liên quan đã bị đóng từ tháng 8-2019. Tài liệu của Economist cho thấy năm 2021, các công ty bình phong từng thực hiện giao dịch dầu mỏ Iran có tài khoản ở Citibank và HSBC ở Hong Kong, cùng 4 ngân hàng tốp đầu đại lục.Trong phần sau chu trình, tiền của Iran có thể được chuyển qua các trung tâm tài chính khác, như chi nhánh Dubai của ngân hàng Ai Cập Banque Misr, được 38 công ty bình phong sử dụng nhằm hỗ trợ cho PCC. Ở nhiều ngân hàng này, đôi khi giao dịch có thể có vấn đề sẽ không được chú ý. Chủ đứng tên các tài khoản có thể là người Philippines hoặc Ấn Độ với các mục đích thanh toán nhiều khi chẳng liên quan gì đến chủ tài khoản. Vấn đề, theo một nguồn hiểu biết về NIOC, là các ngân hàng làm với Iran có thể nhận khoản hoa hồng kếch xù lên tới 15% tổng số tiền giao dịch.Một số nguồn tin nói tiền thanh toán đôi khi được giữ hoặc quay trở lại châu Á, nơi Iran thường nhập khẩu vũ khí, cho họ và Hamas, Houthi lẫn Hezbollah. Đôi khi tiền được gửi ở những nơi ít người để ý như chi nhánh các ngân hàng ở Budapest hay Aachen (Đức). London cũng là nơi có số lượng lớn các công ty liên quan tới Iran bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Các công ty đổi tiền giám sát mọi việc bằng sổ cái nội bộ rất lớn và chi tiết ghi nợ và tín dụng của hàng trăm công ty bình phong.Hệ thống này dù vậy rất tốn kém. Tính cả các khoản giảm giá, thưởng cho trung gian và phí tài chính, Iran nhận số tiền ít hơn tầm 30-50% so với tham gia thị trường mở bình thường. Những người đứng tên các công ty bình phong thỉnh thoảng cũng biến mất, mang theo hết tiền mặt trong két. Nhưng bất chấp, hệ thống phức tạp này đã tỏ ra rất bền bỉ. Dù Mỹ đã phát hiện và xử lý hàng trăm công ty bình phong liên quan tới Iran, các công ty mới sẽ nhanh chóng xuất hiện thế chỗ, như một trò cút bắt vô vọng.■ Điểm xuất phát của tiền thường là các ngân hàng Trung Quốc đại lục. Đây là thời điểm người mua dầu có tiền và sắp xếp việc chuyển tiền trong nội địa. Các ngân hàng lớn Trung Quốc cũng có lợi thế là có chi nhánh ở Hong Kong - nơi hệ thống khép kín của đại lục giao cắt với hệ thống tài chính toàn cầu mở. Hệ thống USD CHATS cho phép các thành viên có thể giao dịch bằng USD mà không cần đi qua các định chế lớn ở Mỹ. Hầu hết ngân hàng quốc tế giao dịch nhiều ở châu Á đều dùng hệ thống này, vốn không phải báo cáo với Mỹ về giao dịch.Theo thỏa thuận với Mỹ, các ngân hàng Hong Kong phải rà soát để đảm bảo các khoản chi trả của họ qua CHATS là tuân thủ các quy định cấm vận. Nhưng do Mỹ không trực tiếp rà soát, nhiều kẽ hở đã xuất hiện. Năm ngoái, hệ thống này xử lý trung bình 60 tỉ USD/ngày, số lượng lớn khiến việc phát hiện giao dịch có vấn đề càng khó. Tags: IranCấm vậnCác ngân hàngChiến sự Iran - IsraelBình phong
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.