Hãng thông tấn Iran (IRNA) dẫn lời chỉ huy Hải quân đoàn thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri, nói hôm 29-4 rằng Iran sẽ không chia sẻ tên gọi "vịnh Ba Tư" với bất kỳ nước nào khác, bởi Iran là quốc gia có đường bờ biển dài nhất ở vùng biển chiến lược này.
"Các nước khác không có chỗ đứng trong khu vực và chúng tôi cũng không chia sẻ tên gọi 'vịnh Ba Tư' với bất kỳ ai vì Iran có đường bờ biển dài nhất ở vịnh Ba Tư", Chuẩn đô đốc Tangsiri phát biểu nhân kỷ niệm ngày thành lập Vịnh Ba Tư 30-4.
Cũng theo lời chỉ huy Hải quân của IRGC, đường bờ biển của Iran ở vịnh Ba Tư dài 1.755km, chưa tính các đảo.
"Ngoài ra tuyến đường vận tải biển sâu nhất cũng nằm ở vùng biển thuộc chủ quyền Iran", ông Tangsiri khẳng định tầm quan trọng chiến lược của Iran ở vịnh Ba Tư.
Phía Iran cho biết 40% lượng khí đốt và 62% lượng dầu xuất khẩu của thế giới đến từ khu vực vịnh Ba Tư.
Vịnh Ba Tư còn được biết đến với biệt danh là "huyết mạch dòng chảy dầu mỏ" bởi đây là nơi cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới, và cũng là nơi có trữ lượng khí đốt thiên nhiên cực lớn.
Vịnh Ba Tư hay vịnh Persian nằm giữa bán đảo Ả Rập và khu vực tây nam Iran. Vịnh Ba Tư giáp Kuwait và Iraq về phía tây bắc, giáp Iran về phía bắc và đông bắc, giáp Saudi Arabia và Qatar về phí tây và tây nam, phía đông và đông nam giáp Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Ngoài ra eo biển Hormuz nằm ở cuối Vịnh Ba Tư là một trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất trên thế giới, hiện do Iran và Oman đồng kiểm soát.
Giới quan sát nhận định Tehran vẫn thường sử dụng eo biển Hormuz như một loại vũ khí để chống lại Washington.
Hồi tháng 8-2023, Mỹ triển khai lực lượng không quân và hải quân đến vịnh Ba Tư nhằm "dằn mặt" Iran sau khi Tehran và Washington hục hặc vụ bắt giữ một số tàu chở dầu của nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận