Iran: Từ một tấm khăn choàng đầu

SÁNG ÁNH 01/10/2022 07:43 GMT+7

TTCT - Ngày 16-9-2022, thiếu nữ 22 tuổi người Kurd Mahsa Amini bị cảnh sát đạo đức Iran tại thủ đô Tehran bắt giữ về tội "ăn mặc không đứng đắn" và mang về đồn.

Iran: Từ một tấm khăn choàng đầu - Ảnh 1.

Một phụ nữ người Iran tự cắt tóc trong cuộc biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Iran tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Chuyện này rất phổ biến tại Iran, vì phụ nữ ra đường phải có khăn che tóc. Tùy thời điểm và địa điểm, lúc gay gắt thì phải khoác cả áo choàng đen hay không được dùng khăn màu. Có lúc không được dùng cả vớ trắng vì phụ nữ không được hở cổ chân, họ tuân thủ nhưng đi vớ trắng để phản đối. Có lúc nới thì tóc được hở ít nhiều và khăn quấn nhiều màu lượt là đẹp mắt.

Cách mạng thần quyền ở Iran thành công năm 1979 và lúc này lúc kia, khắt khe và cởi mở tùy tình hình. Ngược lại với các chế độ Hồi giáo quân chủ thân Mỹ ở vùng Vịnh, Iran có bầu cử quốc hội và tổng thống dân chủ và thật thà ít nhiều. Còn nhớ Cách mạng xanh năm 2009, quần chúng xuống đường phản đối cuộc bầu cử tổng thống bị cho là gian lận.

Chết sau khi về đồn cảnh sát

Tại Saudi Arabia chẳng hạn, không có ai cướp kết quả bầu cử, chỉ có cướp ngôi vua thôi. 43 năm qua, tuy vẫn trong khuôn khổ Cộng hòa Hồi giáo, ở Iran, phái cải cách kinh tế cầm quyền 8 năm, rồi cải cách mạnh dạn 8 năm, và cuối cùng là cải cách thận trọng 8 năm vừa qua. 

Tân tổng thống Ebrahim Raisi là thành phần cứng rắn, trúng cử trong một cuộc bầu cử rất ít cử tri tham gia (48%) và rất nhiều phiếu bất hợp lệ phản đối (14%). Về mặt chính trị, chính quyền Iran hiện là bảo thủ.

Trở lại chuyện cô Mahsa Amini, theo nhà chức trách, sau khi về đồn, cô đau tim ngã đập đầu, hôn mê rồi thiệt mạng tại nhà thương. Nhưng quần chúng nghĩ là cô bị đánh đập và chấn thương sọ não. 

Lập tức sang ngày 19-9, biểu tình bùng nổ khắp nơi, khiến chính quyền cắt các mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn như WhatsApp hay Instagram. Cái chết của Mahsa khiến cô trở thành một biểu tượng, như cô Neda Agha-Soltan năm 2009 bị vệ binh bắn chết trong thời kỳ Cách mạng xanh là một trong vài chục người đã thiệt mạng.

Mới đây hơn, năm 2019, các cuộc biểu tình lan rộng đến thôn quê khiến đến 1.500 người thiệt mạng, theo Reuters, Internet bị cắt hoàn toàn trong 6 ngày, 731 chi nhánh ngân hàng bị đập phá và 50 căn cứ quân sự bị tấn công. 

Tại sao bạo lực năm 2019 gây thiệt hại cao gấp bội so với biểu tình phản đối kết quả bầu cử 10 năm trước? Đó là bởi năm 2009 chỉ có sinh viên và thị dân Iran xuống đường đòi dân chủ, còn 2019 là toàn quốc chống xăng tăng giá lên đến 200% và đời sống đắt đỏ!

Iran: Từ một tấm khăn choàng đầu - Ảnh 2.

Dân chúng Iran xuống đường mang theo ảnh Masha Amini. Ảnh: tunisie-direct.com

Chiếc khăn vấn rắc rối

Sự cố Mahsa Amini được truyền thông Tây phương tiếp thêm sức bằng luồng gió nữ quyền và khăn vấn phập phồng bắt mắt dư luận, nhưng nó phức tạp hơn vậy. Khăn che tóc Hồi giáo được Tây phương coi là thể hiện áp bức phụ nữ. Nhưng vì Saudi hay vùng Vịnh canh giếng dầu cho họ, nên tội áp bức này được bỏ qua.

Tội chính của Iran không phải là Hồi giáo hay thần quyền, mà là giành lại từ các công ty Anh - Mỹ chủ quyền tài nguyên quốc gia dầu hỏa. Saudi cũng có cảnh sát đạo đức đi bắt phụ nữ không vấn khăn còn khe khắt gấp mấy. 

Phụ nữ Iran được quyền bầu cử và ứng cử, quyền lái xe, kể cả sau cách mạng thần quyền 1979, trong khi phụ nữ Saudi mới được lái xe từ 2018. Còn bầu bán tại Saudi thì đừng mơ, nhưng không thấy ông Tây nào bất mãn.

Cách đây chưa lâu, phụ nữ Âu truyền thống vẫn che tóc, về mặt tôn giáo, điển hình là các ma xơ chẳng hạn, hay các nữ tín đồ ngày nay tại các giáo đường Kitô miền đông [Chính thống giáo] như ở Nga.

Một ví dụ khác: Văn hóa mẫu hệ Minangcabao (8 triệu người) ở Indonesia theo Hồi giáo và rất ngoan đạo. Phụ nữ che tóc và vấn khăn, nhưng đàn ông không có quyền sở hữu đất đai, nhà cửa và gia súc. Khi được chọn làm chồng, họ theo về nhà vợ và khi vợ đuổi thì họ về nhà mẹ mà khóc, tuy mẹ họ, vợ họ, em gái họ đều vấn khăn che tóc cả. 

Nói qua, số phụ nữ Iran làm việc trong lãnh vực STEM (khoa học, kỹ thuật, kỹ sư, toán học) chiếm 70%. Tại Hoa Kỳ, số này là 22%. Người phụ nữ đầu tiên đoạt giải toán học Field lừng lẫy cũng là người Iran (2014).

Nhưng nói thế không phải là để bênh chế độ Iran không áp bức, mà chỉ để thấy Tây phương cũng có "cảnh sát đạo đức" và đạo đức này là đạo đức... giả.

Iran: Từ một tấm khăn choàng đầu - Ảnh 3.

Người phụ nữ duy nhất giành giải toán học Fields danh giá là người Iran, Maryam Mirzakhani (1977-2017). Ảnh: NY Times

Lại còn chuyện sắc tộc

Mahsa Amini là người Kurd và biểu tình nổ ra sau cái chết của cô mạnh mẽ nhất là ở khu vực dân tộc này cư trú chủ yếu - tây bắc Iran. Người Kurd là dân tộc không có quốc gia, sinh sống trên lãnh thổ của 4 nước Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tại Iran, họ chiếm 10% dân số (10 triệu người). Cái chết của cô Amini vì thế mang thêm tính cách thiểu số bị áp bức.

Chiến tranh Iraq rồi Syria đã cho người Kurd cơ hội để tự trị, vì chính quyền trung ương không còn kiểm soát họ được như trước. Họ gần như độc lập tại Iraq hậu Saddam và tại Syria là thành phần tích cực chống IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng), nên lại là đồng minh của chính quyền Assad. 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, họ bị coi là khủng bố vì đòi độc lập. 24-9 vừa rồi, Vệ binh Cách mạng Iran mới pháo kích qua khu vực người Kurd ở Iraq vì cho là người Kurd bên đó tiếp tay cho người Kurd bên Iran gây rối sau vụ Amini.

Vấn đề dân tộc trong chuyện này rối rắm và khó hiểu với độc giả của họ, nên truyền thông Tây phương lờ luôn. Tại sao người Kurd Syria được Mỹ giúp mà đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ lại đánh họ? Nó khúc mắc hơn chuyện tóc tai và khăn vấn!

Trong chuyện này, có yếu tố tự do cá nhân (ăn mặc), bình đẳng nam nữ (khăn vấn tóc) và cả sắc tộc (Kurd). Tại Iran, lại còn phải đặt trong bối cảnh chính trị bảo thủ cứng rắn sau 8 năm cải cách. Phe bảo thủ trở lại cũng vì thất bại của phe cải cách, vốn lên cầm quyền nhờ hứa hẹn thỏa hiệp với Tây phương (tức Mỹ): ngưng chương trình hạt nhân đổi lấy ngưng cấm vận và phong tỏa.

Nhưng rồi thời Trump, chính quyền Mỹ bội ước, cấm vận vẫn hoàn cấm vận, quần chúng Iran thất vọng. Trong hoàn cảnh bị vây khốn, một nước sẵn dầu thô như Iran lại không đủ khả năng lọc dầu, khiến năm 2019 giá xăng tăng từ 2.250 đồng/lít lên đến 3.250 đồng/lít cho 60 lít đầu và 6.500 đồng/lít từ 60 lít trở đi. Giá xăng cỡ đó là vào hàng rẻ nhất thế giới rồi nhưng vẫn gây bất mãn trầm trọng sau bằng ấy năm thiếu thốn.

Iran: Từ một tấm khăn choàng đầu - Ảnh 4.

Ảnh: Atlantic Council

Chuyện xưa, chuyện nay

Bối cảnh lịch sử và địa lý chính trị cũng quan trọng. 25 thế kỷ trước (thế kỷ 5 trước Tây lịch), Ba Tư đã là ngáo ộp của Tây phương khi Đại Đế Darius I mang quân vượt eo biển Hellespont. Thí dụ phim truyện 300 (2006) thuật lại theo kiểu huyền sử trận Thermopylae, trận đánh được coi là cứu Hy Lạp, tức cứu nền tảng văn hóa Tây phương hiện đại, khỏi tay quân Cận Đông độc tài xâm lược. Tôi đi xem phim đó trong rạp Mỹ, khi hết phim, thanh niên trong rạp đứng cả dậy phấn khích vỗ tay và reo hò thiếu điều hô "Sát thần quyền Iran!"

Năm 2006 đó là 5 năm sau sự cố 11-9 - sự cố chẳng dính dáng gì đến Iran và càng không dính đến vua Ba Tư Xerxes râu dài. Bối cảnh bộ phim là 500 năm trước khi Kitô xuất hiện, còn Hồi giáo phải thêm 600 năm nữa mới ra đời, Iran hiện giờ chỉ là kẻ thù của Mỹ từ năm 1979. Trước đó, dưới chế độ quân chủ, quốc gia này là ái thiếp của Hoa Kỳ ở Trung Đông, còn Saudi mới vào hàng thị nữ.

Năm 1953, Anh - Mỹ lật đổ chính phủ dân cử Mohammad Mossadegh khi ông hăm he quốc hữu hóa ngành dầu hỏa. Trong 26 năm sau đó (1953 - 1979), các phong trào bài phong phản đế đều bị chính quyền quân chủ đàn áp không nương tay và thất bại trong việc lật đổ nhà vua tay sai của Tây phương. Lực lượng chống đối duy nhất còn lại và thành công là tôn giáo.

Câu chuyện của cô Amini và phụ nữ lên mạng cắt tóc để phản đối thần quyền nằm trong bối cảnh rộng này. Phụ nữ tại Iran có bị áp bức không? Câu trả lời là có. Bộ phim Iran Vòng tròn (The Circle, 2000, đạo diễn Panahi) về việc này đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice. Nhưng ở Saudi, là người yêu đầu gối tay ấp của Mỹ, các rạp hát chiếu phim bị cấm cho đến năm 2018, cho nên đoạt giải sẽ còn cần thời gian.

Thiểu số dân tộc Kurd tại Iran có bị ức hiếp không? Câu trả lời là có. Năm 2013 tại khu vực thiểu số này, một tội phạm bị cảnh sát bắt mặc quần áo đàn bà và mang diễu trên phố, làm nổ ra phong trào chống đối trên mạng: đàn ông Kurd đua nhau mặc quần áo phụ nữ và đưa ảnh lên, khiến cảnh sát Iran phải chính thức xin lỗi phụ nữ Kurd và một lãnh đạo cảnh sát bị cách chức.

Đối lập chính trị và xã hội có bị đàn áp tại Iran không? Câu trả lời là có luôn. Cách mạng thần quyền khi thành công đã giết nốt và bắt giam những thành phần chống quân chủ khác chỉ còn loe ngoe. Như thành ngữ có từ thời Cách mạng tư sản Pháp "Cách mạng sẽ ăn thịt các con mình": tổng thống đầu tiên của cách mạng thần quyền phải bỏ trốn khỏi nước, ngoại trưởng đầu tiên bị treo cổ...

Sau phản đối chính trị 2009, rồi phản đối kinh tế 2019, phản đối văn hóa hiện có hy vọng gì không? Nếu ngoan ngoãn bốn thập niên qua, Iran hẳn đã được Tây phương ve vuốt và biết đâu đã được tổ chức giải World Cup 2022, một việc hoàn toàn trong tầm của họ. Nhưng quyền tự chủ và độc lập bao giờ cũng đắt, chẳng phải thứ miễn phí hay của rơi nhặt được. ■

Sau cách mạng thần quyền, Iran lập tức bị cô lập và bị Iraq, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, tấn công. Nhưng cuộc chiến tranh thay vì khiến thần quyền sụp đổ, lại càng củng cố cho chế độ đấy. Tuy nhiên, kết quả của 43 năm phong tỏa gắt gao là quần chúng Iran sống rất vất vả, dù đất nước rất giàu tài nguyên và người Iran rất tài giỏi. Chính lệnh phong tỏa khiến người viết có lần gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ một láng giềng người Iran sang mua nhà bằng vàng. Anh chở trên lưng lừa vượt biên giới đường núi, thay vì chuyển ngân quốc tế ở một nhà băng sang trọng như giới có tiền cỡ anh vẫn làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận