Thông tin về việc Israel không kích Iran ban đầu do một quan chức Mỹ tiết lộ. Cùng thời điểm, truyền thông Iran đưa tin về các vụ nổ gần căn cứ không quân nằm sát thành phố Isfahan.
Iran và Israel cùng im tiếng
Điều khó hiểu là thông tin liên quan tới vụ tấn công trên cũng đôi lúc mâu thuẫn. Truyền thông và quan chức của cả Iran lẫn Israel đều im lặng hoặc cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngó lơ vụ nổ tại Isfahan, còn ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng từ chối xác nhận điều này. Khi đưa tin về "vụ tấn công" Iran, báo chí Israel không trích dẫn bình luận công khai nào của quan chức nước này.
Tờ báo Mỹ New York Times cho biết các quan chức Israel mô tả cuộc tấn công là "phản ứng có giới hạn" nhằm tránh leo thang căng thẳng, còn các nhà bình luận của Israel khẳng định đợt không kích này không gây thiệt hại lớn cho các căn cứ quân sự Iran.
"Israel có thể thực hiện các động thái quân sự vừa phải, không ồn ào hay gây thiệt hại quân sự lớn nhưng vẫn truyền đạt được thông điệp họ muốn. Và đó là những gì chúng ta đã chứng kiến", nhà phân tích quan hệ ngoại giao Dana Weiss của Kênh 12 (Israel) nói.
Trong khi đó, phía Iran ban đầu bác bỏ thông tin căn cứ ở thành phố Isfahan bị tấn công, nhưng các bản tin sau lại mô tả không có thiệt hại đáng kể nào ở nơi đây và các vụ nổ "không gì hơn tiếng đốt pháo".
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng khẳng định không có thiệt hại nào đối với các địa điểm hạt nhân của Iran trong cuộc tấn công sáng 19-4 tại thành phố Isfahan. "IAEA có thể xác nhận rằng không có thiệt hại nào đối với các cơ sở hạt nhân của Iran... và đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ", cơ quan này nói.
Nhìn chung, giới quan sát cho rằng cả Israel lẫn Iran đều không muốn leo thang căng thẳng. Nếu đây đúng là một "cuộc tấn công trong vòng 24 - 48 giờ tới" như lời một quan chức Mỹ nói hôm 18-4, dường như câu chuyện có thể tạm lắng. Reuters cũng dẫn lời một quan chức cấp cao Iran cho hay Tehran hiện không có kế hoạch đáp trả ngay lập tức.
Phía Iran thậm chí không đề cập tới Israel, và về tổng thể nhắc tới vụ việc này theo hướng có ai đó chỉ đang cố thổi phồng sự việc.
Thông điệp nguy hiểm
Trên mạng xã hội, người ủng hộ Iran chế nhạo phản ứng của Israel, cho rằng quy mô tấn công lần này quá nhỏ so với việc Iran phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel trước đó. Tuy nhiên, một số ý kiến khác nhìn nhận sự việc lần này cũng là một bước leo thang nguy hiểm.
Israel và Iran đã thù địch từ lâu, nhưng Iran vừa qua đã phá lệ khi trực tiếp không kích Israel từ lãnh thổ của mình thay vì dùng lực lượng ủy nhiệm. Việc Israel đáp trả bằng cách tấn công lãnh thổ Iran, dù ở mức độ nào, cũng cho thấy hai bên đang thiết lập một mức "bình thường mới".
Điều này có nghĩa trong thời gian tới, nếu có xung đột quân sự, hai nước sẽ không ngần ngại tái diễn kịch bản trực tiếp dùng tên lửa tấn công trên đất của đối phương. Tờ Guardian (Anh) mô tả diễn biến ăn miếng trả miếng mới nhất này như việc Israel và Iran "đùa với lửa". Hai bên bắt đầu bước ra khỏi "vùng xám" để công khai tấn công nhau.
Một nguồn tin Israel nói với tờ Washington Post (Mỹ) rằng cuộc không kích hôm 19-4 là cách Israel gửi thông điệp rằng nước này hoàn toàn đủ khả năng tấn công lãnh thổ Iran. Nhưng kể cả khi như vậy, đây là lời nhắn gửi có thể kích động Iran, vốn nhiều khả năng cảm thấy buộc phải hành động vì lo ngại chính sách răn đe của họ bị suy yếu.
Đó là lý do dù Israel và Iran im lặng đến mức nào, nhiều nước đã kêu gọi kiềm chế và tốt hơn hết nên chấm dứt vòng xoáy "tấn công và đáp trả" hiện nay.
Phát biểu hôm 19-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington cam kết với an ninh của Israel. Nhưng trả lời câu hỏi về cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran, ông nhấn mạnh Mỹ không tham gia vào bất kỳ hoạt động tấn công nào.
Không quên Dải Gaza
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi trong tuần này từng khẳng định Israel muốn gây hấn với Iran để chuyển sự chú ý ra khỏi Dải Gaza, nơi Israel đang chịu áp lực quốc tế rất lớn về tình hình nhân đạo. Thế giới đang "soi" Israel khá kỹ trước quyết định tấn công thành phố Rafah, nơi trú ẩn cuối cùng của cả triệu người Palestine. Dù chưa có thông tin nào xác nhận nhưng việc Iran cố hạ thấp vụ tấn công của Israel cũng có thể là cách Tehran muốn thế giới tập trung vào Rafah.
Hôm 18-4, quan chức Mỹ và Israel đã tổ chức họp trực tuyến về chuyện Rafah. Mỹ rất muốn Israel cân nhắc về chiến dịch Rafah, vì nỗ lực tiêu diệt tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine có thể đi kèm thảm họa nhân đạo. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cũng thẳng thừng phủ nhận thông tin đã "bật đèn xanh" cho Israel - đồng minh của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận