21/05/2024 07:56 GMT+7

Iran hậu Tổng thống Raisi

Ngày 20-5, Iran tuyên bố quốc tang 5 ngày sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và nhiều người khác thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng ở miền đông bắc nước này.

Nguồn: Iran Press (IP) - Dữ liệu: Minh Khôi - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Iran Press (IP) - Dữ liệu: Minh Khôi - Đồ họa: T.ĐẠT

Chưa có thông tin "giật gân" nào liên quan tới vụ rơi trực thăng nêu trên. Dù vậy, cái chết của ông Raisi xảy đến trong thời điểm rất nhạy cảm khi Tehran được cho đang đối diện nhiều áp lực kinh tế và chính trị. Với phương Tây, đây có vẻ là tin không vui.

Iran sẽ không thay đổi

Ngay khi xuất hiện thông tin về việc trực thăng chở tổng thống Iran gặp nạn, một Iran thời hậu Raisi nhanh chóng là vấn đề được mổ xẻ. Ai sẽ thay ông Raisi và liệu sự kiện này sẽ tác động tới khu vực và thế giới ra sao?

Hiện nay, Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber đã được bổ nhiệm làm tổng thống tạm quyền. Hiến pháp Iran quy định sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 50 ngày. Trước mắt, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh sẽ không có bất kỳ gián đoạn nào trong việc điều hành đất nước.

Trong ngắn hạn, sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của Iran, nơi lãnh tụ Khamenei là người nắm quyền lực lớn nhất. Cũng như ông Raisi, ông Mokhber là người thân cận với Đại giáo chủ. 

Trước đây, khi ông Raisi đắc cử với một tỉ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục, báo chí phương Tây càng bị thuyết phục rằng chính trị ở Iran cơ bản khó có thể thay đổi.

Vấn đề được quan tâm hơn hiện nay là cuộc cạnh tranh vào ghế tổng thống sắp tới. Nhận xét một cách tiêu cực như báo Times of Israel (Israel) thì cái chết của ông Raisi có thể dẫn tới một cuộc tranh giành quyền lực. 

Còn nói như tạp chí Atlantic (Mỹ), sự kiện này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực giữa các phe phái ở Iran.

Người thách thức các cuộc bầu cử quen thuộc của Iran là Chủ tịch Quốc hội Mohammad Baqer Qalibaf. 

Mặc dù Qalibaf bị đánh giá chỉ là một "nhà kỹ trị" và khó được lòng Đại giáo chủ Khamenei, cơ hội của ông không phải quá nhỏ.

Hiện nay, Qalibaf và những quan chức, cựu quan chức ủng hộ ông này đều tán thành khả năng Mojtaba Khamenei sẽ nối gót người cha Đại giáo chủ để lãnh đạo Iran. 

Theo Atlantic, Mojtaba kín tiếng ở tuổi 56 đang là ứng viên rất nghiêm túc cho vị trí lãnh đạo tối cao, và câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có một cuộc mặc cả giữa Mojtaba và Qalibaf để mở đường cho cả hai hay không.

Tuy nhiên, kể cả khi Iran đúng như mô tả của phương Tây, "người được chọn" sắp tới cho ghế tổng thống cũng là một nhân vật chia sẻ quan điểm của ông Khamenei. 

Qalibaf là đối thủ của Raisi, nhưng cũng là một nhân vật theo đường lối cứng rắn tương tự. Nói cách khác, chính trị Iran đang nằm trong tay phe bảo thủ và sẽ khó có những thay đổi cơ bản.

Thỏa thuận hạt nhân và phương Tây

Khi Iran không thay đổi, cái chết của ông Raisi rất nhiều khả năng chỉ mang lại tin xấu cho phương Tây, đặc biệt với những người còn hy vọng đối thoại với Tehran. 

Niềm hy vọng ấy từng lớn mạnh với đỉnh điểm là thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015. Nhưng khi tổng thống Hassan Rouhani thất bại trên chính trường, mối quan hệ giữa Iran và phương Tây, cụ thể là Mỹ, đã trở nên lạnh nhạt và sau cùng là căng thẳng cực điểm trong 3-4 năm qua.

Trong mắt phương Tây, Iran dưới sự lãnh đạo của Raisi - vốn được cho là nhân vật mang tham vọng kế nhiệm Đại giáo chủ 85 tuổi Khamenei - là nơi bảo trợ cho các tổ chức khủng bố Hồi giáo nhắm vào Mỹ và Israel, đồng thời là quốc gia mang tới hiểm họa từ chương trình hạt nhân "không tuân thủ cam kết".

Trong những diễn biến lo ngại bùng phát chiến tranh Trung Đông, Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nổi lên như một nhân tố đầy ảnh hưởng. 

Chính vì vậy, dường như phương Tây không thể "đặt niềm tin" vào nhân vật thay thế ông Raisi. Ngay cả Qalibaf cũng là người ủng hộ các chính đảng bảo thủ và nhiều cơ quan thuộc IRGC - nhánh lớn nhất trong các lực lượng vũ trang Iran đang kiểm soát nhiều khu vực chính của nền kinh tế nước này.

Theo trang Foreign Policy, IRGC thậm chí có thể tận dụng cái chết của ông Raisi để tăng cường sức mạnh. Giáo sư David Des Roches (ĐH Quốc phòng, Mỹ) đi xa hơn khi nhận xét: "Không có người kế tục rõ ràng nếu ông ấy (Khamenei) ra đi. Điều thú vị cần quan sát là liệu IRGC cơ bản có hoàn tất một cuộc tiếm quyền chậm rãi hay không".

Tương tự, Atlantic nhận định dù nhiều người dự đoán về cuộc cạnh tranh quyền lực sau cái chết của ông Raisi, mọi chuyện sẽ chỉ thực sự "nóng" sau thời ông Khamenei. 

Điểm đáng nói lúc này chưa hẳn là một sự thay đổi chính sách của Iran, đặc biệt chính sách đối ngoại, nhưng chính trị đối nội có thể rung chuyển ở một mức độ nào đó, có thể là những cuộc biểu tình "sống lại" khi nhiều phe phái đấu đá.

Như hiểu rõ những tiên đoán hoặc tin đồn kích động về khả năng người Iran "không thể tiếp nhận cái chết của Raisi một cách thụ động", Đại giáo chủ Khamenei hôm 20-5 đã liên tục trấn an về khả năng Iran vẫn hoạt động bình thường.

Việt Nam và các nước chia buồn

Ngày 20-5, quyền Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới những người đồng cấp Iran sau tai nạn thảm khốc với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Lãnh đạo Nga, Ấn Độ và nhiều nước ở khu vực Trung Đông đã gửi lời chia buồn đến nhà lãnh đạo tối cao Iran, ông Ali Khamenei, đến người dân và đất nước Iran trước sự ra đi đột ngột của Tổng thống Raisi.

Chưa rõ lý do trực thăng rơi

Đặt hoa tưởng nhớ cố Tổng thống Ebrahim Raisi tại Đại sứ quán Iran ở Matxcơva (Nga) vào ngày 20-5 - Ảnh: Reuters

Đặt hoa tưởng nhớ cố Tổng thống Ebrahim Raisi tại Đại sứ quán Iran ở Matxcơva (Nga) vào ngày 20-5 - Ảnh: Reuters

Iran hiện chưa công bố thông tin chính thức về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng.

Nhà phân tích quân sự Cedric Leighton của Đài CNN nhận định các yếu tố thời tiết như sương mù, mưa và nhiệt độ thấp có thể là một trong những nguyên nhân chính.

"Ở nhiệt độ dưới 10oC sẽ có khả năng xảy ra hiện tượng cánh quạt bị đóng băng ở độ cao lớn. Cũng có khả năng động cơ bị hỏng hóc, có rất nhiều khả năng có thể xảy ra", ông giải thích.

Ông Leighton cũng không loại trừ việc bảo trì máy bay cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, đồng thời chỉ ra rằng Iran đã phải chịu các lệnh trừng phạt và buộc phải sử dụng các mẫu máy bay cũ để vận chuyển các lãnh đạo cấp cao của nước này. "Liệu chiếc trực thăng có được bảo trì đúng cách không?", ông Leighton đặt nghi vấn.

Nói với Đài Al Jazeera, nhà phân tích hàng không Kyle Bailey cho rằng việc không nhận được liên lạc từ phi công và tổ bay cho thấy có vấn đề nghiêm trọng về khả năng kiểm soát.

Ông đánh giá chiếc trực thăng dường như đã vỡ làm đôi, rất có thể là cánh quạt ở đuôi đã bị cắt rời do cánh quạt chính va vào đuôi.

"Điều này có thể là do lực khí động học tạo ra khi phi công đang chuẩn bị hạ cánh trực thăng, hoặc có thể do vấn đề kỹ thuật. Một khả năng khác là cánh quạt đuôi bị hỏng", ông nói.

Theo Đài Al Jazeera ngày 20-5, Iran sẽ tiến hành khám nghiệm sau khi thi thể của các nạn nhân được đưa đến thành phố Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan.

Lễ tang cấp nhà nước chính thức đầu tiên sẽ diễn ra ở Tabriz vào ngày 21-5 và sau đó các thi thể sẽ được đưa về thủ đô Tehran.

Lễ an táng dự kiến diễn ra ở thành phố Mashhad, do đây là quê hương của cố Tổng thống Raisi và cũng là trung tâm tôn giáo quan trọng nhất ở Iran.

Tin tức thế giới 21-5: Trực thăng chở tổng thống Iran đã gọi cầu cứu Mỹ nhưng Mỹ Tin tức thế giới 21-5: Trực thăng chở tổng thống Iran đã gọi cầu cứu Mỹ nhưng Mỹ 'không thể giúp'

Mỹ xác nhận đã nhận lời kêu cứu từ trực thăng chở tổng thống Iran Raisi nhưng "không thể làm gì"; Ông Putin bổ nhiệm nhà kinh tế là thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Mỹ không định gửi quân sang Ukraine... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 21-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên