Trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tích cực thúc đẩy chiến dịch Rafah - khu vực cuối cùng ở Dải Gaza chưa nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng vũ trang Israel (IDF) - bất chấp sự phản đối quyết liệt từ cả Mỹ và các đồng minh phương Tây, Iran - đối thủ chiến lược của Israel ở khu vực - đã lên tiếng.
Video Iran phóng tên lửa dồn dập vào Israel
Tương tác với Mỹ, báo cho Nga
Mặc dù tất cả các thông cáo chính thức từ phía Iran đều khẳng định cuộc tấn công trên chỉ nhằm đáp trả cuộc không kích ngày 1-4 của Israel vào Lãnh sự quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria, tuy nhiên một số nguồn tin không chính thức cho thấy phía Iran từng đề nghị với Mỹ sẽ không tấn công đáp trả Israel nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy hiệu quả các cuộc đàm phán đình chiến giữa Israel và Hamas vừa được nối lại ở Cairo (Ai Cập).
Thông tin này ngay lập tức bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ với quan điểm cho thấy Iran nên có trách nhiệm vận động lực lượng Hamas cân nhắc chấp nhận thỏa thuận trên bàn đàm phán với đại diện của Israel thay vì gây sức ép cho phía Mỹ.
Đài CNN ngày 5-4 cũng đăng tải bài viết về sự tồn tại của một tin nhắn từ phó chánh văn phòng của tổng thống Iran, Mohammad Jamshidi, nhằm cảnh báo Mỹ không nên bị "lôi kéo" vào kế hoạch lan rộng chiến tranh của ông Netanyahu và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã trả lời bằng cách cảnh báo tương tự rằng phía Iran không nên lấy sự kiện ngày 1-4 làm cái cớ tấn công vào các cơ sở và nhân viên của Mỹ trong khu vực.
Sau đó vào ngày 12-4, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận rằng phía Mỹ đã khẳng định với Iran rằng "không liên quan" đến vụ tấn công ngày 1-4 của Israel, đồng thời "không mong muốn" bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh mở rộng giữa Israel - Iran. Các chỉ dấu này cho thấy định hình lập trường đồng thuận hiếm có giữa Mỹ và Iran ngay trước cuộc tấn công ngày 14-4.
Kết hợp cùng với cảnh báo của Iran rằng Mỹ không nên ủng hộ Israel đáp trả Iran ngay sau ngày 14-4 và phản hồi từ chính Tổng thống Biden đến Thủ tướng Netanyahu rằng sẽ "không ủng hộ" bất kỳ cuộc phản công nào của Israel đến Iran và mong được "thông báo trước" nếu có diễn biến tương tự ngày 1-4 từ Israel được cho là "rất hợp tình".
Các chỉ dấu trên cho thấy sự triển khai định hướng ngoại giao trong thế trận "răn đe tổng lực" từ phía Iran. Trong đó, các tương tác đối thoại qua kênh ngoại giao trung gian giữa Iran với Mỹ không chỉ giúp hàn gắn nhanh chóng các rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Mỹ với Israel, mà còn góp phần cứu vãn bàn đàm phán trung gian với Hamas mà cả Mỹ, Qatar và Ai Cập đang duy trì một cách quyết đoán nhưng lại kém hiệu quả do lập trường quá cứng rắn từ Israel.
Định hướng ngoại giao này còn được Iran đảm bảo bằng tuyên bố của đặc phái viên Iran tại Liên Hiệp Quốc nhằm giữ "tính chính danh" của cuộc tấn công dựa trên "quyền tự vệ" được quy định ở điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trong đó, phía Iran cho rằng họ được phép và chỉ tấn công đáp trả các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Israel tham gia phát động cuộc không kích ngày 1-4 như căn cứ không quân Ramon ở phía nam Israel và mọi việc đến đây "có thể xem là kết thúc".
Ngay trước cuộc tấn công, Ngoại trưởng Iran Amirabdollahian được ghi nhận có thực hiện một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Lavrov với cam kết "duy trì mức độ phối hợp cao". Tất cả đều cho thấy sự thận trọng đáng kể từ phía Iran.
Kịch bản tiếp theo
Dựa trên ba hướng triển khai ngoại giao cả công khai (với Nga, Liên Hiệp Quốc) và không chính thức (với Mỹ), có thể thấy chiến dịch "Lời hứa đích thực" của Iran dành cho Dải Gaza không chỉ đại diện cho sự phối hợp hiệu quả giữa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với các lực lượng thuộc "trục kháng chiến" do Iran ủy nhiệm ở khu vực, mà còn giúp hàn gắn sự đoàn kết giữa Israel với Mỹ và các đồng minh phương Tây (như Anh, Pháp) vốn đang ở bờ vực chia rẽ quan điểm trước cuộc tấn công đầy tham vọng của chính quyền ông Netanyahu vào khu vực Rafah.
Trong đó, Iran vừa lấy lại được uy tín lãnh đạo đối với "trục kháng chiến", vừa tận dụng được thắng lợi mà giới quân sự Iran đánh giá là "ngoài mong đợi" khi thành công gây sức ép tối đa khiến cho chuyến đi của Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer và Cố vấn an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi của Israel đến Mỹ bàn về chiến dịch tấn công Rafah tiếp tục bị trì hoãn.
Mặc dù hơn 99% các tên lửa hành trình, đạn đạo và máy bay không người lái tấn công (UCAV) của Iran bị mạng lưới phòng không đa tầng của Israel với sự hỗ trợ từ Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đánh chặn, nhưng một chiến dịch "răn đe tối đa" nhưng không gây thương vong cho dân thường trên thực tế mới là định hướng quan trọng để ngăn chặn kịch bản đáp trả "ngoài sức tưởng tượng" từ nội các thời chiến hiện tại của Israel.
Không chỉ vậy, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) còn cho thấy mô hình tấn công tầm xa kết hợp cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UCAV đang là một dạng tấn công phức hợp có hiệu quả răn đe tối đa, mà Nga đang ứng dụng trên mặt trận Ukraine, hiện đang tiếp tục được áp dụng bởi Iran ở Israel. Kết hợp cùng định hướng "răn đe ngoại giao" đã giúp Iran lôi kéo được Mỹ cùng vận động Israel hạn chế đáp trả leo thang.
Lựa chọn thời điểm nền kinh tế Israel đang dần kiệt quệ vì chiến sự ở Gaza và bối cảnh giá dầu đang tăng cao sẽ không cho phép một cuộc tấn công từ Israel trực tiếp lên lãnh thổ Iran (có thể kéo giá dầu lên trên 100 USD/thùng), có thể thấy cuộc tấn công ngày 14-4 của Iran là bước đi quy mô táo bạo nhưng vẫn giữ được cục diện trong tầm kiểm soát, giữ trọn "lời hứa chân thành" của Iran với người dân ở Dải Gaza.
Việt Nam kêu gọi chấm dứt vũ lực
Ngày 14-4, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam "quan ngại sâu sắc" trước những diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông, nhất là các hành động vũ lực vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và gây tổn thất cho người dân.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, hiến chương và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc, chấm dứt ngay các hành động vũ lực làm leo thang căng thẳng, vì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới", bà Hằng nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận