Đòi quà là chuyện thường của các cô gái vào dịp lễ, dù là Valentine hay - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Phụ nữ từ lâu là trọng tâm thảo luận trong những chiến dịch tiếp thị của các thương hiệu xa xỉ. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, vào ngày Độc thân, các công ty thường nhắm vào đối tượng ngược lại: Đàn ông - chẳng hạn chồng hoặc bạn trai của những cô nàng thích mua sắm.
Không chỉ người độc thân đi chơi vào ngày 11-11, nhiều cặp đôi cũng ăn mừng ngày này dù họ có riêng một ngày lãng mạn là Valentine.
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, vào dịp này, phụ nữ Trung Quốc có xu hướng "đòi quà" trên mạng xã hội. Họ tìm hiểu các món đồ đắt tiền trên mạng xã hội, sau đó tag (đánh dấu) chồng/bạn trai vào trang mua sắm hoặc gửi ảnh chụp màn hình, với hy vọng chồng/bạn trai sẽ mua món quà đó cho họ.
Câu chuyện này hiện phổ biến tới mức các bài đăng trên mạng xã hội về xu hướng mua sắm xa xỉ thường gắn vào dòng hashtag #qianwanbuyaorangnupengyoukandao (#ngàn vạn lần đừng để bạn gái tôi nhìn thấy).
Trong văn hóa phương Tây, việc yêu cầu bạn đời của mình mua quà mình yêu thích được xem là huênh hoang. Tuy nhiên, đối với các cặp đôi Trung Quốc, tặng quà là dấu hiệu cho thấy cả hai tin tưởng nhau và cho thấy tình cảm dành cho nhau.
Tặng quà là biểu hiện của tình yêu tại Trung Quốc - Ảnh: SCMP
Hiện nay, sau khi nhận yêu cầu từ bạn gái, các bạn nam thường dùng tính năng "Bao lì xì" của ứng dụng nhắn tin Wechat để tặng quà cho người yêu của mình.
Do đó, thay vì tập trung vào phái đẹp, các nhãn hàng thường nhắm vào đàn ông - những người móc hầu bao ra trả.
Giữa tháng 10, nhật báo Jing Daily từng tường thuật về cơn sốt máy sấy tóc giá 550 USD của Dyson. Bài viết của Camelia, người gây ảnh hưởng tiếp thị của Dyson, đã có hơn 100.000 lượt xem và 15.790 lượt thích trên Weibo.
Bình luận nhận được lượt like nhiều nhất, với 64.000 like, của bài đăng này có nội dung: "Tôi cũng vậy. Tôi vừa gửi thông tin chiếc máy tới chồng tôi và anh ấy ngay lập tức gửi ảnh chụp màn hình cho thấy đơn hàng. Anh ấy đã đặt mua cho tôi hai cái. Một cái cho tôi và một cái cho mẹ tôi".
Máy sấy tóc Dyson sau đó trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội: "Người đàn ông của bạn sẽ mua nó cho bạn hay không?". Chiếc máy sấy tốc giá 550 USD đã trở thành phép thử cho thấy liệu người đàn ông sẵn sàng đầu tư vào một mối quan hệ hay không.
Tính năng bao lì xì của WeChat sẽ giúp cánh đàn ông Trung Quốc thanh toán đơn hàng trực tuyến tiện hơn - Ảnh: EPA
Năm 2016, loại son môi Star Clash của hãng Yves Saint Laurent’s cũng trở thành một phép thử tình yêu của các cặp đôi trẻ. Trước cơn sốt này, thương hiệu của Pháp vốn xa lạ với cánh đàn ông tại Trung Quốc.
Trong khi đó, sau khi hãng Apple ra mắt iPhone X vào năm 2017, chiếc điện thoại giá 999 USD này đã gây ra một cuộc tranh luận về tình yêu và tiền bạc trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một bài đăng trên trang hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc có tựa đề "Bạn gái tôi yêu cầu tôi mua cho cô ấy một chiếc điện thoại iPhone X, tôi nên làm gì đây?" đã có hơn 20 triệu lượt xem và hơn 1.600 bình luận.
Trong bài đăng này, một người đàn ông trẻ kể lại rằng sau khi anh không đồng ý mua món quà đắt tiền mà bạn gái anh đòi hỏi, cô này liền phán rằng anh không chân thành trong tình yêu. Bài viết cũng nhanh chóng biến iPhone X trở thành một phép thử trong tình yêu.
Hành động đòi quà của các cô gái nhận nhiều luồng ý khiến, cả ủng hộ lẫn trái chiều. Tuy nhiên, quan trọng hơn, trào lưu đòi quà đã cho thấy một xu hướng mới trong chuyện hẹn hò tại Trung Quốc. Nó trở thành thước đo đánh giá một người đàn ông yêu một phụ nữ đến mức nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận