12/01/2015 11:01 GMT+7

Indonesia vươn tầm ảnh hưởng ra ngoài ASEAN

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Với chính sách đối ngoại tập trung tìm kiếm các lợi ích trong các mối quan hệ song phương của tân Chính phủ Indonesia, vị thế của ASEAN đối với Indonesia liệu có thay đổi hay không.

Có nhiều ý kiến trái chiều về chính sách đối ngoại của Indonesia dưới chính quyền của Tổng thống Jokowi - Ảnh: Reuters
Nếu nước nào trong ASEAN cũng đi theo con đường này, rồi ASEAN sẽ hướng về đâu?
Ông Farish Noor

Vai trò trung tâm của ASEAN xưa nay được coi là chủ đề chính trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Tuy nhiên, dưới chính quyền của tân Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, dường như Jakarta đang tìm cách thắt chặt quan hệ song phương với các cường quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Điều này trái ngược với sự tập trung vào quan hệ đa phương vốn được nhấn mạnh dưới thời tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (2004-2014).

Chuyển từ đa phương sang song phương

Trong bối cảnh vị thế toàn cầu của Indonesia đang lớn mạnh, việc lựa chọn các đối tác đang mở rộng nhưng cũng có những nghi ngờ nổi lên về việc liệu ASEAN có còn là viên gạch nền cho chính sách đối ngoại của Jakarta hay không.

The Diplomat dẫn lời cố vấn chính sách đối ngoại cho tổng thống Indonesia Rizal Sukma nói trong một diễn đàn ở Washington (Mỹ) gần đây rằng: “Chúng tôi từng nói ASEAN là viên gạch nền cho chính sách đối ngoại của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi thay đổi lại rằng ASEAN là một trong những viên gạch nền trong chính sách đối ngoại”.

Ông Sukma cũng nói chính sách đối ngoại dưới thời ông Jokowi sẽ tập trung hơn vào các mối quan hệ với những khu vực khác bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương.

“Cách mà bạn định nghĩa bản đồ thế giới sẽ định nghĩa cách mà bạn ứng xử trên trường quốc tế” - ông nói.

Theo The Diplomat, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách đối ngoại mới của Jakarta sẽ đi theo hướng song phương nhiều hơn. Bản thân ông Jokowi từng khẳng định ông sẽ không đầu tư nhiều thời gian vào những mối quan hệ ngoại giao không đem lại ích lợi cho Indonesia.

Điều này khác xa chính quyền của cựu tổng thống Yudhoyono từng đẩy mạnh khẩu hiệu “hàng ngàn người bạn, không có kẻ thù”.

Tân Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng nhiều lần nói rằng chính sách đối ngoại dưới thời ông Jokowi sẽ tập trung hơn vào việc thắt chặt quan hệ song phương với các quốc gia chiến lược hơn là quan hệ đa phương.

The Nation dẫn lời nhà phân tích Emirza Adi Syailendra thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (Singapore) cho rằng với việc chú trọng hơn vào chính sách đối ngoại (khác với dự đoán trước đó của một số nhà phân tích rằng ông Jokowi sẽ hướng nội nhiều hơn), thật khó có thể bác bỏ các ưu tiên đối ngoại của Indonesia đang chuyển hướng vượt ra ngoài biên giới ASEAN.

Đơn cử, học thuyết hàng hải mới của ông Jokowi đã nhấn mạnh ý định của Indonesia trong việc “hướng Tây” trên phương diện tăng cường quan hệ với các nước ở Ấn Độ Dương như Ấn Độ và Nam Phi, đẩy mạnh quan hệ song phương với các cường quốc Thái Bình Dương.

Có quay lưng với ASEAN?

Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng nói tập trung của chính sách hiện tại là lấy dân làm gốc. Tuyên bố này được ông Jokowi nhắc lại trong một cuộc thảo luận về việc thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) tại Myanmar tháng 11 năm ngoái.

Tổng thống Indonesia nói Jakarta sẽ không giúp ích được gì cho các mục tiêu của AEC về một thị trường chung nếu điều này đặt Indonesia vào thế bất lợi khi nước này đơn thuần trở thành một thị trường cho hàng hóa của các nước láng giềng.

Tuy nhiên, sau lời nói thẳng thừng này, một bài xã luận trên The Jakarta Post đã kêu gọi ông Jokowi làm rõ quan điểm của mình với các nước thành viên ASEAN hơn là dùng lối nói khoa trương để làm vừa lòng dư luận trong nước.

Theo The Nation, giới quan sát cũng nhận xét nhiều chính sách khác như việc cho đánh chìm các tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia cũng có thể cho thấy Jakarta sẽ không do dự trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước ASEAN.

“Trong khi Indonesia giữ vai trò quyết định trong sự tiến bộ của ASEAN, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta có thể tăng trưởng nhanh hơn với tư cách là một thành viên đầy đủ của khối thương mại khu vực trên phương diện các mối quan hệ lợi ích chung. Indonesia không nên hành xử kiểu anh lớn đối với các thành viên ASEAN” - bài xã luận trên The Jakarta Post viết.

Đối với nhiều người, xu hướng này là điều đáng lo trong bối cảnh ASEAN đang bước vào giai đoạn sâu hơn của quá trình hội nhập và vai trò chủ động của Indonesia đang được trông đợi.

The Diplomat dẫn lời nhà khoa học chính trị người Malaysia Farish Noor (Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam) cảnh báo trong khi những động thái dân túy có thể làm tăng uy tín của ông Jokowi ở trong nước thì cũng đem lại rủi ro đối với sự đoàn kết của ASEAN.

“Nếu nước nào trong ASEAN cũng đi theo con đường này, rồi ASEAN sẽ hướng về đâu?” - ông Noor nói.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Emirza Adi Syailendra, nói Indonesia thật sự quay lưng với ASEAN cũng không hẳn.

Theo The Nation, đại sứ Indonesia tại ASEAN Rahmat Pramono hồi tháng 12-2014 đã tái khẳng định cam kết không ngừng của nước này đối với quá trình xây dựng cộng đồng. Ông cũng bác bỏ những nhìn nhận kể trên về chính sách đối ngoại của ông Jokowi.

“Không có cơ sở cho những nghi ngờ này. Tổng thống Jokowi đã đảm bảo rằng Indonesia sẽ tham gia tích cực vào các nỗ lực để thế giới này trở thành một nơi hòa bình hơn” - ông nói.

Chủ tịch Diễn đàn Đông Nam Á tại Trường đại học Stanford (Mỹ) Donald Emmerson cũng nhấn mạnh các dự đoán về chính sách đối ngoại của Indonesia hướng đến song phương nhiều hơn và ít quan tâm đến ASEAN hơn có thể bị coi là nhìn nhận không đúng trong thời điểm này.

Ông Emmerson, một chuyên gia lâu năm về Indonesia, chỉ ra rằng bất đồng giữa ông Jokowi và đội ngũ của ông cùng với sự thay đổi trong môi trường quốc tế hiện nay cho thấy “những gì ông Jokowi muốn bây giờ có thể không phải thứ ông ta sẽ có về sau”.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên