Tuần qua là một quãng thời gian sôi động của ASEAN với hàng loạt cuộc gặp cấp cao được tổ chức từ ngày 4 đến 7-9 tại Indonesia - nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2023.
Chiếc búa chủ tịch luân phiên ASEAN 2024 đã được Indonesia trao cho Lào. Nhưng năm 2023 vẫn chưa kết thúc, đồng nghĩa trách nhiệm của Jakarta vẫn còn đó.
Có thể thấy chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nỗ lực mạnh mẽ như thế nào trong năm qua cho nhiệm kỳ của mình. Còn trong tuần qua, ông Widodo đã di chuyển liên tục và gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lãnh đạo thế giới ở cả trong và ngoài nước.
Sau Hội nghị ASEAN, tổng thống Indonesia lại bay tiếp sang Ấn Độ, nơi ông gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Thượng đỉnh G20. Và theo thông báo mới ngày 10-9 của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ tái ngộ tại Mỹ vào tháng 11 tới.
Khoác chiếc áo kinh tế lên Tầm nhìn AOIP
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó giáo sư Kaewkamol Pitakdumrongkit (Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore) nhận xét AIPF phản ánh vai trò dẫn dắt đáng khen ngợi của chủ tịch ASEAN hiện nay là Indonesia.
"AIPF là cơ hội tuyệt vời để cả khu vực công và tư nhân từ các quốc gia ASEAN, các nước đối tác ASEAN gặp gỡ và thảo luận về cách tài trợ cho các dự án hợp tác cũng như thúc đẩy hợp tác và hội nhập Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng", nữ chuyên gia nhận định.
Bà Kaewkamol Pitakdumrongkit cho biết diễn đàn được các doanh nghiệp đón nhận nồng nhiệt. Trong sự kiện này, Tổng thống Widodo thông báo sự hỗ trợ, đóng góp của ASEAN và các đối tác trong việc thực hiện 93 dự án trị giá 38 tỉ USD. Các bên liên quan cũng xác định 73 dự án tiềm năng trị giá 73 tỉ USD.
Đồng quan điểm, chuyên gia Andreyka Natalegawa (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ) đánh giá AIPF là một bước tiến tích cực, là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
AOIP đã được thông qua rầm rộ cách đây 4 năm, nhưng tiến độ thực hiện nó vẫn còn chậm. Các sáng kiến như AIPF là một bước tiến tốt hướng tới việc đưa AOIP vào hoạt động và phù hợp, theo ông Andreyka Natalegawa.
Theo giới quan sát, chủ đề mà AIPF hướng tới thiên về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, cho thấy Indonesia muốn thay đổi niềm tin phổ biến về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Cụm từ này trước đây, mỗi khi được nhắc đến thường bị hiểu là một chiến lược của phương Tây nhằm kiềm tỏa nước khác. Thông qua AIPF, Indonesia rõ ràng muốn "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" được nhớ đến nhiều vì khía cạnh kinh tế, thay vì chỉ an ninh và cạnh tranh địa chiến lược.
Nhiệm vụ khó khăn: biến AIPF thành cơ chế thường niên
Theo PGS Kaewkamol Pitakdumrongkit, để sáng kiến của Indonesia tiếp tục phát huy động lực tích cực này, AIPF cần được thể chế hóa và tổ chức các cuộc họp định kỳ.
"Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì cần có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên ASEAN và họ phải huy động nguồn lực để tổ chức các cuộc họp thường xuyên, ví dụ: chủ trì, tham gia, viết báo cáo cuộc họp.
Nói về "tuổi thọ của AIPF", chuyên gia Andreyka Natalegawa tin rằng nó sẽ phụ thuộc một phần vào việc nước chủ tịch ASEAN tiếp theo sẽ tiếp cận như thế nào.
Indonesia đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng AOIP ban đầu, do đó không có gì ngạc nhiên khi họ ưu tiên các bước thực hiện nó trong năm nay.
Theo ông Andreyka Natalegawa, liệu AIPF có được thể chế hóa tương tự như các cơ chế khác do ASEAN lãnh đạo như ADMM+ hay không sẽ phụ thuộc vào việc mức độ ưu tiên của nước chủ tịch ASEAN kế tiếp, cũng như mức độ mà Ban Thư ký ASEAN có thể ưu tiên và ủng hộ cho những sáng kiến như thế này.
Tiếp tục mở rộng cho hợp tác quốc tế
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có các diễn biến phức tạp, cả bà Kaewkamol Pitakdumrongkit và ông Andreyka Natalegawa đều cho rằng ASEAN cần chứng minh tổ chức này vẫn phù hợp, phải chứng tỏ rằng luôn có chỗ cho hợp tác quốc tế, nơi các lợi ích có thể hội tụ.
Ông Andreyka Natalegawa nhận định trước mắt ASEAN cần chứng minh rằng tổ chức này có khả năng giải quyết những thách thức quan trọng mà khu vực phải đối mặt như Biển Đông, Myanmar.
Việc ASEAN chưa tìm ra giải pháp lâu dài cho hai vấn đề này đã khiến các đối tác khu vực khám phá những con đường hợp tác khác. Chẳng hạn việc Mỹ tập trung vào các tiếp xúc song phương hoặc cấp nhỏ hơn về an ninh hàng hải.
"ASEAN cần chứng minh rằng hiệp hội có thể là một nơi khả thi và hiệu quả để đối thoại về những vấn đề như vậy nhằm duy trì vai trò trung tâm của mình", ông Andreyka Natalegawa nhấn mạnh.
Và lâu dài, ASEAN cần chứng minh sự phù hợp của mình với công chúng rộng rãi hơn ở các quốc gia thành viên, và đảm bảo rằng công việc của mình vẫn gắn liền với nhu cầu của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận