11/04/2020 09:08 GMT+7

Indonesia và Philippines: phải như phòng dịch từ sớm!

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Mỗi nước ASEAN có cách chống dịch COVID-19 khác nhau dẫn tới số ca nhiễm và tử vong cũng chênh lệch nhau, nên mỗi nước là một bài học kinh nghiệm cho nước khác.

Indonesia và Philippines: phải như phòng dịch từ sớm! - Ảnh 1.

Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Indonesia bên ngoài làng vận động viên Kemayoran được hoán cải thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: AFP

Tính đến tối 10-4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận gần 18.000 ca bệnh COVID-19 và 638 người chết. Đứng đầu là Malaysia với 4.228 ca nhiễm, theo sau là Philippines và Indonesia.

Theo giới quan sát, bên cạnh Malaysia, hai quốc gia Indonesia và Philippines đang phải trả giá đắt vì đã chủ quan không phòng ngừa từ sớm.

Indonesia chống dịch nhưng vẫn lo kinh tế

Các biểu đồ thể hiện tình hình dịch bệnh ở Đông Nam Á cho thấy phần lớn các nước đều chứng kiến đợt bùng phát kể từ giữa tháng 3, nghĩa là các bệnh nhân đợt đầu bùng phát đã bị nhiễm vào đầu tháng 3 hoặc cuối tháng 2. 

Đây là giai đoạn dịch bệnh đã hạ nhiệt ở Trung Quốc nhưng bắt đầu lan nhanh ở Ý, Iran và Hàn Quốc.

Indonesia của những ngày đầu tháng 3 không ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào, điều mà Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto cho rằng là nhờ những lời cầu nguyện. 

Bộ trưởng nội vụ Indonesia còn kêu gọi dân chúng ăn nhiều giá đỗ và bông cải xanh, trong khi Tổng thống Joko Widodo liên tục ca ngợi jamu, phương thuốc thảo dược truyền thống của người Indonesia. 

Dường như không ai nghĩ rằng chỉ một tháng sau đó Indonesia trở thành nước có tỉ lệ tử vong cao nhất châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về số người chết vì COVID-19.

Trong khi đó, bất chấp các khuyến cáo của Chính phủ Indonesia và đặc biệt là các thông tin dồn dập về ổ dịch ở thánh đường của Malaysia, các tín đồ ở Indonesia vẫn đổ về và chen nhau trong những thánh đường ở Indonesia. 

Ngày 20-3, khi Jakarta ban bố tình trạng khẩn cấp và mở đường cho lệnh giãn cách xã hội vài ngày sau đó, chính quyền vẫn tránh đưa ra các yêu cầu người dân không được tới thánh đường vào dịp cuối tuần.

Chính quyền Indonesia cho đến nay vẫn kiên quyết tuyên bố sẽ không phong tỏa toàn quốc, viện dẫn các yếu tố kinh tế. 

Vào tháng 2, khi nhiều quốc gia đang áp đặt các hạn chế đi lại, chính quyền của ông Widodo vẫn lên kế hoạch giảm giá tới 30% để thu hút khách du lịch. 

Gần 5 triệu USD được dành ra để trả cho các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) với yêu cầu duy nhất là hãy quảng bá du lịch Indonesia, theo tờ Jakarta Post.

Nhưng ngày 2-3, Tổng thống Widodo cuối cùng phải tuyên bố virus corona đã tới xứ vạn đảo. "Có những thứ chúng tôi tiết lộ nhưng có những thứ chúng tôi giữ lại, vì chúng tôi không muốn tạo ra sự lo lắng và hoảng loạn trong xã hội", ông Widodo thừa nhận.

Philippines đã chậm chân!

Ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được ghi nhận tại Philippines nên với một số chuyên gia, chính quyền Manila lẽ ra đã có thể chuẩn bị tốt hơn. 

Việc phong tỏa trên thực tế với 12 triệu dân ở vùng thủ đô Manila, hay nói theo ngôn ngữ của Tổng thống Rodrigo Duterte là "cách ly cộng đồng tăng cường", cho thấy sự thất bại chứ không phải cách tiếp cận cứng rắn kịp thời của chính quyền.

Viết trên tạp chí Nikkei Asian Review, chuyên gia Richard Heydarian nhận định Philippines "đã không học được bài học kinh nghiệm nào từ Việt Nam, Singapore". 

"Bất chấp sự gần gũi về địa lý, văn hóa và dịp Tết Nguyên đán, các quốc gia này đều cố gắng ngăn chặn dịch bệnh từ sớm", ông Heydarian đặt vấn đề. Những biện pháp từ sớm này đã cho phép Việt Nam và Singapore bỏ qua các bước chống dịch hà khắc của Trung Quốc hay Ý.

Gần hai tuần sau khi Vũ Hán bị phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập, ông Duterte vẫn tuyên bố "mọi thứ đều ổn" và rằng virus corona mới không có gì đáng sợ bởi vì cuối cùng nó sẽ "tự chết". 

Ông yêu cầu người dân của mình không được "hoảng loạn", thay vào đó "phải có niềm tin vào nhân loại", đặc biệt là vào chính bản thân mình bởi người Philippines là một dân tộc "kiên cường".

Theo chuyên gia Heydarian, Philippines hoàn toàn có thể chủ động chống dịch thay vì đợi nước đến chân mới nhảy. 

Thái độ này đã lý giải vì sao Philippines không chuẩn bị số lượng lớn bộ xét nghiệm virus corona và nhiều vật tư y tế khác trong suốt 2 tháng sau đó.

Nói như hai học giả Ronald D. Holmes và Paul D. Hutchcroft trên tờ Rappler, một quốc gia đã trải qua bao nhiêu thiên tai động đất, núi lửa hay sóng thần mỗi năm như Philippines giờ đây có nguy cơ ngã quỵ trước đại dịch COVID-19.

Báo ASEAN kêu gọi học mô hình Việt Nam

ASEAN Post chuyên các thông tin về khu vực ASEAN ngày 9-4 đã có bài viết trong đó đánh giá cao mô hình chống dịch của Việt Nam. 

Đồng thời nhấn mạnh cho đến nay Việt Nam là một trong ba nước còn lại của ASEAN không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19, trong khi số ca nhiễm ở mức thấp.

Tờ này khẳng định việc số bệnh nhân ở Việt Nam ít không phải là do thiếu các bộ xét nghiệm virus corona và chứng minh bằng việc dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long, chỉ ra ngoài 200.000 bộ xét nghiệm mua từ Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã tự sản xuất được bộ xét nghiệm trong nước.

ASEAN Post cũng nhắc lại các biện pháp phòng ngừa chủ động từ sớm của Việt Nam, trong đó quyết liệt truy tìm nguồn lây nhiễm và cách ly cả những người nằm trong nhóm F2, F3.

"Các quốc gia khác trong ASEAN và phần còn lại của thế giới có thể học hỏi từ phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trong xử lý đại dịch COVID-19", ASEAN Post kết luận.

ASEAN+3 bàn COVID-19

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 sẽ được tổ chức vào ngày 14-4 theo hình thức trực tuyến.

Giới quan sát một lần nữa đánh giá cao khả năng ngoại giao của Việt Nam, chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, khi triệu tập được Hội nghị ASEAN+3 gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

The Diplomat nhận định ASEAN có thể nhận được nhiều lợi ích từ hội nghị đặc biệt này bởi đây đều là các quốc gia đã có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 và nắm trong tay các nguồn tài nguyên y tế lớn, khả năng sản xuất mạnh mẽ.

Theo tạp chí The Diplomat, các cuộc tham vấn nội bộ đã được đẩy mạnh trong suốt hai tuần qua dưới sự thúc đẩy của Việt Nam.

Ngoài các cuộc họp giao ban thường xuyên trong ngành y tế, ASEAN cũng thiết lập một nhóm công tác liên ngành gồm các quan chức cấp cao về y tế, đối ngoại, thông tin, quốc phòng, nhập cư và giao thông nhằm chuẩn bị cho một kịch bản phản ứng chung của ASEAN.

Tạp chí The Diplomat cũng tiếp tục chỉ ra thực tế dù không dư dả gì, Việt Nam vẫn đóng góp vật tư y tế cho Lào và Campuchia, cũng như các bộ dụng cụ xét nghiệm cho Indonesia.

"Hi vọng ý thức mạnh mẽ về niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm khu vực sẽ thúc đẩy Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo hơn nữa, để năm 2020 không đi vào lịch sử như một năm thất bại của ASEAN", The Diplomat kết luận.

Dịch COVID-19 tối 31-3: Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia Dịch COVID-19 tối 31-3: Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

TTO - Tối 31-3, Chính phủ Thái Lan tuyên bố miễn phí dữ liệu di động để giúp người dân làm việc từ xa tốt hơn. Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi số ca tử vong vì dịch COVID-19 tăng lên 122 ca.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên