Theo AFP, một nguồn tin quen thuộc của họ cho biết: "Đã có ba quốc gia quan tâm đến việc đăng cai sau khi Việt Nam chính thức xin rút quyền đăng cai Asiad 2019". Nguồn tin này đưa ra một cái tên cụ thể đó là Indonesia và cho biết hai quốc gia còn lại thuộc vùng Đông Á. Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) khẳng định Indonesia là ứng cử viên sáng giá nhất hiện tại cho việc thay thế quyền đăng cai của Việt Nam. Quan chức này cho biết: "Các nhà chức trách của Jakarta đã bắt đầu đặt câu hỏi về chi phí".
Bên cạnh Indonesia, một ứng cử viên được dự đoán khác là Malaysia khi chính phủ nước này cũng tỏ rõ sự quan tâm. Tờ The Star đưa tin ông Datuk Sieh Kok Chi, tổng thư ký Ủy Ban Olympic Malaysia (OCM) nói Malaysia sẵn sàng đóng vai trò thay thế nếu được OCA yêu cầu cũng như xem xét lại một số điều kiện đăng cai.
Tờ The Star (Malaysia) dẫn lời ông Kok Chi: "Surabaya, thành phố đã thua Hà Nội trong cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 18 có thể vẫn quan tâm đến việc làm chủ nhà Asiad. Nếu được đề nghị làm chủ nhà Asiad, chúng tôi sẽ không đồng ý ngay lập tức. Chúng tôi sẽ xem xét và nhận lời nếu OCA sẵn sàng thay đổi một số điều kiện để đăng cai Asiad".
Trên thực tế vào năm 2012, chủ tịch OCM Tunku Tan Sri Imran Tuanku Ja’afar đã gặp các lãnh đạo của OCA để thảo luận về một quy trình xin đăng cai có thể đảm bảo quyền lợi cho cả quốc gia chủ nhà lẫn OCA.
"Ông Tunku Imran đã đề nghị một số thay đổi liên quan đến chi phí và chia sẻ lợi nhuận nhưng các cuộc thảo luận cho một sự thay đổi trong các điều khoản và điều kiện đã không thành công", Ông Kok Chi cho biết .
Trong khi đó, ông Husain AL Musallam, tổng giám đốc OCA khẳng định OCA sẽ quyết định quốc gia chủ nhà mới cho Asiad 2019 vào ngày 20-9 sắp tới, một ngày sau khi Asiad 2014 được khai mạc ở Incheon, Hàn Quốc.
Ông Musallam nói: "OCA hiểu và hạnh phúc vì Việt Nam đã đưa ra quyết định này kịp thời vì trì hoãn lâu chỉ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Sau khi Asiad 18 được trao quyền tổ chức cho Hà Nội, OCA đã tiến hành 3 cuộc xem xét và chúng tôi nhận thấy Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận