8 container rác bị thu giữ tại thành phố Surabaya của Indonesia - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, người phát ngôn của Cơ quan hải quan Đông Java cho biết 8 container bị thu giữ tại thành phố Surabaya của Indonesia theo kê khai đáng lẽ chỉ có rác thải giấy, nhưng nhà chức trách đã tìm thấy cả chất thải độc hại, rác thải gia đình, trong đó có tã giấy đã qua sử dụng.
Sau khi Bộ Môi trường Indonesia thanh tra, họ quyết định "những thứ này sẽ phải được tái xuất".
"Phải tái xuất số rác đó để bảo vệ cộng đồng và môi trường Indonesia, nhất là khu vực Đông Java khỏi những loại rác thải B3", thông cáo của cơ quan hải quan nêu, nhắc tới loại rác gồm những chất độc hại với môi trường và sức khỏe con người.
Cũng theo nhà chức trách Indonesia, Công ty Oceanic Multitrading của Úc đã gửi số rác nói trên tới Indonesia nhờ sự giúp đỡ của Công ty PT. MDI của Indonesia.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu rác nhựa nước ngoài năm 2018, ngành công nghiệp tái chế rác toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Nhiều quốc gia phát triển loay hoay tìm những nơi khác ngoài Trung Quốc để… đổ rác.
Một số lượng lớn rác sau đó đã "tìm đường" tới các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên thời gian qua phong trào tẩy chay rác ngoại cũng đã bùng lên mạnh mẽ tại những nước này.
Tuần trước, Indonesia công bố sẽ gửi trả 49 container rác cho Pháp và các nước phát triển khác.
Trong tháng 5, nước láng giềng Malaysia công bố tái xuất 450 tấn rác nhựa nhập khẩu trở về các quốc gia ban đầu, trong đó có Úc, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và Mỹ. Tháng trước Philippines cũng đã trả 69 container rác lại cho Canada.
Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), mỗi năm toàn cầu thải ra khoảng 300 triệu tấn rác nhựa. Một phần rất lớn trong đó không được tái chế và đang gây ra cuộc khủng hoảng rác nhựa nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận