TTCT - Muốn trung lập thật sự phải ở vị thế của kẻ mạnh. Indonesia là ví dụ điển hình ở khu vực Đông Nam Á. Cho tới nay, có thể nói là ông Jokowi đã lèo lái thành công con thuyền Indonesia trong một thế giới đầy bất trắc. Ảnh: Nikkei Asia ReviewTờ Kompass của Indonesia hôm 12-8 đăng tin: "Binh sĩ Indonesia và Hoa Kỳ diễn tập bắn đạn thật khi căng thẳng Trung Quốc lên cao". Còn hôm 1-8, Hãng tin News 18 (Ấn Độ) chạy tít: "Tập Cận Bình gặp Widodo của Indonesia: Trung Quốc cần đồng minh giữa cuộc chiến Ukraine và cuộc khủng hoảng Đài Loan". Vậy thì Indonesia đang đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh toàn cầu mới?Việc hàng ngàn binh sĩ Indonesia, Mỹ và các đồng minh khác diễn tập bắn đạn thật vào hôm 12-8 được tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino, gọi là nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực sau "các hành động gây bất ổn" của Trung Quốc xung quanh Đài Loan. Kèm theo bản tin là tấm hình chụp ông Aquilino và Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Indonesia Andika Perkasa thị sát cuộc tập trận mang tên Siêu lá chắn Garuda 2022, diễn ra ở Baturaja, nam Sumatra.Indonesia không phải là Trung QuốcTin về cuộc trập trận biểu thị thái độ của Indonesia với tình hình hiện giờ. Siêu lá chắn Garuda 2022 diễn ra sau khi Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy vào tuần trước quanh Đài Loan, phản ứng lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, theo tờ Kompass. Cũng báo này tiết lộ: "Cuộc tập trận được mô tả là lớn hơn các cuộc huấn luyện trước đó", và nêu bật: "Ít nhất 4.000 binh sĩ Mỹ và Indonesia tham gia cuộc tập trận kéo dài hai tuần cùng các lực lượng Úc, Singapore và Nhật Bản (nước lần đầu tiên tham gia), so với chỉ 1.000 trong các cuộc tập trận trước".Các khoa mục huấn luyện bao gồm: "Lực lượng quân sự liên hợp bắn tên lửa chống tăng Javelin, trong khi trực thăng Apache bắn nhiều loạt đạn súng máy và tên lửa vào khu vực huấn luyện trên đồi". Có thể thấy rõ "âm ba" của cuộc chiến Ukraine qua chi tiết tập trận, nhất là trong điều kiện địa hình rừng núi Indonesia.Tất cả nằm trong kế hoạch "Dẫn lối hành quân" (Operation Patchways) được tướng Charles Flynn - tư lệnh Bộ chỉ huy lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương (USARPAC) - giới thiệu trên tờ Stars & Stripes của quân đội Mỹ số đề ngày 15-4: "Quân đội Mỹ vẫn còn trấn giữ Thái Bình Dương, dù đang hướng sự chú ý vào việc giúp Ukraine tự vệ ở châu Âu". Thật ra, "Dẫn lối hành quân" đã được người tiền nhiệm của ông Flynn là tướng Vincent Brooks vạch ra, nay được triển khai tiếp với yêu cầu là duy trì các đơn vị nhỏ trong khu vực một thời gian nhất định, thông qua huấn luyện đa quốc gia.Tướng Flynn giải thích cụ thể: ""Dẫn lối hành quân" được thiết kế cho khu vực và cũng là thế trận của chúng tôi, cho phép bộ binh sát cánh cùng các đối tác và đồng minh, tăng cường khả năng hoạt động cùng nhau nếu xảy ra xung đột", rồi kết luận: ""Dẫn lối hành quân" giải quyết cả các bài toán chiến thuật và chiến lược".Có thể thấy kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh Ukraine, các bên đều phải sẵn sàng hơn cho những mặt trận mới. Các đối thủ tranh chấp chính điều binh khiển tướng theo chủ đích mới, như Trung Quốc tung máy bay ngày đêm vượt eo biển Đài Loan không chỉ để trả đũa các động thái của Mỹ mà còn để chuẩn bị cho một "ngày N" "tái thống nhất".Indonesia không phải là MỹTrong tình hình hỗn mang hiện tại, Indonesia đã chọn thái độ nào và thể hiện thái độ đấy ra sao? Câu trả lời là họ đã chọn những gì tối ưu cho mình.Khi tình hình hậu Pelosi trở nên đe dọa với khu vực, thậm chí dẫn tới nguy cơ "không đánh chó được thì bắt mèo", Indonesia đã chọn thế đứng an toàn. Cuộc tập trận Garuda 2022, đặt theo tên con chim mà thần Vishnu cưỡi - biểu tượng của đất nước, là sáng kiến của riêng Indonesia, còn Mỹ chỉ tham gia trong vai trò phụ trợ.Tướng Stephen Smith, chỉ huy trưởng Sư đoàn 7 bộ binh Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận, nhấn mạnh bảng phân vai: "Cuộc tập trận do Indonesia dẫn đầu này đã phát triển về phạm vi và quy mô. Sự lớn mạnh của cuộc tập trận cho thấy tầm quan trọng của nó cũng như của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".Không khó hiểu việc chính quyền dân sự Indonesia tuy vẫn theo hướng trung lập song quân đội nước này lại có xu hướng nghiêng về phía Hoa Kỳ và phương Tây "với việc chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay vào tháng 8, lần đầu tiên diễn ra ở Biển Đông", Asia Times loan tin từ tận 20-4.Cũng như không khó hiểu lý do các mũi tập trận năm nay trên bộ, trên biển và trên không tập trung vào nam Sumatra và đông Kalimantan, còn tập đổ bộ thì ở quần đảo Natuna. Đó là những khu vực mà các tàu hải cảnh và nghiên cứu hải dương của Trung Quốc từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Indonesia hồi năm ngoái, với ý đồ tìm cách thực thi trên thực tế cái gọi là "đường chín đoạn" bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.Nhưng Indonesia không vì vậy mà ngả hẳn về bên nào. Với vị trí địa lý và vị thế đặc biệt trên trường ngoại giao, Jakarta thực sự là tấm gương của sự trung lập và độc lập ngoại giao "một cách thực tế". Ngay sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, Indonesia đã xem xét lại đường hướng đối ngoại.East Asia Forum 27-4 đăng một bài phân tích đáng chú ý của giảng sư cao cấp I. Gede Wahyu Wicaksana ở Đại học Airlangga (Indonesia). Theo nhà nghiên cứu này, cuộc chiến Ukraine không trực tiếp diễn ra ở môi trường địa chính trị tức thời của Indonesia nhưng lại tác động đến tình hình chiến lược của nước này: cuộc chiến ở châu Âu, cùng với lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, đang định hình lại tương lai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, Indonesia cần xem xét lại định hướng và sách lược đối ngoại.Theo ông Gede, chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, hiện còn nhiều dính dấp với quan điểm và mục tiêu cũ thời Chiến tranh lạnh. Ông lưu ý cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc hiện nay ở châu Á không được thúc đẩy bởi ý thức hệ mà bởi lợi ích địa chính trị và địa kinh tế. Điều này đồng nghĩa một cường quốc tầm trung như Indonesia có thể khó theo đuổi hiệu quả chủ nghĩa trung dung thực dụng không theo khối nào (phi khối) mà ông cho là đã lỗi thời.Như vậy, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) phải coi không liên kết chỉ là phương tiện, chớ không phải mục đích, để đảm bảo lợi ích quốc gia. Vì thế, có thể coi việc Indonesia cùng Mỹ và các đồng minh khác tập trận là sự biểu thị rằng nước này không ngả về phía Trung Quốc - lập trường quen thuộc của giới tướng lĩnh Indonesia, hiện đứng đầu là tướng về hưu Sutiyoso, đồng minh chính trị của ông Jokowi.Indonesia là IndonesiaChính ông Jokowi đã dẫn đầu trong công cuộc chèo chống ngoại giao khéo léo này: là nhà lãnh đạo đầu tiên được Bắc Kinh trải thảm đỏ tiếp đón từ khi nước này phong tỏa hoàn toàn vì chính sách zero COVID. Điểm lại hành trình ngoại giao của ông Jokowi trong vài tháng đầy biến động vừa qua sẽ thấy được vị thế trung lập kẻ mạnh của Indonesia: đầu tháng 7, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Matxcơva; cuối tháng 7, đi một vòng 3 nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; giữa tháng 8, làm chủ nhà cho cuộc tập trận hoành tráng với Mỹ. Đó là chưa kể dự kiến cuối năm nay Indonesia sẽ là chủ nhà kiêm chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 có lẽ là nhạy cảm nhất lịch sử của nhóm này.Ở Bắc Kinh hôm 26-7, tức chỉ hơn hai tuần trước cuộc tập trận Garuda, ông Jokowi còn gặp ông Tập Cận Bình và "đạt được đồng thuận quan trọng trong một loạt vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm" (Asia Times 28-7). Với cuộc chiến Ukraine, hôm 3-3-2022, Indonesia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Nga nhưng sau đó không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như không chỉ trích Matxcơva công khai, mà chỉ lưu ý điều kiện nhân đạo ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Indonesia có lập trường ủng hộ Ukraine, nhưng là từ góc độ phi liên kết, lợi ích kinh tế và uy tín quốc tế. Đồng thời, họ khẳng định vẫn sẽ mời ông Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào giữa tháng 11 tới.Tất nhiên trong nội bộ Indonesia cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chính sách đối ngoại của ông Jokowi. Song phải thừa nhận rằng ông đã lèo lái con tàu đất nước yên ổn qua hơn một nhiệm kỳ rưỡi, và cho tới giờ, ít ra là Indonesia không thất thế lẫn không thất thố với nước lớn nào. Như vậy là đã quá đủ với một cường quốc bậc trung.■Những diễn giải của các tướng tá Mỹ trong cuộc tập trận Garuda phản ánh một số vấn đề đang được đặt ra cho quân lực nước này tại Thái Bình Dương, nhất là từ sau cuộc chiến Ukraine và cuộc khủng hoảng Đài Loan:(1) Quân lực Hoa Kỳ phải căng mình từ chiến trường châu Âu, cụ thể là Ukraine, tới tận Thái Bình Dương - nơi căng thẳng đang có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang. Câu hỏi đặt ra là liệu quân lực Mỹ có thực sự đủ sức chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận lớn hay thậm chí là hơn nữa.(2) Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của USAPARC càng nặng nề khi tới nay họ đóng quân chủ yếu ở Hawaii, Alaska, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines.(3) Giải pháp là làm sao đồng bộ hóa khả năng tác chiến giữa quân đội Mỹ và quân đội các nước đối tác và đồng minh. Ở Đông Nam Á, trừ Philippines, các nước khác chưa chặt chẽ phối hợp với USAPARC để có thể có cùng những khả năng tác chiến, sử dụng vũ khí và khí tài chung. Tags: IndonesiaMỹTrung QuốcĐài LoanTrung lậpChiến tranh UkraineJokowi
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.