Cảnh sát chống khủng bố Indonesia thu giữ tang vật từ nhà một nghi can tấn công khủng bố ở Jakarta - Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, ngày 19-1, ông Luhut Panjaitan, bộ trưởng điều phối an ninh và pháp lý Indonesia, cho biết chính quyền sẽ thắt chặt luật chống khủng bố, qua đó tạo điều kiện cho cảnh sát dễ dàng trấn áp khủng bố hơn. Thay đổi lớn nhất sẽ là nhà chức trách có quyền bắt giữ bất kỳ ai “có dấu hiệu” âm mưu tổ chức khủng bố.
Hủy tư cách công dân
Trước đó, cả lãnh đạo lực lượng cảnh sát và tình báo Indonesia đều đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Joko Widodo đưa ra các thay đổi cần thiết để tăng cường an ninh. Khác với nhiều quốc gia bị IS đe dọa, Indonesia không có luật cho phép chính phủ bắt giữ những kẻ cực đoan trở về từ Syria và Iraq.
Ước tính khoảng 200 công dân Indonesia đã gia nhập IS tại Syria và Iraq. Từ trước vụ tấn công ở Jakarta tuần trước nhà chức trách đã bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này. Giám đốc Cảnh sát quốc gia Badrodin Haiti khẳng định ông muốn chính phủ hủy tư cách công dân của những người Indonesia gia nhập IS.
Giám đốc tình báo quốc gia Sutiyoso cho biết hiện chính quyền Malaysia đã cho phép cài thiết bị điện tử để theo dõi các nghi can khủng bố. Trong khi đó Mỹ và Pháp cũng có những luật chống khủng bố rất gắt gao. “Các nước này đều tôn trọng nhân quyền và tự do. Nhưng khi an ninh quốc gia bị khủng bố đe dọa, họ phải ưu tiên vấn đề tình báo và an ninh” - ông Sutiyoso nhấn mạnh.
Mối đe dọa đối với Indonesia là rất lớn bởi quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới bị IS coi là “phản Hồi giáo”. Mới đây ông Haiti cũng cảnh báo nguy cơ lớn nhất đối với nước này là các tay súng giàu kinh nghiệm trên chiến trường Syria và Iraq trở về nước tổ chức các cuộc tấn công khủng bố.
Mầm mống khủng bố từ nhà tù
Các chuyên gia Indonesia cho biết nhà tù chính là nơi bọn khủng bố chiêu mộ cực đoan ở nước này. Theo Reuters, báo cáo của Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC), 26 nhà tù ở Indonesia đang giam giữ 270 tên khủng bố. Trong tù, những tay khủng bố này thường xuyên “truyền đạo” cho những tên tội phạm có tư tưởng cực đoan.
Giám đốc Cơ quan Chống khủng bố Indonesia Saud Usman Nasution cho biết các nhà tù ở Indonesia quá đông, do đó cai ngục không ngăn chặn được hành vi “truyền đạo” này. Mới đây nhà chức trách phát hiện giáo sĩ cực đoan Aman Abdurrahman dù bị giam trong một nhà tù an ninh tối đa nhưng vẫn liên lạc được với những kẻ cực đoan khác nhờ điện thoại di động.
Thậm chí Abdurrahman và những tên cực đoan bị giam giữ còn tiếp cận được với thư điện tử và mạng xã hội như Facebook. Vì vậy, dù bị giam nhưng Abdurrahman vẫn gửi lên mạng thông điệp thề trung thành với IS hồi năm 2014.
Ngoài ra bọn cực đoan trong tù còn dễ dàng gửi thông điệp ra bên ngoài vì chế độ thăm hỏi ở nhà tù Indonesia khá thoải mái. Trong vụ tấn công khủng bố ở Jakarta mới đây, có ít nhất năm tên cực đoan bị giam trong tù ở Indonesia đã lên lạc với những kẻ lên kế hoạch tấn công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận