Trong phát biểu ngày 5-5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng các nhà ngoại giao nước này đã thực hiện tổng cộng 60 cuộc tiếp xúc với tất cả các bên, bao gồm các bên tại Myanmar cũng như các nước láng giềng Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.
Indonesia, hiện là nước chủ tịch ASEAN, đang tìm cách khởi động kế hoạch 5 điểm đã được thống nhất với chính quyền Myanmar 2 năm trước sau khi các nỗ lực hòa giải thất bại. Kế hoạch nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực và đàm phán giữa quân đội và phe đối lập.
"Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ chủ tịch, Indonesia đã quyết định áp dụng cách tiếp cận ngoại giao không ồn ào. Mục đích là để xây dựng lòng tin giữa các bên. Ngoại giao thầm lặng không có nghĩa là Indonesia không làm gì cả. Thực tế trong vài tháng qua chúng tôi đã làm rất nhiều", Hãng tin AFP và Reuters dẫn lời bà Marsudi cho biết.
Theo bà Marsudi, các động thái của Indonesia đều được các thành viên ASEAN ủng hộ. "Indonesia tiếp tục cố gắng đóng vai trò cầu nối để thu hẹp cách biệt sâu sắc giữa các bên", nhà ngoại giao Indonesia nói.
Myanmar chìm trong tình trạng bất ổn kể từ cuộc chính biến vào tháng 2-2021 kéo theo tình trạng bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế. Bạo lực vẫn tiếp diễn và tháng trước Indonesia đã lên tiếng chỉ trích khi quân đội Myanmar không kích khu vực Sagaing ở phía tây bắc khiến hàng chục người thiệt mạng.
Với việc chính quyền quân sự Myanmar liên tục bác bỏ triển khai kế hoạch hòa bình và tấn công phe đối lập, ASEAN đã cấm Naypyidaw tham gia các cuộc họp cấp cao của khối từ năm 2021.
Trong tuần tới, Indonesia sẽ chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên và Myanmar tiếp tục không được mời.
Bên cạnh nỗ lực ngoại giao thầm lặng của Indonesia, các đại diện chính phủ và cơ quan nghiên cứu từ Myanmar cũng như các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đàm phán tại New Delhi vào tháng trước nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận