Các nhân viên y tế được tiêm ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27-1 - Ảnh: REUTERS
Theo quy định mới được sửa đổi, những người thuộc diện cần phải tiêm ngừa nhưng từ chối sẽ bị phạt. Mức phạt sẽ tùy quyết định của các chính quyền địa phương. Ngoài bị phạt, những người không tiêm ngừa còn bị loại khỏi một số chương trình công, điều có thể ảnh hưởng đến những người nghèo nhận phúc lợi xã hội, theo Hãng tin Bloomberg ngày 18-2.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Indonesia Edward Hiariej từng gây xôn xao khi cho biết luật cho phép bỏ tù đến 1 năm những người không tham gia tiêm ngừa bắt buộc.
Đến nay, trong số 34 tỉnh ở Indonesia, chỉ mới có thủ đô Jakarta tuyên bố sẽ phạt những người không tiêm ngừa đến 360 USD.
Trong một khảo sát của Bộ Y tế Indonesia vào tháng 9-2020, 65% người dân cho biết họ muốn tiêm ngừa COVID-19, trong khi số còn lại lo lắng về chi phí và các rủi ro của vắc xin. 8% nói rằng họ không muốn tiêm ngừa. Indonesia sau đó tuyên bố sẽ tiêm ngừa miễn phí.
Sau giai đoạn đầu tiêm hơn 1 triệu liều cho các nhóm ưu tiên như nhân viên y tế, Indonesia ngày 17-2 đã bắt đầu giai đoạn 2, dự kiến tiêm cho khoảng 38 triệu người từ nay đến tháng 5-2021. Theo kế hoạch, nước này sẽ tiêm được cho 2/3 của tổng số 270 triệu dân trong vòng 15 tháng để đạt được mức miễn dịch cộng đồng đủ cao để ngăn dịch COVID-19.
"Mỗi quốc gia đều có quyền ra quy định theo thẩm quyền của mình", người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi nói ngày 17-2.
Tại một số nước, dù không bắt buộc tiêm ngừa nhưng các chính quyền đang có những động thái như mượn tay các công ty để làm điều này. Tờ Financial Times hôm 17-2 đưa tin nhiều công ty Anh đang chuẩn bị áp dụng chính sách "không tiêm ngừa, không việc làm" sau khi được chính phủ bật đèn xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận