Một người đàn ông mua dừa tươi tại thủ đô Jakarta, Indonesia trong bối cảnh dừa đang tăng giá do người dân mua tích trữ - Ảnh: CNA
Thông tin các món như sữa tiệt trùng, dừa tươi... có thể ngăn nhiễm bệnh và chữa được COVID-19 đang lan truyền trên các nền tảng xã hội, dẫn đến nhu cầu tích trữ cao và giá tăng.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Channel NewsAsia (CNA) ngày 20-7, các chuyên gia y tế lo ngại các tác dụng phụ tiềm ẩn khi dùng quá nhiều những thực phẩm nói trên. Đồng thời lo ngại người dân sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan trong phòng dịch khi nghĩ mình đã được bảo vệ nhờ dùng những mặt hàng này.
"Người dân nhận thông tin sai lệch về những mặt hàng này, trong đó nói chúng có thể chữa COVID-19 hoặc ít nhất có thể giúp một người không bị nhiễm bệnh hay chỉ bệnh nhẹ" - bác sĩ Siti Nadia Tarmizi, giám đốc phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Bộ Y tế Indonesia, cho biết.
"Không có thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh chúng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm chứ đừng nói tới chữa được COVID-19" - bà Tarmizi nhấn mạnh.
Bà Tarmizi cho biết Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo công chúng không tích trữ các mặt hàng nói trên nhưng có vẻ nhiều người đã bỏ qua thông điệp của chính phủ.
Trong vài tuần qua, một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân Indonesia xếp hàng tranh nhau mua một nhãn hiệu sữa bò cụ thể. Việc tích trữ là kết quả của một thông tin chưa được xác minh rằng nhãn hiệu sữa bò đó giúp tăng cường kháng thể, ngăn người dùng bị nhiễm COVID-19.
Khi nhu cầu tăng đột biến, một số đại lý đã tăng giá loại sữa đó lên gấp năm lần. "Thật khó để mua nhãn hiệu sữa đó trong những ngày này dù tôi đã cố mua mỗi khi có cơ hội" - bà nội trợ Merry Sihombing cho biết.
"Tôi được bảo là sữa đó tốt cho tôi. Tôi không quá tin là uống sữa đó sẽ giúp gia đình không mắc COVID-19 nhưng chẳng hại gì nếu chúng tôi đề phòng thêm" - bà Sihombing nói tiếp.
Theo CNA, giá bán lẻ hiện tại của loại sữa đó là 12.000 rupiah (0,83 USD) một hộp. Trước đó, một hộp sữa loại này chỉ có giá khoảng 9.000 rupiah.
Người dân Indonesia cũng đang tích trữ dừa xanh. "Do nhu cầu cao, nhiều chủ vườn dừa đã hái trước khi dừa đủ lớn. Kể cả vậy, người dân vẫn mua dừa" - người bán dừa tên Jarot nói với kênh CNA.
Ông Jarot cho biết ông thường bán dừa với giá 12.000 rupiah mỗi trái. Tuy nhiên, giá dừa ngày 20-7 đã lên đến 30.000 rupiah.
Theo CNA, sữa tiệt trùng và dừa tươi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tại Indonesia. Trên mạng xã hội và nhiều ứng dụng tin nhắn khác, đang có nhiều thông điệp lan truyền về các mặt hàng chữa trị COVID-19 mà không có bằng chứng khoa học nào chứng minh tính hiệu quả.
Bác sĩ Hermawan Saputra thuộc Hiệp hội Chuyên gia y tế công cộng Indonesia (IAKMI) cho biết mọi người đang trở nên tuyệt vọng hơn trong cách bảo vệ bản thân và gia đình.
"Đại dịch đã hoành hành một năm rưỡi và mọi người thấy số ca COVID-19 tăng lên ngoài tầm kiểm soát. Hệ thống y tế quá tải và không có dấu hiệu gì là đại dịch sẽ kết thúc. Vào thời điểm này, ngày càng nhiều người cảm thấy họ cần phải tự bảo vệ bản thân và gia đình họ. Không may mắn là một số người tin mọi thứ họ nghe hay đọc được" - bác sĩ Saputra nói.
Cho tới nay, Indonesia ghi nhận hơn 2,9 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 74.900 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận