Tuti Tursilawati - Ảnh: TWITTER
Indonesia mới đây đã phản ứng giận dữ sau khi Saudi Arabia tử hình một nữ lao động nhập cư người Indonesia mà không thông báo trước cho chính quyền Jakarta và gia đình người này.
Lao động nhập cư này là một người giúp việc nhà tên Tuti Tursilawati, bị kết án tử hình hồi năm 2011 vì giết chết chủ của cô. Ông chủ này là người Saudi Arabia.
Vụ tử hình diễn ra hôm 29-10 ở thành phố Thaif đánh dấu lần thứ 4 chính quyền Riyadh không thông báo cho các bên liên quan trước khi thi hành án đối với một lao động nhập cư Indonesia trong 3 năm qua.
Theo tờ Washington Post, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 31-10 cho biết phía Indonesia đã gọi điện cho Ngoại trưởng Adel AL-Jubeir của Saudi Arabia, yêu cầu giải thích lý do Indonesia không được thông báo gì về vụ xử tử.
Hikmahanto Juwana, một chuyên gia về luật quốc tế tại ĐH Indonesia, nhận định chính quyền Riyadh đã "vi phạm các quy tắc trong quan hệ quốc tế" khi không thông báo cho Indonesia trong bối cảnh ngày xử tử công dân Indonesia cận kề.
Theo tờ Jakarta Post, Tuti Tursilawati bị buộc tội cố ý giết người cha của ông chủ thuê cô. Cô đã dùng gậy đánh ông này đến chết. Theo luật hình sự của Saudi Arabia, hành động này là không thể tha thứ và phải chịu án tử hình.
Tuti tuyên bố chỉ hành động để tự vệ khi bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, tòa án Saudi Arabia đã ra phán quyết dựa trên lập luận rằng: "Đúng là Tuti đã bị quấy rối, nhưng không phải vào lúc cô thực hiện hành vi phạm tội".
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiếp đón Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tại phủ tổng thống ở Indonesia hôm 22-10 - Ảnh: REUTERS
Vụ tử hình diễn ra chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Adel al-Jubeir của Saudi Arabia gặp người đồng cấp Indonesia và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Jakarta.
Sự việc khiến Indonesia càng "nóng mặt" là vì trong chuyến thăm này, ông Widodo đã đề cập câu chuyện của Tursilawati. Tuy nhiên, cuối cùng Jakarta vẫn không được thông báo gì khi ngày tử hình cận kề.
Vụ việc gây ra nhiều hoang mang khi mà 11 triệu lao động nước ngoài, đến từ hơn 100 quốc gia, đang làm việc tại Saudi Arabia. Ước tính 2,3 triệu người trong số này làm việc trong các gia đình với vai trò người giúp việc nhà.
Hành động của Saudi Arabia càng gây nhiều tranh cãi trong bối cảnh vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng đối với quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này. Các nước yêu cầu Riyadh đưa ra lời giải thích thích đáng cho vụ sát hại nhà báo người Saudi Arabia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận