Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự họp của ASEAN tại Campuchia ngày 11-11 - Ảnh: REUTERS
Ngày 11-11, ông Widodo kêu gọi mở rộng lệnh cấm đối với các quan chức của chính quyền quân sự Myanmar tại các cuộc họp của khối. Hiện tại, chỉ các đại diện "phi chính trị" của Myanmar được tham dự các cuộc họp này.
"Indonesia rất thất vọng vì tình hình ở Myanmar đang trở nên tồi tệ hơn", báo South China Morning Post dẫn lời ông Widodo nói tại cuộc họp của ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia. Ghế của Myanmar được để trống tại cuộc họp.
Các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 11-11 ra tuyên bố kêu gọi Myanmar thúc đẩy kế hoạch hòa bình tại nước này nếu không muốn tiếp tục bị gạt khỏi các cuộc họp cấp cao của nhóm. Trong tuyên bố, ASEAN cho biết cần có các biện pháp "cụ thể, thiết thực, có thể đo lường được và có thời hạn" cho vấn đề Myanmar.
Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ "xem xét thêm" về sự tham gia của Myanmar tại các cuộc họp của khối "nếu tình hình yêu cầu".
“Tình hình ở Myanmar vẫn còn nguy cấp và mong manh, với bạo lực ngày càng gia tăng là mối quan tâm lớn không chỉ ảnh hưởng đến Myanmar mà còn ảnh hưởng đến các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN. ASEAN cam kết hỗ trợ Myanmar tìm ra giải pháp hòa bình và lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay”, tuyên bố cho biết.
Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia gọi tuyên bố của ASEAN là "thông điệp mạnh mẽ, thậm chí là cảnh báo đối với Myanmar".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Myanmar đã ra tuyên bố phản đối tuyên bố của ASEAN và sẽ không tuân theo các đề xuất của khối.
Theo giới phân tích, các động thái của ASEAN vẫn chưa đủ cứng rắn và thiếu sự lãnh đạo về vấn đề này.
“Trừ khi có áp lực thực sự và đáng kể, cũng như các biện pháp khuyến khích, chính quyền quân sự (Myanmar) sẽ phớt lờ, nếu không muốn nói là bác bỏ, các tuyên bố”, chuyên gia khoa học chính trị Chong Ja Ian của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận