Kiểm tra vắc xin của công ty Sinovac Biotech Ltd. của Trung Quốc nhập về cơ sở PT Bio Farma (Persero) tại TP Bandung, tỉnh Tây Java ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS
"Sau khi tiếp nhận nhiều kiến nghị của người dân và sau khi tính toán khả năng tài chính của nhà nước, tôi có thể nói rằng các vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được tiêm miễn phí cho người dân" -Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra thông báo trên trong ngày 16-12.
Ông Widodo nói "các vắc xin" là bởi Indonesia đã quyết định "bắt cá nhiều tay" để có được nhanh số lượng vắc xin ngừa COVID-19 đủ cho 270 triệu dân nước này.
Mua 6 loại vắc xin
Chính phủ Indonesia đã quy định 6 loại vắc xin COVID-19 có thể được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng trong nước. Đó là vắc xin của các hãng Bio Farma, Astra Zeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer Inc/BioNtech và Sinovac Biotech.
Ngày 6-12 vừa qua, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắc xin do Công ty Sinovac Trung Quốc sản xuất. Dự kiến vào tháng 1-2021 sẽ có thêm 1,8 triệu liều vắc xin và 15 triệu liều vắc xin nguyên liệu thô để Công ty Biofarma sản xuất.
Chính phủ Indonesia trước đó cho biết sẽ ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế ở Java và Bali cùng những người trong độ tuổi 18 - 56 tuổi được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tính chất di chuyển nhiều.
Ngày 12-12, ông Erick Thohir - bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, giám đốc điều hành Ủy ban xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN) - cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho khoảng 75 triệu người trong vòng 8-9 tháng tới.
Bộ trưởng Thohir khẳng định chính phủ sẽ ưu tiên tiêm chủng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân.
Ban đầu, chính quyền Indonesia dự kiến có 2 hình thức triển khai tiêm chủng, trong đó 32 triệu người được chính phủ trợ cấp và 75 triệu người tự chi trả thông qua một chương trình độc lập. Nhưng theo thông báo trong ngày hôm nay thì dân Indonesia sẽ có vắc xin miễn phí.
Chính quyền Jakarta sẽ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia, huy động số lượng lớn bệnh viện và phòng khám tư nhân.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ có cơ chế phân phối vắc xin rõ ràng. Mỗi hộp vắc xin đều được theo dõi bằng mã code QR từ khi xuất kho đến khi phân phối đến bệnh viện nhằm ngăn chặn việc tuồn vắc xin ra thị trường chợ đen để bán với giá cao hơn quy định.
Khu vực tiếp nhận vắc xin mua về đã được chuẩn bị nhanh chóng ở Indonesia - Ảnh: REUTERS
Ngoại giao vắc xin
Hôm 8-12, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận nước này đang tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trong việc tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19.
Theo Ngoại trưởng Retno, để vắc xin sớm về nước này, Bộ Ngoại giao Indonesia đã phối hợp với các cơ quan bộ ngành trong nước, đồng thời mở rộng khả năng hợp tác với một số nhà phát triển vắc xin trên thế giới như Sinovac và AstraZeneca cũng như tham gia hợp tác đa phương thông qua sáng kiến COVAX của Liên minh toàn cầu về vắc xin (Gavi) vào tháng 10-2020.
Ngoại trưởng Indonesia cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giám sát việc cung cấp vắc xin.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao Indonesia cùng với Bộ Y tế và Bộ Tài chính nước này cũng đang tiếp tục trao đổi với Thụy Sĩ về việc mua thêm vắc xin theo cơ chế hợp tác đa phương, vì Indonesia là một trong 92 quốc gia COVAX AMC sẽ tiếp nhận lượng vắc xin cho từ 3% - 20% dân số. Ngoại trưởng Retno cũng hy vọng nguồn vắc xin từ hợp tác đa phương sẽ tới Indonesia vào năm 2021.
Indonesia hiện còn một số việc cần làm cho đến cuối năm 2020, bao gồm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tiếp nhận khoảng 15 triệu liều vắc xin COVID-19 từ Sinovac, 1,8 triệu liều vắc xin thành phẩm và 30 triệu liều vắc xin nguyên liệu vào tháng 1-2021.
Ngày 7-12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua vắc xin COVID-19.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nêu rõ chính phủ đã chi khoản ngân sách trên để mua 3 triệu liều vắc xin của công ty công nghệ sinh học Sinovac và 100.000 liều vắc xin của công ty Cansino, đều của Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu, 1,2 triệu liều vắc xin của Sinovac đã được chuyển đến Indonesia và sẽ được sử dụng vào đầu năm 2021. Ở giai đoạn tiếp theo, 1,8 triệu liều vắc xin Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia trong tháng 1-2021.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng chi khoảng 19,6 triệu USD để mua các vật tư y tế hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng vắc xin như ống tiêm, bông tẩm cồn và các hộp đựng an toàn.
Bên cạnh đó, nước này cũng dành khoảng 13,4 triệu USD mua các trang thiết bị lưu trữ và bảo quản vắc xin như tủ lạnh, thiết bị theo dõi nhiệt độ, đồ bảo hộ cá nhân…
Tham gia chương trình tiêm chủng vắc xin này có 10.134 trung tâm y tế cộng đồng và 2.877 bệnh viện.
Vận chuyển vắc xin nhập tại cơ sở của PT Bio Farma (Persero) tại TP Bandung, tỉnh Tây Java ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS
Chuẩn bị cho tự lực
Ngày 3-12, Chính phủ Indonesia đã công bố thành lập Nhóm nghiên cứu quốc gia về phát triển vắc xin Đỏ Trắng ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy các nỗ lực tự chủ sản phẩm này.
Phát biểu họp báo trực tuyến công bố quyết định thành lập nhóm nghiên cứu nói trên, Bộ trưởng Nghiên cứu và công nghệ Bambang Brodjonegoro nhấn mạnh: "Với dân số 270 triệu người, Indonesia cần một lượng lớn vắc xin. Do vậy, hợp tác phát triển vắc xin nội địa là điều rất cần thiết nhằm hỗ trợ khả năng tự chủ".
Theo hãng thông tấn chính thức Antara, có 6 cơ sở nghiên cứu được chỉ định - gồm Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Đại học Indonesia (UI), Viện Sinh học phân tử Eijkman, Đại học Airlangga, Viện Công nghệ Bandung và Đại học Gadjah Mada - tham gia Nhóm nghiên cứu quốc gia về phát triển vắc xin Đỏ Trắng (màu quốc kỳ của Indonesia).
Giám đốc LIPI, ông Laksana Tri Handoko cho biết hiện vắc xin Đỏ Trắng đã trải qua giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm trên động vật. Sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và được tiêm chủng cho người dân, quá trình giám sát sẽ tiếp tục được tiến hành trong 5-10 năm tiếp đó.
Về phần mình, người đứng đầu Liên danh nghiên cứu COVID-19 thuộc Bộ Nghiên cứu và công nghệ, ông Ali Ghufron khẳng định rằng ngoài việc giúp đất nước xử lý đại dịch, việc phát triển vắc xin Đỏ Trắng cũng chứng tỏ khả năng của Indonesia trong việc tự sản xuất vắc xin ngừa dịch bệnh này.
Trước đó, Bộ trưởng Brodjonegoro, đồng thời là giám đốc Ủy ban Nghiên cứu và đổi mới quốc gia (BRIN), từng dự báo rằng vắc xin Đỏ Trắng do Indonesia tự sản xuất sẽ bắt đầu được phân phối thương mại vào quý 4 năm 2021.
Vận chuyển vắc xin nhập tại cơ sở của PT Bio Farma (Persero) ở TP Bandung, tỉnh Tây Java ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS
Nhằm kiềm chế tốc độ lây của dịch COVID-19, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ đang tới gần, ngày 15-12, giới chức Indonesia đã thông báo quyết định cấm tổ chức các hoạt động đông người nơi công cộng vào dịp lễ Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 trên phạm vi toàn quốc. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 18-12-2020 đến ngày 8-1-2021.
Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia công bố hôm 1-12, tỉ lệ sử dụng giường tại các khu cách ly và chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân COVID-19 đã lên tới 57,97%. Tỉnh Tây Java có tỉ lệ cao nhất với 77%, trong đó riêng thành phố Bandung lên tới 88,6%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận