Một chiếc quan tài giả được đặt bên đường ở Jakarta để cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ngày 19-8 đăng câu chuyện nhà chức trách ở thủ đô Jakarta của Indonesia đang sử dụng các chiến thuật gây sốc để chống dịch COVID-19: dựng quan tài bên đường để nhắc nhở người dân về mối đe dọa do dịch bệnh dễ lây lan này.
Tại một quận của Jakarta, người qua lại trên đường có thể nhìn thấy dòng chữ "nạn nhân COVID-19" màu đỏ to đùng trên một quan tài trưng bày bên đường. Kế bên quan tài là một manơcanh mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và kính che mặt. Phía dưới quan tài là một tấm bảng cho thấy số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 của quận này.
"Có lẽ hành động này của lãnh đạo địa phương có thái quá một chút, nhưng chúng tôi hi vọng cách làm này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân" - Djaharuddin, lãnh đạo quận Mampang Prapatan ở Jakarta, chia sẻ.
Đến nay, Indonesia đã ghi nhận hơn 143.000 ca nhiễm, hơn 6.200 ca tử vong và là quốc gia có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á.
Tại thủ đô Jakarta, nơi ở của ít nhất 10 triệu dân, các trường học vẫn đóng cửa trong khi nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng vận hành với sức chứa ít hơn nhằm nới lỏng dần các biện pháp hạn chế trong thành phố.
Một công nhân quét rác gần chiếc quan tài giả và manơcanh mặc đồ bảo hộ y tế ở Jakarta, Indonesia ngày 19-8 - Ảnh: REUTERS
Trên khắp đất nước Indonesia, các biện pháp nhằm giữ giãn cách xã hội đã được đưa ra nhưng không phải lúc nào người dân cũng chú ý đến.
"Số ca nhiễm tăng ngày qua ngày, nhưng người dân vẫn phớt lờ các biện pháp y tế. Việc dựng quan tài bên đường sẽ giúp người dân giữ cảnh giác để họ có thể thay đổi hành vi của mình", quan chức này cho biết thêm.
Chính quyền các quận khác ở thủ đô Jakarta cũng đang xem xét áp dụng ý tưởng dựng quan tài bên đường, theo truyền thông địa phương.
Muhamad Soleh, một người bán mì, nói ông thích ý tưởng trên. "Chúng ta cần thừa nhận rằng COVID-19 nguy hiểm, và với một quan tài được dựng lên như vậy, tôi nghĩ cách này rất hiệu quả" - ông chia sẻ.
Tại ngôi làng Kepuh trên đảo Java, chính quyền cũng từng dùng cách tiếp cận tương tự, theo đó cho người đóng giả các "thây ma" để đi tuần với hi vọng khiến người dân sợ hãi và ở lại trong nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận